Hợp nhất Bình Phước và Đồng Nai: Xu thế - cơ hội và động lực phát triển mới

Hợp nhất Bình Phước và Đồng Nai: Xu thế - cơ hội và động lực phát triển mới
7 giờ trướcBài gốc
BPO - Theo chủ trương của Bộ Chính trị, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính (ĐVHC) là để chuẩn bị cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, với mục tiêu mở rộng không gian, tạo động lực phát triển, đảm bảo sự ổn định lâu dài của đất nước phát triển trên nền tảng phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, của mỗi vùng trong tổng thể.
Bình Phước - Đồng Nai là 2 tỉnh giáp ranh, có nhiều điểm tương đồng, do đó việc 2 tỉnh “về chung một nhà” thật sự là cuộc tái ngộ lịch sử, hứa hẹn mở ra không gian phát triển mới đầy tiềm năng, lợi thế, vì sự phát triển của vùng và cả nước.
BÀI 2
TẦM VIỄN KIẾN VÀ “CẤT CÁNH” TỪ NỀN MÓNG LỊCH SỬ
Thu hút mọi nguồn lực trong không gian phát triển mở
Đồng Nai được ví là một trong những “thủ phủ” công nghiệp lớn nhất cả nước.
Hiện nay, Đồng Nai đang dẫn đầu cả nước về phát triển khu công nghiệp (KCN) với 48 khu theo quy hoạch, trong đó có 33 KCN được thành lập với tổng diện tích 10.500 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 86%. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, số dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực là 1.112 đơn vị, với số vốn hơn 468.380 tỷ đồng; số dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực là 1.687 đơn vị, với số vốn đăng ký 35,27 tỷ USD.
Tuy nhiên, một số KCN của tỉnh Đồng Nai đi vào hoạt động từ lâu, nên vị trí quy hoạch bộc lộ nhiều hạn chế. Việc di dời các KCN này ra khỏi khu vực trung tâm để nhường chỗ cho các khu đô thị, thương mại, dịch vụ là hết sức cần thiết. Bởi, dù qua nhiều năm liên tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về công nghiệp hóa nhưng tỷ lệ đô thị hóa tại Đồng Nai chưa tương xứng, thậm chí khá thấp.
Đồng Nai được xem là một trong những “thủ phủ” công nghiệp lớn nhất cả nước - Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa I nhìn từ trên cao
Bình Phước là tỉnh có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ, có vị trí địa lý chiến lược “đầu gối Trường Sơn”, “vai kề biên giới” nước bạn Campuchia, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, kết nối kinh tế, văn hóa, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, tiểu vùng Mê Công và ASEAN. Theo quy hoạch, đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II (TP. Hồ Chí Minh), sau khi hợp nhất, việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng có thể được thực hiện bài bản, đồng bộ hơn. Các dự án giao thông quan trọng như đường cao tốc, sân bay sẽ được triển khai nhanh chóng, giúp kết nối vùng mạnh mẽ hơn, tạo thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa, thúc đẩy thương mại và xuất khẩu. Đồng Nai có thêm điều kiện để di dời các KCN, cụm công nghiệp ra xa khu vực đô thị để tập trung phát triển thương mại, dịch vụ. Ngược lại, Bình Phước có thêm cơ hội thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp với lợi thế đất đai rộng lớn; hạ tầng công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hiện đại; giao thông thuận lợi.
Bình Phước có cơ sở hạ tầng và không gian phát triển rộng lớn - Ảnh: Tiến Dũng
Việc sáp nhập các tỉnh không chỉ giúp tinh gọn bộ máy hành chính mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Kết luận số 127-KL/TW ngày 28-2-2025 của Bộ Chính trị chỉ rõ, việc sáp nhập các tỉnh sẽ giúp khắc phục tình trạng phát triển manh mún, đầu tư dàn trải và kém hiệu quả trong phân bổ nguồn lực; hướng tới mở rộng không gian phát triển mới, phát huy lợi thế của địa phương và mục tiêu kết hợp hài hòa, hợp lý các ĐVHC có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của ĐVHC sau sắp xếp... Điều này càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Bình Phước, Đồng Nai đều có nhiều tiềm năng, cơ hội bổ trợ cho nhau cùng phát triển nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
Ông Nguyễn Quốc Khang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam chia sẻ: Nghe tin Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai mình thực sự rất phấn khởi, mừng cho các doanh nghiệp, vì công ty đã đầu tư rất lớn tại 2 tỉnh này. Hiện nay, công ty đặt trụ sở chính tại Đồng Nai. Và, ở Bình Phước, công ty đã đầu tư nhà máy chế biến gà xuất khẩu ở thị xã Chơn Thành. Hai tỉnh hợp nhất sẽ rất thuận lợi về mặt quản lý nhà nước, công tác thuế. Khi hệ thống hạ tầng giao thông được cải thiện, logistics vận chuyển hàng hóa giữa 2 khu vực thuận lợi sẽ giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.
“Bình Phước ở vị trí địa lý rất thuận lợi, cách cảng Cái Mép - Thị Vải khoảng 180km, cách TP. Hồ Chí Minh không xa khoảng 110km và cách Sân bay quốc tế Long Thành cũng không nhiều. 2 tỉnh Bình Phước - Đồng Nai hợp nhất, vấn đề vận chuyển logistics sẽ thuận lợi hơn. Đặc biệt, Bình Phước có tiềm năng đất đai rộng lớn, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bền vững. Đây chính là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai phát triển sang khu vực Bình Phước”.
Ông NGUYỄN QUỐC KHANG, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam
Tụ hội và phát triển mọi lực lượng, khẳng định và nâng tầm vị thế mới
Một vị đại biểu Quốc hội từng ví von: Tỉnh nhỏ cũng giống như chiếc áo chật, chỉ cần cựa nhẹ đã sứt chỉ, nên làm gì cũng khó. Do vậy, muốn mở mang, phát triển, nuôi hoài bão lớn, chúng ta phải sắm cái áo mới rộng hơn, để tạo không gian phát triển. Do đó, sau hợp nhất, mỗi tỉnh sẽ lớn hơn, có không gian phát triển rộng hơn, không bị chia cắt bởi giới hạn hành chính như hiện nay.
Bình Phước và Đồng Nai sau hợp nhất sẽ có diện tích hơn 12.700km2, dân số hơn 4,3 triệu người, trở thành một trong những tỉnh có quy mô diện tích, dân số trong top đầu khu vực miền Nam và cả nước. Điều này trả lời cho mối băn khoăn nêu trên.
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, đứng trong top đầu cả nước về phát triển kinh tế, với tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 đạt hơn 260.200 tỷ đồng, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm 2023. Bình Phước cũng đang vươn lên phát triển năng động. Năm 2024, quy mô kinh tế đạt hơn 115.000 tỷ đồng, tăng gấp 92 lần so với năm đầu tái lập tỉnh (1997); tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 9,4% - mức cao so với bình quân chung cả nước, riêng năm 2024 đạt 9,32%, đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ và thứ 11 cả nước.
Với những tiềm năng, lợi thế hiện có, tỉnh Đồng Nai mới sau hợp nhất không chỉ trong top đầu khu vực miền Nam về quy mô kinh tế, đây còn là thủ phủ của ngành công nghiệp cả nước, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi và phát triển một số loại cây công nghiệp như cao su, điều, sầu riêng và cây ăn trái khác…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự hợp nhất này sẽ tạo thuận lợi để tỉnh Đồng Nai mới thực hiện tốt vai trò là cửa ngõ, trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của vùng, có vị trí, vai trò chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của quốc gia, đồng thời là điều kiện để trở thành trung tâm tiếp vận, cung ứng, trung chuyển, sản xuất hàng hóa của Việt Nam và thế giới thông qua hệ thống cảng biển và Sân bay quốc tế Long Thành. Đây sẽ là điều kiện tốt để thu hút vốn đầu tư, mở rộng dư địa phát triển ra các ngành, lĩnh vực có tính cạnh tranh cao.
Hệ thống giao thông của tỉnh Đồng Nai sau hợp nhất cũng thuộc diện đa dạng bậc nhất cả nước, với sự kết hợp giữa đường sắt, sân bay, cảng biển và cửa khẩu: Sân bay quốc tế Long Thành; sắp tới Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa; cảng Cái Mép - Thị Vải; quốc lộ 13, quốc lộ 14 nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Tây; cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Biên Hòa - Vũng Tàu, Bình Phước - TP. Hồ Chí Minh, Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)… Ngoài ra, Bình Phước là tỉnh có đường biên giới trên đất liền tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài nhất Việt Nam (258,939km), có 4 cửa khẩu (Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, các cửa khẩu chính: Hoàng Diệu, Lộc Thịnh; cửa khẩu phụ Tân Tiến) và 1 lối mở, thuận lợi để kết nối với tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Biên Hòa được chọn là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Đồng Nai mới sau hợp nhất, bởi ở vị trí trung tâm chiến lược, thuận lợi trong kết nối giao thông, mở đường cho kinh tế phát triển - Trong ảnh: TP. Biên Hòa nhìn từ trên cao
Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, Đồng Nai, Bình Phước còn có hệ sinh thái rừng đa dạng, cùng với tỉnh Lâm Đồng, 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước đang cùng sở hữu một trong 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận, đó là Vườn quốc gia Cát Tiên rộng hơn 82.000 ha. Bình Phước sở hữu Vườn quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích hơn 25.000 ha… tạo vành đai xanh cho phát triển bền vững.
Chủ trương hợp nhất các tỉnh là mở rộng không gian phát triển. Theo bản đồ sắp xếp các ĐVHC trong cả nước, trừ các tỉnh Tây Bắc, còn phần lớn các tỉnh sau hợp nhất đều có rừng, núi, biển. Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương, nên Bình Phước về với Đồng Nai là phù hợp. Hơn nữa, những năm qua, Bình Phước thu hút đầu tư còn khó khăn, việc sáp nhập là phát huy tối đa lợi thế để phát triển. Về Đồng Nai rất tốt, bởi Đồng Nai là trung tâm kinh tế năng động, Bình Phước sẽ cùng Đồng Nai để địa phương mới cùng phát triển. Bình Phước về với Đồng Nai không phải là gánh nặng của nhau. Nhờ Bình Phước, Đồng Nai có dư địa để phát triển.
PGS. TS NGUYỄN QUỐC DŨNG, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II
Là người hiểu rất rõ về các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ, PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc sáp nhập 2 tỉnh sẽ nâng tầm vị thế cho cả Bình Phước và Đồng Nai hiện nay. Bởi sau khi sáp nhập, quy mô diện tích, dân số, kinh tế của tỉnh mới trong top đầu cả nước. Không những vậy, 2 tỉnh sẽ còn bổ trợ cho nhau, Đồng Nai có sân bay, cảng biển, công nghiệp phát triển; Bình Phước có dư địa lớn, không gian phát triển còn nhiều. Điều này sẽ tạo nên thế mạnh đặc biệt cho tỉnh Đồng Nai mới sau hợp nhất.
Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, trước mắt thách thức đối với tỉnh Đồng Nai mới sau hợp nhất là từ trước đến nay giữa Bình Phước và Đồng Nai phát triển khá độc lập; chiến lược, kế hoạch, định hướng phát triển của 2 địa phương không đồng nhịp với nhau, gây ra những thách thức trong quá trình phát triển. Điều này đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mới sau hợp nhất phải có chiến lược cụ thể, cùng với đó là các giải pháp ưu tiên để Bình Phước không bỏ lỡ đà, cũng như các thế mạnh sẵn có.
“Thủ phủ” phải là trung tâm khởi động, lan tỏa nguồn lực phát triển
Đồng Nai là một trong những địa danh lâu đời nhất của Nam Bộ, có lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, gắn liền với quá trình khai phá và định hình vùng đất phương Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Đồng Nai là trung tâm kinh tế - hành chính quan trọng, đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của Nam Bộ. Đồng thời, sự đa dạng về dân tộc, tôn giáo đã tạo nên một bức tranh văn hóa phong phú và đặc sắc cho tỉnh. Việc lựa chọn tên Đồng Nai cho tỉnh mới sau hợp nhất không chỉ nhằm bảo tồn giá trị truyền thống mà còn thể hiện sự kế thừa và phát huy bản sắc vùng đất năng động, giàu tiềm năng của tỉnh. Đó cũng là lý do vì sao Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai và lấy tên là tỉnh Đồng Nai mà không phải là tên gọi khác.
Các cựu chiến binh huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho rằng Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai là có cơ sở, lịch sử gắn bó truyền thống lâu đời sẽ thuận lợi cho phát triển trong tương lai
Đặc biệt, tên gọi tỉnh Đồng Nai có tính nhận diện cao, địa phương gắn liền với hình ảnh của một tỉnh công nghiệp phát triển sôi động bậc nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thương hiệu “Đồng Nai” không chỉ nổi bật trong lĩnh vực công nghiệp mà còn có vị trí quan trọng trong quy hoạch đô thị, logistics, phát triển hạ tầng và khả năng kết nối vùng với sân bay Biên Hòa, Sân bay quốc tế Long Thành, Văn miếu Trấn Biên... Việc lựa chọn tên gọi “Đồng Nai” cho tỉnh mới sẽ góp phần tận dụng tối đa thương hiệu đã được xây dựng vững chắc, tiếp tục thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn mới.
“Đồng Nai” cũng là một trong 2 tên gọi của 2 tỉnh trước khi hợp nhất - có thể xem là giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa các tác động phát sinh đối với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong việc chuyển đổi giấy tờ, cập nhật thông tin địa lý và các thủ tục hành chính liên quan.
Cùng với danh xưng tỉnh mới, việc đặt “thủ phủ” ở đâu cũng là vấn đề được người dân, cán bộ, công chức, viên chức quan tâm khi 2 tỉnh “về chung một nhà”. Đó không chỉ là khát vọng chân chính mà còn là trách nhiệm lớn của nhân dân.
Bà Giang Thị Hiền, Bí thư Chi bộ ấp K54, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, hiện nay ấp có 262 hộ dân, hơn 800 nhâ n khẩu. Người dân trong ấp đánh giá cao và ủng hộ chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, trong đó có việc hợp nhất 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai. Đây có thể là cơ hội để tỉnh mới sau hợp nhất có thêm nguồn lực đầu tư cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, bà Hiền cho rằng: Lộc Ninh là huyện biên giới xa xôi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Sáp nhập tỉnh, nếu trung tâm hành chính tỉnh mới đóng ở thành phố Biên Hòa thì ít nhiều việc di chuyển của người dân sẽ có những bất tiện. “Từ xã Lộc Thiện, tôi muốn về thành phố Biên Hòa giải quyết công việc phải bắt 2 chặng xe đò, vượt quãng đường hơn 200km. Đường sá xa xôi, muốn giải quyết công việc trong ngày buộc tôi phải tranh thủ đi từ ngày hôm trước” - bà Hiền băn khoăn.
Ông Vũ Anh Tuấn ở khu phố Tân Xuân, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cũng cho rằng, dù chuyển đổi số đã “phủ” ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng trong cuộc sống vẫn có việc phải về trung tâm tỉnh giải quyết. Điều này rất khó khăn.
Nhiều cán bộ, công chức, viên chức ở Bình Phước cũng có phần tâm tư trong việc đặt “thủ phủ” mới ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hiện nay. Bởi, nhiều cán bộ, công chức, viên chức đang có nhà cửa sinh sống ổn định, nay hợp nhất tỉnh, khi chuyển trung tâm hành chính tỉnh sang TP. Biên Hòa, họ phải chuyển gia đình theo, làm xáo trộn và ảnh hưởng đến cuộc sống không chỉ trước mắt.
Ngược lại, với người dân Đồng Nai, nếu trung tâm hành chính tỉnh mới chuyển về TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước hiện nay, thì sao? Mỗi người, mỗi tỉnh đều có lý của mình. Tuy nhiên, trung tâm hành chính - chính trị tỉnh mới đặt ở đâu, Trung ương đều có sự tính toán, cân nhắc kỹ, thuận lợi cho sự phát triển.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia cho rằng “thủ phủ” mới phải giải quyết được bài toán làm sao vừa tiết kiệm vừa phù hợp. Tiết kiệm chính là việc có thể sử dụng lại cơ sở vật chất còn phù hợp, đủ điều kiện. Còn phù hợp chính là phải tính đến việc đặt “thủ phủ” của tỉnh mới ở đâu cho thuận lợi với người dân, doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo các vấn đề kết nối, tạo không gian cho phát triển lâu dài và bền vững.
Theo đề án sắp xếp của Trung ương, việc đặt tên cho ĐVHC sau sắp xếp và trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới đặt ở đâu đều được thực hiện trên cơ sở lắng nghe, tham khảo ý kiến từ các địa phương, chuyên gia, nhà nghiên cứu và được tính toán sau khi cân nhắc các yếu tố truyền thống, lịch sử, sự tương đồng về văn hóa. Thực tế cho thấy, việc đặt thủ phủ mới ở đâu “cũng khó làm hài lòng tất cả”. Theo các chuyên gia, việc tìm vị trí “thủ phủ” mới là cơ hội để giãn dân, đánh thức tiềm năng các vùng chậm phát triển và tạo sự cân bằng sau hợp nhất. Đây cũng là cách giảm quá tải cho các đô thị chật chội, giúp hạ tầng phát triển đồng bộ hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đặt trụ sở, trung tâm hành chính mới không nhất thiết phải ở đô thị sầm uất. Điều quan trọng “thủ phủ” mới được chọn phải là khu vực trung tâm, thuận tiện nhất để người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách tìm đến. Sau đó là tính đến giá trị lịch sử, văn hóa để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển vừa bảo đảm tính kế thừa, phù hợp.
Từ nhiều phương diện, cân nhắc tổng thể, việc lựa chọn Biên Hòa là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Đồng Nai mới được đánh giá là phù hợp. Đây không chỉ là vùng đất cổ, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, với hơn 300 năm, nên tính nhận diện rất cao khi nhắc đến Biên Hòa - Đồng Nai. Hơn nữa, Biên Hòa ở vị trí trung tâm chiến lược, thuận lợi trong việc kết nối giao thông liên vùng, mở đường cho kinh tế phát triển: Là cửa ngõ miền Nam, đầu mối giao thông quan trọng, có thể hình thành các vùng kết nối đô thị với nhiều trung tâm kinh tế lớn trong cả nước, khi hầu hết các tuyến cao tốc đi vào TP. Hồ Chí Minh hay đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều ngang qua địa bàn Đồng Nai như: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Đà Lạt, tuyến quốc lộ 1A.
Mặt khác, Biên Hòa rất gần TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, những trung tâm kinh tế lớn, trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Vì vậy, cùng với hệ thống sân bay, cảng biển, đường sắt Bắc - Nam, các tuyến quốc lộ 1A, 51… ngang qua địa bàn, trung tâm hành chính - chính trị tỉnh Đồng Nai mới đặt tại TP. Biên Hòa sẽ tạo dư địa, không gian, tiềm năng phát triển rộng lớn cho tỉnh Đồng Nai mới, nhất là trong giao thương kết nối liên vùng và quốc tế.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy, việc lấy tên tỉnh Đồng Nai và trung tâm hành chính - chính trị tỉnh đặt tại TP. Biên Hòa là mang tính chiến lược, lâu dài, vì sự phát triển chung của vùng và cả nước. Tỉnh Đồng Nai mới có lợi thế đặc biệt - “đầu gối Trường Sơn”, “vai kề biên giới”, “mặt hướng biển”. Điều này sẽ giúp tỉnh có không gian phát triển rộng lớn, phát huy được các lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phù hợp với chiến lược phát triển chung của cả nước trong hội nhập.
Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: Bất kỳ cuộc thay đổi nào cũng không hề dễ dàng. Kinh nghiệm cho thấy, phải nắm lấy cái căn bản để chủ động xử lý đồng bộ, thống nhất cái quan trọng, thậm chí rất quan trọng; phải nắm chắc cái đại cục, tương đồng mà xử lý khéo léo các trung cục dị biệt, hệ thống tiểu tiết, thậm chí rất đa chiều phức tạp. Do đó, dù đặt trung tâm hành chính ở Biên Hòa hay Đồng Xoài đích đến cũng vì sự phát triển chung. Đặc biệt, với công cuộc chuyển đổi số, mọi khoảng cách địa lý đều chỉ trong “một bàn tay”. Nếu bộ máy được cấu tạo lại theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả, và vì dân hơn, thì mọi khoảng cách nhân tâm sẽ thống nhất. Đó mới là thách thức lớn nhất phải vượt qua của Đồng Nai và của bất cứ tỉnh, thành nào sau hợp nhất.
“Vì đại cục, người dân nên xem hợp nhất các tỉnh, thành nói chung và Bình Phước - Đồng Nai nói riêng là rất bình thường. Trung tâm hành chính ở đâu cũng vì mục tiêu phát triển chung của cả nước. Hơn nữa, những khoảng cách địa lý không đáng lo bằng “khoảng cách nhân tâm”. Khi tâm đã đồng thì mọi khoảng cách khác đều là thứ yếu, mọi thứ tưởng như nan giải đều trở nên dễ dàng. Bởi bối cảnh hiện nay đã khác xa 50 năm, thậm chí 10 năm trước. Chẳng hạn, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã “rút ngắn”, “xóa” tương đối mọi khoảng cách địa lý, cho chúng ta gần nhau hơn”.
Tiến sĩ NHỊ LÊ, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Nếu khi cấp xã được phân quyền hợp lý, với đội ngũ cán bộ ngang tầm, thực sự ở trong dân và phụng sự nhân dân, chứ không phải chỉ ở gần dân một cách “phải phép” và chiếu lệ xưa nay, thì lo gì mọi “khoảng cách” không được hóa giải. “Thủ phủ” của tỉnh hay của xã phải gánh vác các trọng sự đó. Cần nhấn mạnh rằng, ưu thế đặc biệt của Bình Phước là dư địa phát triển còn rất lớn, nhất là vùng phên giậu hơn 258km, do đó việc tận dụng và phát huy dư địa rộng mở này là nhân tố cần tính toán tổng thể trong tỉnh Đồng Nai mới từ các phía phát triển theo hướng mở, để Đồng Nai cất cánh.
Đó là những bước đi mang tầm chiến lược nhưng phải rất phù hợp, cụ thể và hiệu quả tức thì, vì sự phát triển nhanh và bền vững của Đồng Nai, của vùng và cả nước.
Nhóm P.V
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/635/172382/hop-nhat-binh-phuoc-va-dong-nai-xu-the-co-hoi-va-dong-luc-phat-trien-moi