Ngoài các mặt hàng như linh kiện điện tử, da giày..., một số mặt hàng nông sản cũng có đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2024. Trong đó, hạt điều đạt giá trị 1,15 tỷ USD, hàng thủy sản và hàng rau quả lần lượt đạt 1,83 tỷ USD và 360,41 triệu USD, cà phê đạt 322,83 triệu USD...
Đang "thuận buồm xuôi gió"
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Intimex, cho rằng mức thuế 46% là quá cao, vượt ngoài tầm dự đoán của doanh nghiệp. Và nếu bị áp mức thuế này trong thời gian dài thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ khó gồng gánh nổi.
Nhìn vào quá trình xuất khẩu cà phê thời gian qua cho thấy, Việt Nam là nhà cung cấp cà phê Robusta số 1 cho Mỹ. Còn tính chung các loại cà phê khác nữa (Arabica, Culi, Cherry, Moka...) thì Việt Nam đứng số 3 (sau Brazil và Colombia).
Do đó, nếu Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam, chắc chắn ngành cà phê Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Mỹ là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 5 của Việt Nam trong năm qua, và nhiều HTX có thể đang xuất khẩu trực tiếp hoặc tham gia vào chuỗi cung ứng này thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu, như HTX cà phê Bích Thao (Sơn La), HTX Công bằng Ea Tu (Đắk Lắk)...
Nông dân, HTX ngành hàng cà phê đang lo lắng trước mức áp thuế của Mỹ.
Trước khi mức thuế 46% được công bố, mức thuế xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Mỹ là 0%. Nên việc áp mức thuế suất cao sẽ là một thay đổi lớn và bất ngờ, gây ra nhiều lo ngại cho các đơn vị xuất khẩu, trong đó có HTX.
Hiện, thông tin về việc áp thuế của Mỹ đang tạo ra tâm lý lo ngại cho nông dân, HTX làm trong ngành cà phê và ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư và sản xuất trong tương lai. Trong đó, điều người nông dân, thành viên HTX lo lắng nhất chính là sự ổn định của giá cả và thị trường tiêu thụ cà phê.
Theo đại diện các HTX, cà phê Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế khi xuất khẩu sang Mỹ.
Cụ thể là Việt Nam là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, nên giá thành sản xuất loại cà phê này thường thấp hơn so với cà phê Arabica và cà phê từ một số quốc gia khác. Điều này giúp cà phê Việt Nam có lợi thế cạnh tranh lớn về giá khi thâm nhập thị trường Mỹ, đặc biệt là trong phân khúc cà phê hòa tan, cà phê pha trộn và các sản phẩm cần số lượng lớn với chi phí hợp lý.
Trong khi đó, Mỹ là một thị trường tiêu thụ cà phê lớn trên thế giới, cà phê Việt Nam đã dần khẳng định vị thế và tăng trưởng thị phần tại Mỹ, nhất là trong phân khúc Robusta. Các nhà nhập khẩu Mỹ tìm đến cà phê Việt Nam để có nguồn cung ổn định và giá cả cạnh tranh.
HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Macca Ea H'leo (Đắk Lắk) mặc dù có sản phẩm chính là mắc ca, nhưng cũng có hoạt động xuất khẩu cà phê và đã nhận được đánh giá tốt từ đối tác Mỹ.
Bên cạnh đó, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ nhìn chung phát triển tích cực. Các hiệp định thương mại (dù chưa có hiệp định thương mại tự do toàn diện) đã tạo điều kiện thuận lợi nhất định cho hàng hóa Việt Nam, bao gồm cả cà phê, tiếp cận thị trường Mỹ với mức thuế quan ưu đãi (thường là mức thuế MFN - Tối huệ quốc, có thể dao động tùy theo chủng loại và thời điểm, nhưng chắc chắn thấp hơn nhiều so với mức thuế suất 46%).
Do đó, cà phê Việt Nam là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Các nhà rang xay và chế biến cà phê lớn của Mỹ sử dụng cà phê Robusta Việt Nam để pha trộn, sản xuất cà phê hòa tan hoặc các sản phẩm khác.
Điều này mang lại lợi ích cho người nông dân và HTX. Xuất khẩu cà phê sang Mỹ mang lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho Việt Nam, đồng thời tạo thu nhập ổn định cho hàng triệu nông dân trồng cà phê và các HTX.
Lo lắng trước "bão thuế quan"
Tuy nhiên, nếu cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế theo công bố mới chắc chắn sẽ gây ra những tác động tiêu cực và thay đổi đáng kể.
Đại diện một HTX cà phê chất lượng cao ở Đắk Lắk cho biết, mức thuế 46% sẽ làm tăng đáng kể giá thành cà phê Việt Nam khi đến tay các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ. Lợi thế giá rẻ vốn có của cà phê Việt Nam sẽ bị triệt tiêu, nên kém hấp dẫn hơn so với cà phê từ các quốc gia khác không bị áp mức thuế tương tự. Chẳng hạn như cà phê Arabica của Brazil, Colombia hoặc cà phê của một số nước khác trong khu vực ASEAN có thể có ưu đãi thuế quan khác.
Với giá cao hơn đáng kể, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ có xu hướng tìm kiếm các nguồn cung cà phê khác có giá cạnh tranh hơn. Điều này sẽ dẫn đến sự sụt giảm mạnh về thị phần cà phê Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Và từ đây sẽ dẫn đến giảm doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp và HTX xuất khẩu cà phê. Đồng thời, họ cũng sẽ phải đối mặt với tình huống khó khăn.
Chẳng hạn như việc các HTX, doanh nghiệp không thể tăng giá bán tương ứng cho các đối tác vì nếu cố gắng tăng giá bán thêm 46%, sản phẩm của họ sẽ trở nên quá đắt và khó tiêu thụ.
Hoặc nếu muốn duy trì một phần thị trường, các nhà xuất khẩu Việt có thể phải chấp nhận giảm đáng kể lợi nhuận, thậm chí bán dưới giá vốn. Nhưng cũng có những HTX, doanh nghiệp xuất khẩu có thể buộc phải giảm hoặc ngừng xuất khẩu sang Mỹ do không còn lợi nhuận.
Sự sụt giảm xuất khẩu sang Mỹ sẽ gây ra những xáo trộn trong chuỗi cung ứng cà phê của Việt Nam. Các HTX, doanh nghiệp có nhà máy chế biến, vận chuyển, kho bãi và các dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến xuất khẩu cà phê sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, giá cà phê thu mua trong nước có thể giảm do lượng xuất khẩu giảm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống của người nông dân trồng cà phê và các thành viên HTX. Điều này có thể làm suy yếu ngành cà phê Việt Nam.
Do đó, các doanh nghiệp và HTX sẽ buộc phải đẩy mạnh việc tìm kiếm và phát triển các thị trường xuất khẩu khác để bù đắp cho sự sụt giảm ở thị trường Mỹ. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi thời gian, chi phí và nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng. Còn nếu không thể chuyển hướng xuất khẩu kịp thời, lượng cà phê tồn kho có thể tăng cao, gây áp lực lên chi phí bảo quản và chất lượng sản phẩm của chính các HTX.
Huyền Trang