Hợp tác thúc đẩy hoạt động tiêm chủng trọn đời tại Việt Nam

Hợp tác thúc đẩy hoạt động tiêm chủng trọn đời tại Việt Nam
18 giờ trướcBài gốc
Chiều nay (27/5), tại Hà Nội, Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế và Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) nhằm triển khai các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực hệ thống y tế, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng bệnh thông qua tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc.
Đại diện Cục Phòng bệnh và Sanofi ký kết Bản ghi nhớ hợp tác.
Bản ghi nhớ có hiệu lực kể từ ngày ký và sẽ được duy trì thực hiện trong 3 năm từ năm 2025-2027, các nội dung hợp tác chính bao gồm: Rà soát, đánh giá, đề xuất giải pháp chính sách về hoạt động tiêm chủng, sử dụng vaccine tại Việt Nam; Xây dựng hướng dẫn, khuyến nghị của Bộ Y tế về tiêm chủng; Truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về vaccine phòng ngừa các bệnh quan trọng và các vaccine thế hệ mới từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho các đối tượng khác nhau trong mọi lứa tuổi.
Bản ghi nhớ xác định trách nhiệm của các bên, trong đó:
Cục Phòng bệnh đóng vai trò chủ trì chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn; định hướng, kiểm soát các nội dung truyền thông và cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí; theo dõi, đánh giá việc triển khai các hoạt động hợp tác;
Sanofi có trách nhiệm tìm kiếm, đề xuất và kết nối với các đối tác, nhà cung cấp, chuyên gia trong và ngoài nước phù hợp với các hoạt động hợp tác; cung cấp hỗ trợ tài chính để triển khai Chương trình theo đúng kế hoạch đã đề ra theo quy định của pháp luật Việt Nam và định hướng của Sanofi,...
TS.BS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Phòng bệnh phát biểu.
Bản ghi nhớ được ký kết làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động hỗ trợ rà soát, đánh giá, đề xuất giải pháp chính sách về hoạt động tiêm chủng, sử dụng vaccine nói chung và Tiêm chủng tại Việt Nam nói riêng.
Theo TS.BS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam chính thức được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 1985. Qua 40 năm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng và tiêm chủng được coi là điểm sáng trong công tác phòng bệnh.
Tỷ lệ tiêm đầy đủ các mũi vaccine thiết yếu cho trẻ dưới 1 tuổi luôn duy trì ở mức cao trên 95% nhờ đó, bệnh bại liệt đã được thanh toán (năm 2000), uốn ván sơ sinh được loại trừ (năm 2005), số mắc và tử vong do bệnh sởi, ho gà, bạch hầu giảm hàng chục đến hàng trăm lần.
Đại diện Sanofi phát biểu.
Theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/8/2022, các vaccine mới sẽ được tiếp tục đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2025, sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng và phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả.
Thông tin tại buổi lễ ký kết cho thấy, là một trong những nhà sản xuất dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất vaccine trên toàn cầu, Sanofi không ngừng nỗ lực phát triển các giải pháp dự phòng các bệnh truyền nhiễm như vaccine ngừa các bệnh gây ra bởi haemophilus influenza tuýp b, bại liệt, ho gà, uốn ván, viêm gan A và B, viêm não mô cầu, cúm,…
Mỗi năm, Sanofi cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine cho người dùng toàn cầu, và bảo vệ 3-4 triệu người dân Việt Nam bằng các giải pháp dự phòng tiên tiến.
Quang cảnh lễ ký kết.
Bài và ảnh Thái Bình
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/hop-tac-thuc-day-hoat-dong-tiem-chung-tron-doi-tai-viet-nam-169250527215520271.htm