Hungary cáo buộc Ukraine cưỡng ép nghĩa vụ quân sự. (Nguồn: Getty Images)
Hãng thông tấn TASS đưa tin, ba quan chức bị cấm nhập cảnh gồm Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến Miền Tây Vladimir Shvedyuk, Trưởng phòng Nhân sự thuộc Bộ Tư lệnh Lục quân Vitaly Tkachenko và Trưởng phòng Động viên thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine Roman Yuzvenko.
Theo phía Hungary, những người này có liên quan các hành vi tuyển quân bằng bạo lực, dẫn đến các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Budapest cũng đã chính thức đề nghị Liên minh châu Âu (EU) đưa ba cá nhân này vào danh sách trừng phạt.
Động thái trên diễn ra sau cái chết gây tranh cãi của ông Jozsef Sebestyen, một người gốc Hungary 45 tuổi sinh sống tại vùng Transcarpathia thuộc Ukraine, được cho là đã bị các nhân viên tuyển quân Ukraine đánh đập đến tử vong trong một chiến dịch cưỡng bức nhập ngũ.
Bộ trưởng Szijjártó đã dẫn lại các báo cáo từ Hội đồng châu Âu xác nhận việc sử dụng "bạo lực và tra tấn" trong quá trình tuyển quân tại Ukraine.
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố, một quốc gia nơi người dân bị đánh đập dẫn đến tử vong trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc thì không thể là thành viên của EU.
Phản ứng với động thái của Budapest, ngày 18/7, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha tuyên bố, hành động của Budapest là "vô căn cứ và phi lý".
Trên mạng xã hội X, ông Sybiha viết: "Chúng tôi bác bỏ sự xuyên tạc của Hungary và không chấp nhận thái độ thiếu tôn trọng như vậy đối với quân đội của chúng tôi. Ukraine bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp thích hợp để đáp trả".
Hungary là quốc gia EU có lập trường cứng rắn với Ukraine quanh vấn đề xung đột và gia nhập khối. Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, chính phủ Hungary vẫn luôn ủng hộ một giải pháp hòa bình và kêu gọi các đồng minh tái tham gia đối thoại với Nga. Budapest cũng từ chối ủng hộ nỗ lực của Ukraine đẩy nhanh việc gia nhập EU.
Liên quan mối quan hệ EU-Ukraine, cùng ngày 17/7, Thủ tướng Orban đã nêu rõ tầm nhìn của ông. Cụ thể, trên mạng xã hội X, ông nhấn mạnh: "Trước hết, chúng ta cần khẩn đạt được một lệnh ngừng bắn và hòa bình. Sau đó, chúng ta phải xác định Ukraine thực sự là gì, về biên giới và dân số của nước này. Hiện nay, chúng ta thậm chí còn không biết Ukraine là nước nào hay nằm ở đâu".
Theo ông Orban, điều cuối cùng là một khi hòa bình và sự minh bạch được khôi phục, EU "có thể thiết lập các thỏa thuận lâu dài với Nga và đặt nền móng cho mối quan hệ đối tác chiến lược với Ukraine, qua đó bảo vệ chủ quyền và bảo đảm tương lai của châu Âu".
Bảo Minh