Họp Quốc hội: Đề xuất không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và điều hòa

Họp Quốc hội: Đề xuất không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và điều hòa
9 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Quốc hội đề xuất bỏ xăng dầu vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và chỉ thu thuế bảo môi trường. (Ảnh: Vietnam+)
Phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 9/5, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu Quốc hội. Trong bối cảnh giá xăng dầu biến động, nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ ngày càng tăng, việc điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hai mặt hàng này trở thành vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Không nên đưa xăng là đối tượng chịu thuế
Tại nghị trường, Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) thẳng thắn cho rằng không nên tiếp tục quy định xăng là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông lý giải để đúng với bản chất của sắc thuế này là thuế đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, nhằm điều tiết được sản xuất nhập khẩu và tiêu dùng của xã hội.
Theo ông, rằng xăng là mặt hàng thiết yếu, đầu vào của nhiều ngành sản xuất và đã chịu thuế bảo vệ môi trường. Do vậy, lý giải của Cơ quan chủ trì soạn thảo về đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng để bảo vệ môi trường là chưa thuyết phục.
Thay vào đó, đại biểu Giang đề xuất trong trường hợp này cần phải tăng thuế bảo vệ môi trường. Cụ thể là tăng giá trị tuyệt đối đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng và không đưa mặt hàng này vào đối tượng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt để đúng với bản chất của nó.
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cũng đề xuất bỏ xăng dầu vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, chỉ thu thuế bảo môi trường và có các chính sách khuyến khích các loại năng lượng sạch thay thế. Ông Khải cho rằng điều này sẽ giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp đồng thời Nhà nước vẫn đạt được mục tiêu giảm tiêu thụ xăng dầu, thúc đẩy năng lượng sạch.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng trong bối cảnh Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là cần thiết để khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) chia sẻ: "Tôi thấy rằng chính sách này là có một số tác động tích cực, như là khuyến khích việc sử dụng năng lượng sạch, giảm thải, giảm khí thải nhà kính, điều tiết tiêu dùng xăng. Đây vốn là một mặt hàng thiết yếu nhưng có tác động lớn tới môi trường đồng thời là góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách."
Tuy nhiên, ông Thông cũng lưu ý mặt hàng xăng là đầu vào trong sản xuất và vận tải sinh hoạt, do đó việc đánh thuế có thể tăng chi phí giao thông cho người dân có thu nhập thấp. Do đó, ông đề nghị cần có lộ trình hợp lý, tránh tăng thuế đột ngột đồng thời có chính sách ứng phó với các tác động tiêu cực.
Điều hòa nhiệt độ công suất bao nhiêu thì phải chịu thuế?
Đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ, dự thảo luật quy định áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU. Theo đó, Đại biểu Nguyễn Trường Giang đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, ông đề nghị nâng ngưỡng lên 24.000 BTU vì theo khảo sát của ông, các căn hộ chung cư hiện nay thường sử dụng điều hòa công suất 24.000 BTU cho 3 phòng để tiết kiệm điện và chi phí.
"Một căn hộ (3 phòng) lắp đặt một điều hòa 24.000 BTU dùng chung sẽ vừa tiết kiệm điện và chi phí của người dân. Hiện nay, điều này được áp dụng tại các chung cư là khá phổ biến, do đó tôi đề nghị nâng công suất điều hòa nhiệt độ chịu thuế lên trên 24000 BTU đến 90.000 BTU," Đại biểu Giang phân tích.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) lại cho rằng công suất này chỉ đáp ứng yêu cầu cho phòng cá nhân hộ gia đình chứ không đáp ứng cho được những phòng rộng đông người như lớp học, phòng bệnh tập thể tại bệnh viện. Đây là những đối tượng đặc biệt cần ưu tiên sử dụng và những nơi sinh hoạt đông người thiết yếu khác. Vì vậy, ông đề nghị cần xem xét cân nhắc việc đưa điều hòa nhiệt độ công suất từ 18.000 đến 90.000 BTU vào đối tượng chịu thuế.
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cũng đề nghị xem xét cân nhắc không nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với máy điều hòa, vì cho rằng đây không phải là mặt hàng xa xỉ và việc áp thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng để xây dựng một chính sách thuế vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, vừa khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, thân thiện với môi trường.
Phân tích cụ thể, Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) chỉ ra đây là nhu cầu thiết yếu do đó áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng là không hợp lý. Trong sản xuất, người lao động (như công nhân trong các khu công nghiệp) cần được tiếp cận được với môi trường sống, làm việc tốt hơn, bảo đảm sức khỏe để tái sản xuất trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt.
Mặt khác, doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm điều hòa sẽ kích thích sản xuất, từ đó ngân sách có thể tăng thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo ông, chính sách thuế hợp lý với điều hòa sẽ vừa thể hiện tinh thần nhân văn vừa phù hợp với xu hướng là sử dụng thiết bị tiết kiệm bảo vệ môi trường./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/hop-quoc-hoi-de-xuat-khong-ap-dung-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-xang-va-dieu-hoa-post1037565.vnp