Vườn chanh của nông dân Phạm Văn Niềm, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: nhandan.vn)
Nền tảng chống đứt gãy chuỗi liên kết
Tại Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh leo, chuối, dứa, dừa”, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức, Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh: Để nâng cao năng lực xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro phá vỡ hợp đồng, các doanh nghiệp cần liên kết thông qua hợp tác xã.
Theo ông Hải, hợp tác xã không chỉ là đầu mối kỹ thuật mà còn là đối tác chiến lược về logistics và chất lượng sản phẩm.
Hợp tác xã có thể thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, tổ chức vùng nguyên liệu và kiểm soát sản lượng-những điều kiện tiên quyết để nông sản Việt Nam bước vào các thị trường cao cấp.
Một xu hướng mới đang hình thành là các vùng trồng dừa lấy nước từ Bến Tre, Tiền Giang đang chuyển dịch ra Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, với diện tích 30ha–50ha, đã được cấp mã số vùng trồng và sẵn sàng xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Hải lưu ý, cần phân biệt rõ giữa giống dừa uống nước và dừa lấy dầu. Nếu không chọn đúng giống, đúng thời điểm thu hoạch, nước dừa có thể biến chất trong quá trình vận chuyển dài ngày.
Ông Hải cũng chia sẻ mô hình hợp tác xã mang trái cây loại 2 về bán trực tiếp tại các khu chung cư ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Mỗi chuyến xe 3 tấn thường bán hết chỉ trong một đến hai giờ, góp phần giải phóng hàng tồn và mở ra kênh thương mại điện tử nếu được hỗ trợ về bao bì, mẫu mã.
Xử lý hoa quả tươi để đưa vào chế biến sâu (Ảnh: THANH TRÀ)
Tuy nhiên, liên kết chuỗi có thể sụp đổ nếu thiếu cơ chế kiểm soát. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nafoods, dẫn chứng trường hợp Nafoods từng đầu tư 200 tỷ đồng vào vùng trồng dứa nhưng thất bại vì nông dân phá vỡ hợp đồng, bán cho thương lái khi giá cao hơn.
Rút kinh nghiệm, doanh nghiệp này đã chuyển sang số hóa quản lý toàn bộ 5.000ha vùng nguyên liệu, ký hợp đồng giá sàn, quy định hạn mức thu mua trên mỗi ha và sẵn sàng hủy hợp đồng với hộ vi phạm để bảo vệ uy tín và lợi ích lâu dài cho cả hai bên.
Ông Hùng cũng cảnh báo tình trạng thương lái Trung Quốc núp bóng thu mua rồi “ôm hàng bỏ trốn”, gây thiệt hại kép. Ông đề nghị siết chặt quản lý thương nhân nước ngoài, bao gồm cả kiểm soát cư trú, ngăn ngừa hôn nhân trá hình và quản lý nghĩa vụ thuế.
Tái kiến trúc ngành hàng để hiện thực hóa kỳ vọng xuất khẩu trái cây
Không chỉ cây dứa, nhiều ngành hàng chủ lực khác như chanh dây, chuối, dừa cũng đang hướng tới quy mô xuất khẩu hàng tỷ USD. Điều này đòi hỏi phải tái kiến trúc toàn diện ngành hàng: từ quy hoạch vùng nguyên liệu, chọn giống, kiểm soát chất lượng đến đầu tư chế biến sâu.
Ngành chanh dây từ con số 0 chỉ 10 năm trước, đã đạt kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD, dự kiến vượt 500 triệu USD trong năm nay. Nếu thị trường Trung Quốc chính thức mở cửa, con số này có thể chạm mốc 1 tỷ USD. Việt Nam hiện có năng suất chanh dây đạt 40–60 tấn/ha (gấp đôi Nam Mỹ), chi phí sản xuất thấp, trong khi giá bán tại siêu thị có thể lên tới 230.000 đồng/kg. Riêng giống chanh ngọt của Nafoods đã mang lại thu nhập tới 1 tỷ đồng/ha mỗi vụ cho nông dân.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ông Hùng cho rằng cần: ngăn chặn giống giả, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng giám sát cơ sở nhỏ lẻ và tránh tình trạng trồng ồ ạt khiến cung vượt cầu.
Với chuối, kỳ vọng còn lớn hơn: lên tới 4 tỷ USD xuất khẩu. Ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Unifarm, khẳng định chỉ khi áp dụng “một tiêu chuẩn-một quy trình” từ giống, kỹ thuật đến sơ chế, chuối Việt mới cạnh tranh được quốc tế. Unifarm đang áp dụng công nghệ cao, chọn giống kháng bệnh héo Panama, hướng tới thu nhập 20.000 USD/ha, cao gấp gần 10 lần mức hiện tại.
Cây chuối Thái trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Nông nghiệp Cây Tăm (tỉnh Quảng Trị). (Ảnh: nhandan.vn)
Doanh nhân Võ Quan Huy cũng kêu gọi phát triển phân khúc chuối chế biến và phụ phẩm như thân, lá, hoa, củ chuối có thể làm thực phẩm, dược liệu, sợi sinh học, phân bón hữu cơ… Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn chưa có chính sách đầu tư bài bản, trong khi chuối tươi còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Với ngành dừa, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho biết Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 20 giống nhưng tình trạng trồng chéo giống do nông dân tự phát vẫn phổ biến. Bà đề xuất sớm xây dựng bản đồ số vùng trồng, thúc đẩy canh tác xen canh theo hướng sinh thái, khai thác tín chỉ carbon và đầu tư cơ giới hóa để giảm chi phí và nâng cao khả năng truy xuất.
Theo ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, bốn ngành hàng gồm chanh dây, chuối, dứa và dừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường ưu tiên phát triển do có tiềm năng xuất khẩu lớn. Trong đó, Trung Quốc là thị trường trọng điểm với 12 loại rau quả được xuất khẩu chính ngạch, 6 loại đã ký nghị định thư.
Ông Ngô Xuân Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết, sau khi Việt Nam thực hiện mô hình chính quyền hai cấp từ 1/7/2025, chưa có lô hàng nào gặp trục trặc do thay đổi địa giới hành chính, nhờ cập nhật kịp thời trên hệ thống CIFER Trung Quốc.
Ở góc độ chính sách giống, ông Nguyễn Như Cường (Vụ Khoa học và Công nghệ) cho hay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang đề xuất chỉ giữ lúa, ngô trong danh mục cây trồng chính. Các cây trồng khác như chuối, cà-phê, bưởi… sẽ do doanh nghiệp tự công bố lưu hành, đồng nghĩa với trách nhiệm bảo đảm chất lượng.
Về công nghệ, nhiều doanh nghiệp đề xuất có chính sách ưu đãi nhập khẩu vật tư như dao cắt, băng ghép, giá thể phục vụ sản xuất giống chanh leo. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, cho biết sẽ có hướng dẫn thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ để đầu tư nghiên cứu-sản xuất ứng dụng từ nguồn vốn Nhà nước.
Có thể thấy mô hình hợp tác xã đang là “bệ đỡ” quan trọng trong định hình chuỗi liên kết, nâng cao vị thế nông sản Việt. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả mô hình này, rất cần sự đồng bộ trong chính sách về giống, công nghệ, chế biến sâu và quản lý thị trường – những khâu yếu cần được tháo gỡ để nông nghiệp Việt Nam bước vào cuộc chơi lớn một cách vững vàng.
PHÚC HUY