Hợp nhất các bộ, ngành ở trung ương là tiền đề cho sáp nhập tỉnh, thành

Hợp nhất các bộ, ngành ở trung ương là tiền đề cho sáp nhập tỉnh, thành
một ngày trướcBài gốc
Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa có kết luận về một số nội dung tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.
Trong đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, báo cáo Bộ Chính trị trong quý 3/2025.
Từ năm 2008 tới nay nước ta giữ ổn định với 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh (Ảnh minh họa)
Trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết trong việc thực hiện lộ trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, sau khi đã thực hiện tinh gọn bộ máy các cơ quan trung ương. Đây chính là tiền đề quan trọng đến hướng tới việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Nhấn mạnh quan điểm “rất cần thiết” phải thực hiện yêu cầu cấp bách này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, về đơn vị hành chính, không chỉ với cấp xã, cấp huyện, mà còn phải thực hiện với cả cấp tỉnh.
Theo ông, với dân số 100 triệu dân nhưng có đến 63 tỉnh, thành phố, như thế là rất nhiều. Ngay nước láng giềng Trung Quốc, với dân số hơn 1,4 tỷ người, nhưng cũng chỉ có 34 tỉnh, thành (23 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 thành phố trực thuộc trung ương và 2 Đặc khu hành chính).
Khi phát biểu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cũng cho rằng, việc tổ chức hợp lý các đơn vị hành chính với quy mô về diện tích, dân số phù hợp không chỉ ở cấp xã, cấp huyện mà còn đối với cấp tỉnh.
Theo đại biểu, đây là một trong những điều kiện căn bản và cần nghiên cứu, chuẩn bị với tầm nhìn chiến lược, xuất phát từ đặc điểm, nhu cầu phát triển của địa phương.
Các lần chia tách, sáp nhập
Nhìn lại sử về quản lý địa giới đơn vị hành chính, vào năm 1975, Việt Nam có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Sau khi tiến hành bãi bỏ cấp khu, giải thể khu tự trị, hợp nhất, sáp nhập, năm 1976, cả nước chỉ còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Năm 1978, Quốc hội phê chuẩn mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm 5 huyện; đồng thời tách tỉnh Cao Lạng thành 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Khi đó, Việt Nam có 39 tỉnh, thành phố. Một năm sau, đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo được thành lập tương đương cấp tỉnh.
Đến năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên tách làm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; còn tỉnh Nghĩa Bình tách ra thành tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định; tỉnh Phú Khánh tách thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Khi đó, cả nước có 44 tỉnh, thành phố.
Năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình tách ra thành tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình; Hà Nam Ninh tách ra thành tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình; Nghệ Tĩnh tách thành tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập trên cơ sở 3 huyện tách từ tỉnh Đồng Nai hợp nhất với đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.
Vào năm 1997, số đơn vị hành chính cấp tỉnh được nâng lên 61, bởi khi đó, tỉnh Bắc Thái tách ra thành 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên; Hà Bắc chia tách thành tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Tỉnh Nam Hà khi đó tách ra thành tỉnh Hà Nam và Nam Định; tỉnh Hải Hưng tách thành tỉnh Hải Dương và Hưng Yên; tỉnh Vĩnh Phú tách thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
Vào năm 1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; tỉnh Sông Bé tách thành hai tỉnh là Bình Dương và Bình Phước.
Năm 2004, Việt Nam có 64 đơn vị hành chính cấp tỉnh khi Đắk Lắk tách thành hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk; Cần Thơ tách thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ; Lai Châu tách thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên.
Đến năm 2008, tỉnh Hà Tây và 4 xã của tỉnh Hòa Bình cùng huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội. Từ đó đến nay, Việt Nam giữ nguyên số đơn vị hành chính gồm 63 tỉnh, thành phố.
Thực tiễn cho thấy, khi bàn sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, có rất nhiều khó khăn, nhất là các yếu tố truyền thống, lịch sử, đặc biệt là công tác cán bộ. Tuy nhiên, sau nhiều năm nhìn lại, việc sáp nhập này cho thấy quyết sách đúng đắn, thành công, hiệu quả.
Luân Dũng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/hop-nhat-cac-bo-nganh-o-trung-uong-la-tien-de-cho-sap-nhap-tinh-thanh-post1718719.tpo