Nguồn phân hữu cơ giúp diện tích dưa vàng trong nhà lưới của gia đình ông Lương Ngọc Lai cho năng suất, hiệu quả, thu nhập cao.
Trong khuôn viên trang trại rộng 1,6ha, ông Hà Thịnh Hưng ở xã Nga An (Nga Sơn) đã quy hoạch thành 2 khu vực sản xuất, khu chăn nuôi và trồng trọt áp dụng công nghệ cao trong nhà lưới, ở giữa là ao thả cá. Trên lối đi vào khu vực chăn nuôi là hàng cây ăn quả bưởi, dừa và mít được trồng thẳng lối, vừa tạo không gian xanh, lại có bóng mát. Ông Hưng cho biết: Toàn bộ trang trại này là đất nông nghiệp của gia đình và đất mua lại của các hộ không có điều kiện sản xuất, tôi đã quy hoạch, phát triển mô hình kinh tế V.A.C. Trong đó, xây dựng 5.500m2 nhà lưới trồng cây ăn quả theo hướng công nghệ cao (3.500m2 trồng dưa vàng và 2.000m2 trồng nho sữa Hàn Quốc). Đối với 2 ao thả cá, mỗi ao 1.000m2. Diện tích còn lại xây dựng 2 khu chuồng trại để chăn nuôi gần 1.000 con lợn thịt/lứa và 50 lợn nái sinh sản.
Do chăn nuôi quy mô lớn nên để xử lý chất thải an toàn, hợp vệ sinh, ông Hưng đã xây dựng hệ thống biogas. Toàn bộ chất thải chăn nuôi khoảng 20 tấn/năm được chuyển xuống ngâm ủ tại bể biogas, sau đó bơm lên các ao lắng, phối trộn với chế phẩm sinh học, tiếp tục quá trình ngâm ủ để trở thành phân bón hữu cơ. Nguồn phân này được ông sử dụng để chăm sóc toàn bộ cây trồng trong trang trại, vừa có tác dụng cải tạo đất, vừa không gây ô nhiễm môi trường.
Nhờ thực hiện quy trình tuần hoàn, khép kín trong quá trình sản xuất nên gia đình ông không những tận dụng tối đa các loại phụ phẩm trong sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập, mà toàn bộ chất thải trong quá trình sản xuất được tận dụng triệt để, không thải ra môi trường. Đặc biệt, do sản phẩm làm ra luôn đảm bảo chất lượng, sạch và an toàn nên toàn bộ diện tích dưa, nho và nhiều cây ăn quả khác được người tiêu dùng đón nhận, góp phần đem lại lợi nhuận từ trồng trọt, chăn nuôi cho gia đình từ 700 - 800 triệu đồng/năm.
Nguồn thải từ đàn gà chọi là đầu vào của quá trình khác tạo thành quy trình tuần hoàn khép kín được ông Lương Ngọc Lai áp dụng trong mô hình kinh tế của gia đình.
Nhờ học tập và áp dụng thành công quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn không chất thải, trang trại của gia đình ông Lương Ngọc Lai ở xã Luận Thành (Thường Xuân) là một trong những “trang trại 3 sạch” đầu tiên của tỉnh. Ông Lai cho biết: "Trên diện tích 7ha đã đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, nuôi 20.000 đến 22.000 con gà chọi và xây dựng hơn 800m2 nuôi giun quế. Để mô hình khép kín hiệu quả, gia đình đã sử dụng phân gà và chế phẩm sinh học EM nuôi giun quế, rồi lấy giun quế nuôi gà và phân của giun quế làm phân bón cho cây trồng. Nhờ việc tận dụng tối đa các sản phẩm, phụ phẩm trong sản xuất đã giúp gia đình tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, được người tiêu dùng ưa chuộng".
Được biết, mỗi năm, trang trại của gia đình ông Lai tạo ra 30 tấn gà và 20 tấn nông sản chất lượng, an toàn. Nhờ chất lượng vượt trội nên sản phẩm được các doanh nghiệp, cửa hàng thực phẩm sạch thu mua, góp phần đem lại lợi nhuận cho gia đình 400 triệu đồng/năm.
Ngoài hai mô hình trên, còn rất nhiều mô hình khác thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn không chất thải và đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn không chất thải là quá trình sản xuất kết hợp giữa truyền thống và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cùng những phương pháp quản lý hiện đại theo chu trình khép kín. Các chất thải, phế phụ phẩm của quá trình sản xuất này được tận dụng làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Hướng đến nền nông nghiệp xanh, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 3.000ha diện tích cây trồng đạt tiêu chuẩn
VietGAP; 15,46ha cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ; có khoảng hơn 5.700ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ... Tuy nhiên, số mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn không chất thải vẫn còn hạn chế. Theo đó, ngày 16/10/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 10-CT/TU về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, có thương hiệu, giá trị kinh tế cao và phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Minh Lý