Họp Quốc hội: Giáo viên dạy thêm không sai trái, quan trọng là chống tiêu cực

Họp Quốc hội: Giáo viên dạy thêm không sai trái, quan trọng là chống tiêu cực
6 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 6/5 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo, nhiều đại biểu cho rằng cần nhìn nhận học thêm, dạy thêm xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội, học sinh, phụ huynh, không nên quy hết cho giáo viên ép buộc.
Quy định rõ việc dạy chính khóa và dạy thêm
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình), quan điểm của ngành giáo dục hiện nay là hạn chế dạy thêm, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông càng tích cực, bởi vậy để không hợp thức hóa việc dạy thêm tràn lan, đồng thời vẫn ghi nhận thực tế nghề nghiệp, giữ được tính pháp lý, định hướng của đạo đức giáo dục, đại biểu đề nghị quy định các hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa bao gồm: bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, dạy học bổ trợ ngoài giờ đúng quy định của pháp luật được coi là hoạt động nghề nghiệp khi đảm bảo đúng mục đích giáo dục không vụ lợi, tuân thủ các quy định quản lý về dạy thêm, học thêm hiện hành.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho rằng trong dự thảo Luật Nhà giáo chưa có quy định cụ thể nào liên quan đến việc dạy thêm, học thêm.
“Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề học thêm, dạy thêm xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội, học sinh, phụ huynh, không nên quy hết cho việc giáo viên ép học sinh phải học thêm,” đại biểu nêu quan điểm.
Dẫn thực tế, theo đại biểu Trần Khánh Thu, vẫn có nhiều học sinh tự nguyện đến các trung tâm học thêm tiếng Anh, các môn năng khiếu, học văn hóa… Vì thế, đây là nguyện vọng chính đáng của học sinh. Khi học sinh, gia đình có nhu cầu học thêm thì giáo viên có mong muốn dạy thêm, thu nhập của giáo viên hoàn toàn chính đáng khi họ bỏ thời gian, công chức cho việc làm ý nghĩa này.
Bà chỉ rõ sau 8 tiếng dạy ở trên lớp, ở trường, giáo viên hoàn toàn có thể bỏ công sức ra để dạy thêm.
"Việc các giáo viên từ bỏ thời gian cho gia đình để làm thêm công việc liên quan đến chuyên môn và mang lại lợi ích, tăng thêm thu nhập, tôi nghĩ không có gì sai trái cả. Còn điều quan trọng nhất là chúng ta cần chống là khía cạnh tiêu cực. Đó là việc lợi dụng chuyện này để ép buộc học sinh đi học thêm, khi đó sẽ gây ra những tác động tiêu cực khác," bà Thu nêu rõ.
Đại biểu Trần Khánh Thu phát biểu về vấn đề dạy thêm, học thêm. (Ảnh: TTXVN)
Còn theo Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), việc dự thảo quy định cấm nhà giáo ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức có thể sẽ được hiểu gián tiếp, thừa nhận việc dạy thêm, học thêm. Hơn nữa, đây là vấn đề được người dân quan tâm và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm. Nhưng có nhiều dư luận còn quan tâm.
Đại biểu đoàn Kon Tum cho rằng nếu như thấy chương trình, lượng kiến thức trong chương trình mà cách dạy ở trường có thể giúp học sinh nắm ngay trên lớp hay về nhà chỉ cần học thêm bài cũ sẽ hiểu được bài thì không có nhu cầu học thêm.
"Như vậy có phải chương trình, lượng kiến thức trong chương trình nặng quá khiến học sinh không hiểu được hết và phải đi học thêm không?" đại biểu Tô Văn Tám đặt vấn đề và đề nghị cần xem xét kỹ nội dung này.
Giao quyền tự chủ tuyển dụng cho ngành giáo dục
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn Thanh Hóa) bày tỏ thống nhất cao với các quy định trong dự thảo Luật. Đại biểu mong muốn Luật Nhà giáo sau khi được ban hành sẽ ngày càng phát huy tính hiệu quả trong quản lý và sử dụng đội ngũ nhà giáo tại cơ sở giáo dục, phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành giáo dục.
Đại biểu đề nghị cần giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong chủ trì thực hiện hoặc tham mưu thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo nhằm giải quyết những bất cập trong sử dụng và quản lý đội ngũ nhà giáo trong thời gian qua (như tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các cơ sở giáo dục, giữa các đơn vị hành chính cấp xã), đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục.
Đại biểu cũng đề nghị thống nhất chủ trương phân cấp và giao quyền tự chủ cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo tại Luật Nhà giáo với các Luật sửa đổi Luật viên chức, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản dưới luật nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để phát triển đội ngũ nhà giáo.
Đánh giá thêm nội dung này, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn Hà Nội) cho biết về tuyển dụng nhà giáo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 14 quy định đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt công lập thì cơ quan quản lý Nhà nước giao cơ quan quản lý giáo dục chủ trì, tham mưu tuyển dụng hoặc chủ trì tuyển dụng.
Đồng tình với chủ trường giao cho cơ quan giáo dục chủ trì, song đại biểu đề nghị bổ sung quy định phối hợp, kiểm tra, giám sát của các cơ quan khác trong tuyển dụng để bảo đảm tính chặt chẽ trong quản lý và sử dụng viên chức, đồng thời phù hợp với chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo ông, chúng ta đang thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, không còn cấp huyện thì không còn Phòng giáo dục đào tạo, thay đổi chức năng thẩm quyền quản lý giáo dục, nhà giáo của cấp xã. Vì vậy, đại biểu Đoàn thành phố Hà Nội đề nghị rà soát và có quy định cụ thể hơn về cơ quan quản lý giáo dục để bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện, thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã tiếp thu, giải trình và làm rõ các nhóm nội dung mà 26 ý kiến phát biểu và tranh luận liên quan đến dự thảo Luật Nhà giáo.
Theo Bộ trưởng, cơ quan soạn thảo trong quá trình xây dựng dự thảo Luật đã thực hiện trên tinh thần làm đúng thẩm quyền của Quốc hội, mạnh dạn cắt giảm, tiếp thu các ý kiến của đại biểu xuống còn 46 điều so với 96 điều ban đầu. Vì thế, những nội dung cụ thể sẽ được Chính phủ quy định trong các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn tiếp theo.
Trao đổi làm rõ từng nhóm vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết việc quy định cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh chủ trì tuyển dụng giáo viên cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn giúp việc này tốt hơn, tạo thuận lợi cho thí sinh không phải thi tuyển nhiều nơi; việc ra đề thi thuận lợi hơn. Các cơ quan quản lý giáo dục có thể phân cấp cho các trường trung học phổ thông có đủ khả năng tổ chức tuyển dụng giáo viên.
Liên quan đến đối tượng của dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đối tượng là những người làm nghề nhà giáo chuyên nghiệp, đạt chuẩn; còn những đối tượng khác tham gia hoạt động giáo dục sẽ có các quy định khác. Bộ trưởng cũng ủng hộ quan điểm các địa phương có thêm các cơ chế, chính sách giúp giáo viên đỡ khó khăn và phải chuyển việc. Những nơi nào chưa có điều kiện hoặc những vùng sâu, vùng xa thì nhà nước sẽ có các cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ cho giáo viên.
“Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu toàn bộ ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội. Những nội dung nào sửa đổi ngay được, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ để ban hành các Nghị định, thông tư. Một số nội dung khác sẽ được tiếp thu, sửa đổi, bổ sung trong các dự thảo luật khác như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/hop-quoc-hoi-giao-vien-day-them-khong-sai-trai-quan-trong-la-chong-tieu-cuc-post1036862.vnp