Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu 5 năm tới chỉ số ô nhiễm không khí ở ngưỡng an toàn

Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu 5 năm tới chỉ số ô nhiễm không khí ở ngưỡng an toàn
19 giờ trướcBài gốc
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu 5 năm tới chỉ số AQI ở ngưỡng an toàn.
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 153/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn.
Thông báo nêu: Quản lý môi trường không khí là vấn đề có tính liên ngành, liên lĩnh vực, đòi hỏi sự thống nhất trong chỉ đạo, đồng bộ trong phối hợp thực hiện. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc tiếp tục có chiều hướng gia tăng cả về quy mô lẫn mức độ, nhất là tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống và sức khỏe người dân.
Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp, nông nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung triển khai các giải pháp cụ thể, trách nhiệm rõ ràng và lộ trình cải thiện tình hình trong thời gian sớm nhất.
Thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh trong giao thông công cộng
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai các nhiệm vụ giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm để trong 5 năm tới đạt mục tiêu chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở ngưỡng an toàn với sức khỏe con người.
Cụ thể, Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải triển khai ngay việc kiểm kê nguồn thải, đánh giá thực trạng môi trường không khí; xây dựng kế hoạch hành động 5 năm và hàng năm trong đó, xác định chỉ tiêu, giao nhiệm vụ cụ thể, yêu cần giảm hạn ngạch khí thải đến từng lĩnh vực theo từng năm để đánh giá việc thực hiện như các chỉ tiêu về phát triển kinh tế- xã hội.
Khẩn trương ban hành theo thẩm quyền và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, tái chế chất thải rắn xây dựng; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chuyển đổi sang phương tiện xanh, ít phát thải; ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn về khí thải tại địa phương mình theo hướng cao hơn, chặt hơn so với tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong tháng 5 năm 2025.
Thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh trong giao thông công cộng, tổ chức các biện pháp điều tiết phương tiện giao thông hợp lý, thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu, cũ, nát không đủ tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu giải pháp về khu vực phát thải thấp tại địa phương, triển khai khi có đủ điều kiện.
Thực hiện ngay các biện pháp quản lý chất thải, khí thải phát sinh từ các hoạt động xây dựng và phát triển đô thị để giảm thiểu khí thải, bụi phát tán; áp dụng các giải pháp, phương tiện theo dõi từ xa, thường xuyên, liên tục các hoạt động xây dựng, hoạt động thu gom, vận chuyển, đổ thải, xử lý, tái chế chất thải xây dựng tại từng công trình cũng như trên toàn địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm; đề xuất sửa đổi, bổ sung các mức phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng; tăng cường thẩm quyền xử phạt cho cấp phường, xã, công an cấp cơ sở trên địa bàn.
Chuyển đổi các cụm công nghiệp lên thành khu công nghiệp
Phó Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai các biện pháp quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chủ động nghiên cứu, lên phương án di dời, chuyển đổi các cụm công nghiệp lên thành khu công nghiệp, đề xuất, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đầu tư tăng dày các trạm quan trắc không khí đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục, định kỳ, có khả năng tăng tần suất trong các thời điểm giao mùa, truyền dẫn số liệu về cơ quan quản lý, cung cấp, thông tin công khai cho người dân, cho xã hội; tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về tuân thủ các quy định của pháp luật.
Nghiên cứu phát triển công nghệ tái chế rơm rạ, phụ phẩm trong hoạt động nông nghiệp
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan tập trung chỉ đạo hướng dẫn các địa phương triển khai ngay việc kiểm kê xác định các nguồn thải vào không khí, xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn; xây dựng Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2026 - 2030, trong đó xác định các mục tiêu cụ thể hàng năm, giao trách nhiệm cụ thể, hạn ngạch cho các lĩnh vực, địa phương thực hiện như chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương rà soát các quy định pháp luật, cơ chế chính sách hiện hành liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường không khí; kịp thời phát hiện các bất cập, đề xuất giải pháp hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với khí thải phương tiện ô tô, xe máy lưu hành trong tháng 4 năm 2025.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển các hoạt động, giải pháp thu gom, công nghệ tái chế rơm rạ, phụ phẩm trong hoạt động nông nghiệp, khuyến khích các mô hình nuôi trồng phát thải thấp để ban hành theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét trong tháng 5 năm 2025.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, cố ý lợi dụng, phát tán chất thải ra môi trường không khí trong thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; xử lý theo pháp luật về hình sự đối với một số trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Triển khai ngay việc xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường kết nối các trạm quan trắc, giám sát chất lượng không khí tự động của các địa phương.
Tổ chức đoàn kiểm tra các cụm công nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm cao
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành các cụm công nghiệp, các làng nghề, cơ sở gây ô nhiễm cao tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trên cả nước; hoàn thành trong tháng 7 năm 2025.
Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí, ủng hộ và cùng thực hiện các giải pháp với Chính phủ; phối hợp với các địa phương tuyên truyền đến từng người dân, từng doanh nghiệp, hợp tác xã về lợi ích việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong thu gom, tái chế phụ phẩm trong hoạt động nông nghiệp.
Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý, xử lý, tái chế chất thải từ vật liệu xây dựng để làm nguyên, vật liệu cho hoạt động sản xuất khác. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động thu gom, xử lý, tái chế chất thải từ vật liệu xây dựng để làm nguyên, vật liệu cho hoạt động sản xuất khác.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ban hành các cơ chế về ưu đãi thay đổi, chuyển đổi nhiên liệu, chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi công nghệ xử lý, phát triển hạ tầng xanh tại các đô thị …
Các bộ, ngành, địa phương rà soát ngay các trang thiết bị vệ sinh môi trường trên địa bàn (máy thổi, máy móc kém chất lượng không hiệu quả) đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường, đúng quy trình, hướng dẫn sử dụng đảm bảo việc sử dụng không gây phát thải vào không khí, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, gây dư luận xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2021 phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 – 2025, Chỉ thị số 3/CT-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; tập trung triển khai ngay việc kiểm kê xác định các nguồn thải vào không khí, xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải kết nối vào cơ sở dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đầu tư kết nối các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục, đủ dày đáp ứng yêu cầu quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục, định kỳ, có khả năng tăng tần suất trong các thời điểm giao mùa, truyền dẫn số liệu về cơ quan quản lý.
Đồng thời, các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các biện pháp quản lý chất thải, khí thải phát sinh từ các hoạt động xây dựng, giao thông, công nghiệp; phát triển không gian xanh trong quy hoạch, xây dựng đô thị. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Triển khai hướng dẫn kỹ thuật để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong thu gom, tái chế phụ phẩm trong hoạt động nông nghiệp, nâng cao nhận thức về tác hại của các hoạt động xử lý theo cách cũ, lạc hậu như đốt mở rơm rạ…
Phương Nhi
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/ha-noi-thanh-pho-ho-chi-minh-phan-dau-5-nam-toi-chi-so-o-nhiem-khong-khi-o-nguong-an-toan-102250404103036403.htm