Tác giả: Huệ Đức
Có những hương thơm thoáng qua rồi tắt lịm, như hoa sớm nở tối tàn, như trầm đượm rồi tan trong khói. Nhưng có một thứ hương không đến từ thế gian này, không phảng phất trong gió, mà toát ra từ một nội tâm an nhiên, từ đời sống tỉnh thức, từ bi và giới hạnh, đó chính là hương đạo.
Trước những biến động của cuộc đời, hương đạo là mùi hương vượt lên mọi giới hạn của thời gian và không gian, một thứ hương không bị gió đời lôi cuốn, càng giữa phong ba bão táp hương ấy lại càng lan tỏa sâu xa, lặng lẽ và sưởi ấm lòng người.
Hương thơm thuần khiết
Khi nói đến hương ta thường nghĩ đến những gì thoảng qua khứu giác như mùi của hoa thơm, của trầm hương, của nhang khói. Nhưng trong Phật giáo, hương đạo không phải là những hương thơm của vật chất, mà là hương giới, hương định, hương tuệ - những hương thơm vô hình không thấy được bằng mắt nhưng có thể cảm nhận bằng tâm. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:
"Hương các loại hoa thơm,
Không bay ngược chiều gió,
Nhưng hương người đức hạnh,
Ngược gió khắp tung bay."[1]
Lời dạy ấy là minh chứng rằng, hương đức hạnh phát sinh từ lòng từ bi, tâm khiêm tốn và sự tỉnh thức, là hương thơm thuần khiết và cao quý nhất. Một bông hoa dù đẹp đến đâu cũng sẽ tàn, nhưng một tâm hồn lương thiện, thanh cao thì sẽ lan tỏa năng lượng an lành đến muôn phương.
Trong Tăng Chi Bộ kinh, đức Phật nhắc về bốn loại hương: hương của hoa sen, hoa nhài, hoa lài và hương đức hạnh. Trong đó, chỉ hương đức hạnh có thể bay ngược gió - một cách nói ẩn dụ về sức mạnh nội tâm vượt lên trên mọi nghịch cảnh. Hương ấy không cần tô điểm, không cần hình thức, mà được tỏa ra từ một đời sống thuận theo chính pháp, tự điều phục mình qua từng cử chỉ, lời nói và ý nghĩ. Một đời sống như thế sẽ âm thầm lan tỏa hương đạo, như đóa sen vươn nở giữa bùn lầy nhưng không bị hoen ố bởi mùi tanh của bùn.
Gió bụi cuộc đời
Nếu hương đạo là biểu tượng của tâm hồn thanh tịnh, thì đời sống thế gian lại chứa đầy những cơn gió bụi. Không chỉ là những khốn khó như bệnh tật, thất bại hay nghèo đói, gió đời còn là vinh hoa, địa vị, lời khen, những thứ tưởng chừng vô hại nhưng lại dễ khiến con người lạc mất chính mình.
Đời sống hôm nay không thiếu người tài, người giỏi, người đẹp. Nhưng sống sao để giữ được sự thiện lương giữa cạnh tranh, giữ được lòng chân thật giữa muôn ngàn vai diễn, giữ được một nếp sống có đạo giữa thị trường xô bồ, đó mới là thử thách lớn nhất. Có những người, vì một lời khen mà đánh mất sự khiêm cung, vì một chút lợi mà làm tổn thương lương tri, vì một địa vị mà đánh đổi cả đạo nghĩa. Những lúc ấy, hương đạo dường như bị lu mờ, nhường chỗ cho những mùi hương giả tạm thoảng qua nhưng để lại hậu quả bi đát.
Đức Phật từng ví cuộc sống như đại dương, nơi những cơn sóng dục vọng, sân hận, si mê không ngừng dâng trào. Nếu tâm không vững, nội lực không sâu thì rất dễ bị nhấn chìm. Nhưng cũng từ giữa biển cả ấy, nếu một người biết dừng lại, biết quay về với hơi thở, với giới - định - tuệ, thì họ sẽ giữ được một phần hương đạo cho chính mình và lan tỏa cho người khác.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).
Hương đạo giữa gió đời – hành trình của sự tỉnh thức
Giữ được hương đạo giữa cuộc đời nhiều gió bụi là một hành trình gian khó nhưng đầy ý nghĩa. Nó không đồng nghĩa với sự xa lánh thế gian, mà là sống giữa thế gian nhưng không để thế gian chi phối. Đó là hành trình từ mê lầm đến giác ngộ, từ phiền não đến an lạc hạnh phúc. Hành trình ấy bắt đầu từ sự thực tập giới, giữ cho thân, khẩu, ý thanh tịnh. Giới là nền tảng cho định và từ định sinh tuệ, khi tuệ phát sinh ta sẽ không còn bị các ngọn gió đời: được - mất, khen – chê, thành - bại, khổ - vui làm cho dao động.
Trong chương thứ 25, kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật dạy: “Người học đạo như người cầm đuốc đi ngược gió, nếu không cẩn thận sẽ bị cháy tay.”[2] Điều này cho thấy việc giữ hương đạo không hề đơn giản. Đòi hỏi người tu phải luôn tỉnh thức, tinh tấn và tự quán chiếu mình. Nếu lơi tay, ngọn lửa tham - sân - si sẽ dễ dàng làm cháy cả lòng từ. Nếu thiếu chính niệm, thì một lời khen cũng đủ khiến tâm sinh khởi kiêu mạn, một nghịch cảnh nhỏ cũng đủ làm ta thoái chí. Nhưng nếu giữ được tỉnh thức, thì giữa những điều trái ý nghịch lòng, ta vẫn không quên quay về hơi thở, không quên giữ tâm ngay thẳng, và không quên rằng mình đang đi trên con đường tu học, giải thoát, giác ngộ.
Đức Phật từng nhấn mạnh trong kinh Tăng Chi Bộ: “Tự mình làm điều ác, tự mình làm nhiễm ô; tự mình không làm điều ác, tự mình làm thanh tịnh. Tịnh hay ô, tự mình, không ai thanh tịnh ai.”[3] Đây là lời nhắc nhở rằng, sự tu tập không thể vay mượn hay phó thác, mà phải là hành trình tỉnh thức của tự thân. Chỉ có mình mới có thể giữ được hương đạo cho chính mình và nếu không nuôi dưỡng mỗi ngày, hương ấy sẽ dần nhạt đi giữa những cơn gió đời. Sự tỉnh thức ấy không nằm ở việc ẩn cư hay tách biệt khỏi thế gian. Trái lại, tỉnh thức giữa đời thường, giữa phố chợ, giữa những va chạm muôn màu của cuộc sống.
Khi giữ được tỉnh thức, ta sẽ không còn bị gió đời làm cho nghiêng ngã. Danh lợi có đến, ta vẫn biết nó vô thường. Chê bai có đến, ta cũng không mất tự chủ. Một lời xúc phạm, ta không đáp trả bằng giận dữ. Một niềm vui bất chợt, ta không vì thế mà buông lung. Tâm như ngọn núi vững chãi và lặng lẽ, đó chính là hình ảnh đẹp nhất của người đang gìn giữ hương đạo giữa cuộc đời. Và trong hành trình đó, dù đôi lúc cảm thấy cô đơn, mỏi mệt, hay nghi ngờ chính mình, nhưng nếu vẫn giữ được một đốm lửa chính niệm, một niềm tin nơi Tam bảo, thì con đường sẽ không bao giờ mất dấu.
Như trầm hương phải được nung nóng mới tỏa mùi thơm, người hành đạo cũng cần đi qua thử thách sóng gió hương đạo mới được tôi luyện và lan tỏa. Cầu mong mỗi chúng ta, giữa những xô bồ của đời sống, vẫn giữ được một vùng tâm sáng. Dẫu gió đời có đổi thay, lòng vẫn an trú nơi chính niệm. Hãy sống như hoa sen, âm thầm tỏa hương giữa dòng nước đục, không cần khoe sắc mà vẫn khiến lòng người dịu lại, không cần tô điểm mà vẫn tỏa ngát hương thơm.
Chú thích:
[1] Tiểu Bộ Kinh, Pháp cú 54, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, NXB Hồng Đức, 2020, tr.36.
[2] Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến dịch, NXB Tôn giáo, tr 56.
[3] Tiểu Bộ Kinh, Pháp cú 165, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, NXB Hồng Đức, 2020, tr.52.
Tác giả: Huệ Đức