Hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính mới

Hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính mới
8 giờ trướcBài gốc
Sau hợp nhất hai địa phương, trung tâm chính trị - hành chính sẽ đặt tại TP. Đà Nẵng. Ảnh: ST
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng khóa XXII, sau khi nghe và thảo luận Tờ trình số 129-TTr/TU ngày 22/4/2025 của Ban Thường vụ Thành ủy về Đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính mới mang tên TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (gọi tắt là “TP. Đà Nẵng (mới)”).
TP. Đà Nẵng (mới) sau hợp nhất sẽ có quy mô lớn cả về dân số, diện tích, tài nguyên và tiềm lực phát triển, tạo thuận lợi đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết vùng, nâng cao năng lực quản trị và thúc đẩy các đột phá về hạ tầng, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh trong giai đoạn mới.
Đơn vị hành chính mới có diện tích tự nhiên 11.867,18 km², với quy mô dân số hơn 3,06 triệu người. Trong đó, diện tích và dân số hiện tại của tỉnh Quảng Nam là 10.574,87 km² và 1.747.147 người; TP. Đà Nẵng là 1.292,31 km² và 1.318.481 người.
Trung tâm chính trị - hành chính của TP. Đà Nẵng (mới) được xác định đặt tại địa bàn TP. Đà Nẵng hiện nay. Đơn vị hành chính mới có vị trí địa lý chiến lược: phía Bắc giáp TP. Huế, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phía Đông giáp Biển Đông.
Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, khẩn trương thực hiện các nội dung tiếp theo để bảo đảm tiến độ trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Cụ thể: Ban Thường vụ Đảng ủy Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Đà Nẵng và Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Quảng Nam và Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam để tiếp thu, hoàn chỉnh Đề án hợp nhất. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên toàn địa bàn hai tỉnh, thành; báo cáo trình Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Đà Nẵng vào ngày 26/4/2025 và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 01/5/2025.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo sáp nhập, Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng sẽ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan của cả hai địa phương, theo dõi, đôn đốc, kịp thời báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố.
Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy Đà Nẵng, các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố có trách nhiệm chỉ đạo công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân về Đề án hợp nhất.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn TP. Đà Nẵng căn cứ Dự thảo Đề án và Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 14/4/2025 của Ban Chỉ đạo sáp nhập, chủ động phối hợp với các đơn vị tương ứng của tỉnh Quảng Nam, cụ thể hóa nội dung công việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo chỉ đạo.
Nội dung Nghị quyết nêu rõ việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân là bước quan trọng trong quá trình xây dựng Đề án hợp nhất, nhằm thể hiện tinh thần cầu thị, tôn trọng ý kiến người dân và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của Đề án khi thực hiện trên thực tế.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất quán và xuyên suốt từ cấp cơ sở đến cấp thành phố, đảm bảo người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, lộ trình và tác động của việc hợp nhất đối với sự phát triển lâu dài của khu vực.
Việc sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng không chỉ là sự kiện quan trọng đối với riêng hai địa phương, mà còn là bước đi chiến lược mang tầm quốc gia trong việc tổ chức lại không gian phát triển, tinh gọn bộ máy chính quyền, mở rộng dư địa phát triển vùng trung tâm miền Trung./.
TRẦN HUYỀN
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/hop-nhat-tinh-quang-nam-va-tp-da-nang-thanh-mot-don-vi-hanh-chinh-moi-39792.html