Thành viên HTX sản xuất rau, củ, quả an toàn Văn Giang, xã Liên Nghĩa (Văn Giang) thu hoạch cam
Huyện Kim Động có trên 765 héc-ta trồng cây ăn quả có múi, trong đó, diện tích trồng cam trên 421 héc-ta, tập trung ở các xã: Đồng Thanh, Phạm Ngũ Lão, Hùng An, Đức Hợp… Toàn huyện có 120 héc-ta cây ăn quả có múi được chứng nhận VietGAP, thành lập 12 hợp tác xã (HTX) cây ăn quả có múi để liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị canh tác. Nhiều HTX, nhà vườn trong huyện có sản phẩm cam, bưởi được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh. Năm nay, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão nên sản lượng cam giảm khoảng 40% so với năm trước.
Xã Đồng Thanh (Kim Động) có khoảng 300 héc-ta chuyển đổi sang trồng cam và cây có múi; trong đó, diện tích cam khoảng 200 héc-ta. Các giống cam được trồng tập trung ở xã là cam Vinh và cam đường canh. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện, xã khuyến khích, hỗ trợ các nhà vườn sản xuất cam theo quy trình VietGAP. Đến nay, toàn xã có trên 30 héc-ta sản xuất cam theo quy trình VietGAP. Anh Dương Văn Tươi, thôn Thanh Sầm cho biết: Gia đình tôi có 1,5 mẫu trồng cam và bưởi Diễn. Năm nay, sản lượng cam ước đạt 3 tấn. Thời điểm này, gia đình tôi bắt đầu thu hoạch cam Vinh, giá bán tại vườn 35 – 40 nghìn đồng/kg. Để phát huy thương hiệu cam Đồng Thanh và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tôi tuân thủ quy trình sản xuất theo VietGAP nên cam có chất lượng tốt và mã quả đẹp.
Những ngày này, HTX sản xuất rau, củ, quả an toàn Văn Giang, xã Liên Nghĩa (Văn Giang) thu hoạch trung bình 1 tấn cam/ngày xuất bán cho thương lái. Chị Lý Thị Hà, Giám đốc HTX cho biết: HTX có khoảng 30 héc-ta trồng cam. Năm nay, sản lượng cam của HTX dự tính đạt 200 tấn quả, giảm khoảng 40% so với năm trước do ảnh hưởng của bão, lũ. Từ nhiều năm nay, HTX áp dụng sản xuất cam theo quy trình VietGAP, sản phẩm cam của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất cam, HTX tích cực quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Tiktok, Facebook… Do đó, sản phẩm cam của HTX thu hoạch đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó với giá bán ổn định 50 nghìn đồng/kg.
Là khách hàng thân thiết của HTX sản xuất rau, củ, quả an toàn Văn Giang, chị Trịnh Ánh Nguyệt ở thành phố Hà Nội cho biết: Tôi biết đến sản phẩm cam của HTX thông qua tham gia phiên chợ cam ở Khu đô thị Ecopark (Văn Giang) cách đây 3 năm. Tôi ấn tượng bởi cam của HTX ngọt thơm, mọng nước. Từ đó đến nay, cứ đến vụ thu hoạch cam là tôi lại đặt hàng và được HTX giao đến tận nhà. Ngoài mua để sử dụng, tôi còn giới thiệu sản phẩm đến đồng nghiệp trong công ty để chia sẻ sản phẩm sạch, an toàn đến mọi người.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1,7 nghìn héc-ta cam, chủ yếu trồng ở các huyện: Văn Giang, Kim Động, Khoái Châu, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên. Các giống cam Hưng Yên, cam V2, cam đường canh... được trồng tập trung tại các khu vực chuyển đổi ở các địa phương, chiếm trên 90% diện tích trồng cam toàn tỉnh; còn lại là diện tích trồng một số giống cam: CS1, cam Bố Hạ... Năm nay, sản lượng cam toàn tỉnh ước đạt 25 – 28 nghìn tấn quả, chủ yếu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Những năm gần đây, do các nhà vườn tích cực chuyển đổi, phá bỏ các giống cam năng suất thấp sang trồng thay thế bằng các giống cam năng suất, chất lượng cao, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ nên chất lượng ngày càng nâng cao. Đánh giá về chất lượng cam Hưng Yên, anh Đặng Việt Tú, tiểu thương ở thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) bày tỏ: Nhiều năm nay, tôi thường đặt cam ở một số nhà vườn trồng cam ở tỉnh Hưng Yên để mang ra Quảng Ninh tiêu thụ. Cam được trồng ở Hưng Yên có vỏ mỏng, tép vàng, mọng nước, vị ngọt thanh và rất thơm nên được khách hàng ưa chuộng. Mặc dù cam được thu mua ở Hưng Yên có giá bán cao hơn so với cam trồng ở một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc nhưng vẫn được nhiều khách hàng tìm mua và đặt hàng làm quà biếu.
Để nâng tầm thương hiệu cam Hưng Yên, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Các nhà vườn cũng chủ động áp dụng phương pháp canh tác VietGAP, hữu cơ, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách) trong sản xuất cam để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Hoa Phương