Hợp lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hợp lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
4 giờ trướcBài gốc
Sinh viên ngành Kỹ thuật địa chất Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) trong giờ học thực hành tại phòng thí nghiệm. Ảnh: THANH HÙNG
TPHCM mới được định hướng trở thành siêu đô thị đa trung tâm, giữ vai trò hạt nhân trong các lĩnh vực tài chính - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, đô thị thông minh, logistics và kinh tế biển... Tầm vóc này đòi hỏi một thế hệ nhân lực không chỉ tinh thông chuyên môn mà còn phải có tư duy toàn cầu, năng lực hành động và khả năng thích ứng trong môi trường biến đổi nhanh.
Nguồn nhân lực là hạt nhân chiến lược
Theo GS Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM, TPHCM sau hợp nhất sẽ không thể vận hành các cơ chế hiện đại nếu thiếu đội ngũ có năng lực về công nghệ và đổi mới (Nghị quyết số 57); không thể tận dụng hội nhập nếu không có nhân tài am hiểu thị trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh định hình hội nhập quốc tế sâu rộng tại TPHCM (Nghị quyết số 59-NQ/TW); không thể cải cách thể chế nếu không có cán bộ hiểu biết pháp luật hiện đại (Nghị quyết số 66-NQ/TW) và không thể thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành động lực nếu thiếu doanh nhân - chuyên gia bản lĩnh cũng như các chính sách đồng hành phù hợp (Nghị quyết số 68-NQ/TW). Do đó, vai trò then chốt của nguồn lực nhân lực đối với TPHCM mới có thể tóm tắt ở 3 nhóm đối tượng chủ lực: chuyên gia công nghệ và đổi mới để vận hành cuộc cách mạng chuyển đổi số; doanh nhân tinh thông pháp lý - thị trường quốc tế, trong nước tạo ra đột phá cho kinh tế tư nhân; đội ngũ cán bộ, công chức các cấp hiểu rõ định hướng đô thị mới, vận hành hiệu quả cơ chế đặc thù.
“Trong bối cảnh TPHCM mới phát triển theo mô hình đa cực tăng trưởng, nhân lực không chỉ phải có chuyên môn sâu mà còn phải có tư duy hệ thống, kết hợp tư duy toàn cầu và năng lực hành động địa phương; có khả năng tích hợp kiến thức liên ngành, giải quyết vấn đề, đổi mới sáng tạo và thích ứng nhanh với môi trường kinh tế số, đô thị thông minh và yêu cầu phát triển bền vững; có tinh thần học hỏi không ngừng, chủ động thích nghi và đồng hành cùng sự thay đổi và thích ứng theo từng vùng chức năng của đô thị mới”, GS Sử Đình Thành nhấn mạnh.
Theo phân tích của TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, TPHCM mới sẽ là vùng đô thị siêu tích hợp: phát triển công nghiệp công nghệ cao tại Bình Dương (trước đây), logistics và cảng biển quốc tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu (trước đây), trung tâm tài chính, thương mại và sáng tạo tại lõi đô thị TPHCM (trước đây). Khi 3 cấu phần này hợp lực, chúng ta kỳ vọng về một hệ sinh thái kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ và hiệu quả, đúng nghĩa “siêu đô thị thông minh” đầu tiên của Việt Nam. Để làm được điều này, TPHCM cần đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các thế hệ trí thức trẻ, những người sẽ gánh vác sứ mệnh xây dựng vùng đô thị kiểu mẫu. Cùng với đó là hệ thống giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo phải được xem là “hạ tầng mềm” chiến lược, được quan tâm ngang bằng với đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật.
Các nhà khoa học đang làm việc tại Trung tâm Vật liệu cấu trúc nano và phân tử (ĐHQG TPHCM). Ảnh: THANH HÙNG
Đẩy mạnh mô hình “tam giác chiến lược”
Theo PGS-TS Quách Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thành phố chính là nơi để các sáng kiến trong hệ sinh thái liên kết nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp được kiểm nghiệm, đóng góp thiết thực vào phát triển thành phố trong kỷ nguyên phát triển bền vững. Do đó, chính quyền TPHCM nên đầu tư cho các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo - quản lý - chuyên gia - cán bộ công chức trong bối cảnh đô thị mở rộng và cấu trúc thể chế mới. Các trường đại học đã đồng hành với sự phát triển của TPHCM suốt 50 năm qua và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho giai đoạn phát triển mới của TPHCM, góp phần đưa thành phố vươn tầm mạnh mẽ trong tương lai.
TS Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, nhìn nhận, nhận thức rõ vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ cốt lõi, nhà trường đã xây dựng kế hoạch hành động gắn với mục tiêu chiến lược 2025-2030 và tầm nhìn đến 2045. Trong đó, tập trung giải quyết những vấn đề chính như thiết kế chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là những ngành mũi nhọn tại TPHCM như công nghệ, logistic, tài chính, đồng thời xây dựng các ngành nghề mới để đón đầu xu hướng lao động như công nghệ bán dẫn, vi mạch, điện hạt nhân, công nghệ tài chính. Cùng với đó, nhà trường đẩy mạnh liên kết nghiên cứu - đào tạo - ứng dụng giữa nhà trường, doanh nghiệp và chính quyền TPHCM để dự báo, quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đô thị thông minh, kinh tế tri thức và phát triển bền vững.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, mô hình hợp tác 3 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp được Đại học Quốc gia TPHCM xác định là “tam giác chiến lược”, cốt lõi trong hệ sinh thái quốc gia đổi mới sáng tạo. Theo đó, Nhà nước (TPHCM) đóng vai trò kiến tạo, thiết lập khung thể chế, dẫn dắt đầu tư, cung cấp đất đai, hạ tầng và chính sách ưu đãi về thuế, tài chính cho các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp... Nhà trường là trung tâm sản sinh tri thức, cung cấp nguồn lực trí tuệ, thực hiện các nghiên cứu nền tảng, phát triển các giải pháp ứng dụng... Doanh nghiệp giữ vị trí then chốt trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, đưa đổi mới vào thực tiễn và lan tỏa giá trị ra thị trường, tài trợ cho nghiên cứu ứng dụng, đặt hàng các đề tài từ trường đại học... Ba bên vận hành theo nguyên tắc “cùng thiết kế - cùng triển khai - cùng chia sẻ giá trị”. Các bên cùng nhau tham gia xây dựng mục tiêu nghiên cứu, đồng thời chia sẻ lợi ích tài chính từ kết quả ứng dụng. Khi “tam giác chiến lược” vận hành hiệu quả, TPHCM mới sẽ hiện thực hóa các kỳ vọng đột phá.
* PGS-TS LÊ TUẤN ANH, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Thủ Dầu Một: Nhu cầu phát triển nhân lực công nghệ cao ngày càng lớn
Chúng tôi xác định rõ, các cơ hội lớn cho không chỉ nhà trường mà cho cả hệ thống giáo dục Bình Dương trước đây khi sáp nhập với TPHCM sẽ tạo xung lực phát triển mạnh mẽ hơn lĩnh vực KH-CN, đổi mới sáng tạo, thừa hưởng lợi thế lớn từ trung tâm giáo dục, KH-CN tại TPHCM. Riêng với nhà trường, cơ hội còn lớn hơn khi không gian đô thị mở rộng hơn, nhu cầu về phát triển nhân lực công nghệ cao ngày càng lớn hơn, nhất là trước yêu cầu cấp bách về thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Để có tầm nhìn và lộ trình rõ ràng, tận dụng lợi thế khi hợp nhất với TPHCM, trường đã được phê duyệt đề án phát triển trường đến 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó đã định hình được trường phát triển theo hướng ứng dụng, đào tạo chất lượng cao, đưa ra các giải pháp phát triển, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, hội nhập quốc tế đáp ứng nhu cầu nhân lực cho TPHCM.
* Bà NGUYỄN PHẠM HOÀN MỸ, Trưởng Bộ phận Tuyển dụng và Đào tạo, Công ty TNHH Nitori: Thêm chính sách kết nối sâu giữa doanh nghiệp và hệ thống giáo dục
Công ty Nitori đang sử dụng khoảng 4.200 lao động. Tuy nhiên, tuyển dụng các vị trí đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề cao như công nhân bảo trì, kỹ thuật viên điện, điện tử hay nhân sự văn phòng có trình độ chuyên môn vẫn còn nhiều thách thức do nguồn cung tại địa phương còn hạn chế. Từ ngày 1-7, việc sáp nhập giúp rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu (trước đây) với nguồn nhân lực chất lượng từ các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật và trung tâm nghề nghiệp tại TPHCM. Điều này góp phần đa dạng hóa nguồn ứng viên cả về số lượng lẫn chất lượng, đồng thời rút ngắn thời gian tuyển dụng và nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo nội bộ. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp FDI như Nitori, việc tiếp cận nguồn nhân lực tay nghề cao sẽ là điều kiện tiên quyết để đẩy mạnh các hoạt động cải tiến, tự động hóa, nâng cao năng suất và đảm bảo chất lượng.
Chúng tôi cũng kỳ vọng TPHCM sẽ có thêm các chính sách kết nối sâu hơn giữa doanh nghiệp và hệ thống giáo dục thông qua chương trình thực tập, hợp tác đào tạo và định hướng nghề nghiệp sớm cho sinh viên. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ thiết thực như phát triển nhà ở xã hội, giao thông liên vùng thuận lợi, ưu đãi thuế, phí cho người lao động hoặc doanh nghiệp mở rộng quy mô… cũng sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp thu hút và giữ chân người lao động lâu dài tại địa phương.
XUÂN TRUNG - TRÚC GIANG
THANH HÙNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/hop-luc-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-post802737.html