Khách xem sản phẩm thủ công mỹ nghệ được chế biến từ phụ phẩm cây chuối của hợp tác xã Thanh Bình. Ảnh:C.T.V
Hiện nay, Đồng Nai đang khuyến khích nông dân và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
Hợp tác xã thực hiện nông nghiệp tuần hoàn
Là một trong những người tiên phong trong ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (huyện Trảng Bom), cho biết ngoài xuất khẩu chuối tươi là nguồn thu chính, hiện nay, HTX đã nhập máy se sợi để sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm như: ba lô, giỏ xách… được làm từ bẹ thân cây chuối và các sản phẩm đồ gia dụng khác như: ly, tô, chén… sử dụng một lần; hay các tấm thảm được dệt từ bẹ chuối, tấm cách nhiệt. Mới đây, HTX đã hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản, áp dụng công nghệ tiên tiến để xử lý thân cây chuối nhằm tạo ra sản phẩm cellulose và phân bón hữu cơ, giúp tận dụng hoàn toàn thân cây chuối, tránh lãng phí và tái đầu tư, mang lại thêm nguồn thu cho xã viên.
Trong khi đó, nhờ vận dụng canh tác ca cao theo hướng tuần hoàn kết hợp với chế biến sâu sản phẩm để nâng tầm giá trị, HTX Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát (huyện Xuân Lộc) còn kết hợp phát triển du lịch sinh thái, qua đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm, gia tăng thu nhập cho người nông dân.
“Vườn ca cao của HTX đã chuyển qua canh tác hoàn toàn bằng phương pháp tuần hoàn, hữu cơ, sử dụng phân làm từ đạm cá, thuốc trừ sâu được chế biến bằng cỏ xuyến chi ngâm với tỏi, sả, ớt. Nhờ đó, vườn cây cho năng suất cao hơn, trái sáng bóng hơn và quan trọng là bảo vệ được sức khỏe người canh tác, người dùng sản phẩm, vật nuôi và môi trường” - ông Trương Văn Mỹ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát, chia sẻ.
Theo các nhà khoa học, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích như: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, đem lại lợi ích cho xã hội. Kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, cho cả người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, cho rằng ngành nông nghiệp của Đồng Nai phát triển rất đa dạng về cả cây và con, nên việc tái sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp là rất cần thiết. Hoạt động này vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bao gồm cả nguồn nước ngầm, nước mặt và không khí; đồng thời giúp đất đai tơi xốp, phì nhiêu hơn.
Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Phong, Phó trưởng khoa Khoa học sinh học (Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh), ngoài cây chuối, nguồn phế phụ phẩm từ hoạt động trồng nấm, canh tác lúa, cây ăn trái, rau màu, cây hồ tiêu, cây điều... cũng rất dồi dào, ổn định và có đặc tính lý hóa, sinh học phù hợp để sản xuất phân bón hữu cơ, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại tạo thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, thời gian qua, ngành đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với cơ sở chế biến, bảo quản nông sản; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực xuất khẩu. Nông dân ngày càng nhận thức cao về sản xuất an toàn, diện tích sản xuất đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ của tỉnh tăng nhanh qua từng năm. Nhiều vùng chuyên canh, vùng sản xuất các cây trồng chủ lực đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát đang ứng dụng các giải pháp tuần hoàn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: C.T.V
Các biện pháp nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào hóa chất trong nông nghiệp được triển khai rộng khắp. Hiện tại, tỷ lệ phân bón hữu cơ chiếm khoảng 45,5% tổng lượng phân bón được sản xuất và tiêu thụ trong tỉnh. Đặc biệt, diện tích cây trồng sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước đạt gần 59,8 ngàn hécta, chiếm khoảng 31,27% tổng diện tích cây trồng chủ lực.
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, HTX và nông dân về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; nâng cao năng lực, đầu tư nghiên cứu, triển khai công nghệ tái chế, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp. Đồng thời tạo động lực để các địa phương, doanh nghiệp, người dân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn thông qua hỗ trợ về vốn, công nghệ, thị trường; thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội trong việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Mục tiêu là đến 2025, xây dựng ít nhất 10 HTX điển hình hoạt động hiệu quả để nhân rộng mô hình toàn tỉnh; vận động từ 40-45% tổng số hộ nông, lâm nghiệp tham gia thành viên HTX nông nghiệp. Có giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có 45% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…
Văn Gia