Các sản phẩm công nghiệp từ dừa sản xuất tại Công ty Cổ phần Trà Bắc xuất khẩu qua nhiều nước.
Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, ổn định và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất
Hiện nay, phần lớn diện tích dừa trong tỉnh được trồng phân tán, xen canh; chưa ứng dụng kỹ thuật cao vào khâu chăm sóc, quản lý vườn dừa; đồng thời, giá trị mang lại từ dừa chủ yếu là sản phẩm dừa trái (dừa khô, dừa tươi)…
Theo Đề án phát triển ngành dừa tỉnh Trà Vinh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; trong đó, đến năm 2030 phát triển cây dừa ổn định với diện tích đạt trên 28.000ha, trong đó dừa hữu cơ gắn với cấp mã số vùng trồng để hướng đến thị trường xuất khẩu đạt 50% diện tích và đến năm 2050 phát triển cây dừa đạt trên 35.000ha, trong đó dừa hữu cơ gắn với cấp mã số vùng trồng để hướng đến thị trường xuất khẩu đạt 70% diện tích.
Tại hội thảo “Phát triển toàn diện về cây dừa tỉnh Trà Vinh” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào ngày 27/11/2024, đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: cần phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa đi vào chiều sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, phát triển đa dạng các sản phẩm chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm giá trị gia tăng cao và sản phẩm mới, xây dựng được các thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm dừa có uy tín.
Để đạt được mục tiêu đề ra theo Đề án, tỉnh sẽ có nhiều chính sách để hỗ trợ cải tạo, trồng mới và chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ cho các đối tượng hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh dừa gắn với cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm, chế biến sâu và đa dạng các sản phẩm từ dừa; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; xúc tiến thương mại; xây dựng thương hiệu trong ngành dừa… Tạo điều kiện để thúc đẩy và huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển ngành hàng dừa trên địa bàn tỉnh.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất cây dừa và ngành hàng dừa tỉnh Trà Vinh bền vững trong thời gian tới, vai trò của khoa học và công nghệ là cần thiết và quan trọng.
Với tâm quyết trong tìm kiếm thị trường đầu tư vào lĩnh vực ngành hàng dừa của Trà Vinh; ông Văn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết: việc triển khai các đề án phát triển lớn (Đề án phát triển cây Dừa) sẽ cần nhiều nguồn lực, nhân tố tham gia/phối hợp để tăng tính chủ động và khả năng đạt được kết quả tích cực.
Đối với vấn đề canh tác nông nghiệp, kỹ thuật trồng và bộ vật tư nông nghiệp đóng vai trò thiết yếu cần được chú trọng, đầu tư đúng mức. Hiện nay, qua khảo sát của PVCFC cho thấy phần lớn nông dân trồng dừa còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung; chất lượng giống dừa và quy trình canh tác còn nhiều hạn chế… từ đó, việc đảm bảo vùng nguyên liệu an toàn, sản lượng và chất lượng dừa phải ổn định, khi đó, các công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết, thu mua và chế biến sâu để xuất khẩu các sản phẩm từ dừa sẽ an tâm hơn.
Ông Dương Văn Thọl, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sản xuất - Thương mại Dương Phát với sản phẩm tơ xơ dừa đóng kiện xuất khẩu là một trong những sản phẩm chế biến sâu từ trái dừa khô của Công ty (cơm dừa, than gáo dừa, mùn dừa, xơ dừa và mặt hàng thủ công mỹ nghệ nút áo từ vỏ dừa khô).
Gia tăng giá trị qua chế biến sâu, gắn với khai thác tín chỉ thương mại carbon từ dừa hữu cơ
Tại Việt Nam có khoảng 175.000ha diện tích dừa và được trồng tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 130.000ha) chiếm 78,7% so với tổng diện tích dừa cả nước. Tổng diện tích dừa ở 04 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long chiếm 95,67% so với toàn châu thổ Cửu Long; trong đó, Trà Vinh có trên 27.500ha, với hơn 90.000 hộ tham gia trồng dừa.
Đến cuối tháng 10/2024, diện tích dừa hữu cơ ở Trà Vinh có 5.276ha/6.090 hộ sản xuất, được 08 công ty, hợp tác xã liên kết tiêu thụ đạt tiêu chuẩn EU, USDA. Trong đó, có 388ha đạt 03 tiêu chuẩn (EU, USDA, Trung Quốc) và 20,56ha đạt 04 tiêu chuẩn (EU, USDA, JAS, Canada) chiếm 19,17% diện tích toàn tỉnh; tập trung ở các huyện Càng Long (2.063,32ha), Tiểu Cần (2.311,1ha), Châu Thành (902ha) và diện tích dừa hữu cơ đang chờ chứng nhận khoảng 3.000ha; thực hiện cấp được 29 mã số vùng trồng dừa với tổng diện tích 2.803ha, chiếm 10,19% diện tích dừa (trong đó, 19 mã số vùng trồng nội địa/diện tích 1.411ha và 10 mã số vùng trồng xuất khẩu/diện tích 1.392ha) và 02 cơ sở đóng gói dừa xuất qua Trung Quốc tập trung ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh.
Cũng theo ông Văn Tiến Thanh, để nâng cao giá trị trái dừa và đem lại thu nhập tốt, ổn định cho người trồng dừa ở Trà Vinh; thời gian tới PVCFC sẽ tham gia tích cực cùng các ngành chuyên môn như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trường Đại học Trà Vinh và các viện, trường xây dựng, triển khai từng dự án, mô hình nâng cao chất lượng dừa trái (chọn và nhân các giống dừa có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao); hướng dẫn, chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác hữu cơ; thực hiện các biện pháp quản lý sâu, bệnh tổng hợp trên cây dừa bằng phương pháp sinh học; hướng dẫn các địa phương xây dựng mã vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ xuất khẩu; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành hàng dừa; hỗ trợ hình thành, phát triển các hợp tác xã sản xuất dừa theo chuỗi giá trị, liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ xuất khẩu.
Về sản phẩm, phần lớn các thương lái, doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh (Bến Tre) mua nguyên liệu thô (trái dừa khô, dừa tươi sơ chế) để cung cấp cho các thương nhân Trung Quốc. Về chế biến, toàn tỉnh hiện có 16 doanh nghiệp và một số cơ sở sản xuất nhỏ đã chế biến được một số sản phẩm giá trị gia tăng từ dừa qua các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo; nước cốt dừa cấp đông, bột sữa dừa; cơm dừa sấy khô, than gáo dừa (đã xay), than hoạt tính, xơ dừa, thảm xơ dừa… xuất khẩu nhiều quốc gia; hàng năm, góp phần tiêu thụ khoảng 10 - 15% sản lượng dừa của tỉnh.
PGS.TS Lê Anh Tuấn (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: chủ trương và chính sách giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính và hình thành thị trường tín chỉ carbon rất cần hoàn thiện, khuyến khích và xúc tiến thí điểm cho các vùng chuyên canh dừa.
Trong bối cảnh gia tăng nhiệt độ không khí, rừng dừa kết hợp với mương vườn có thể lưu giữ nhiều nước, có tác dụng điều hòa vi khí hậu, làm giảm nhiệt độ mặt đất so với đường phố ở các đô thị lớn từ 10 - 140C. Đối với 02 giống dừa cao và thấp (độ tuổi từ 04 - 10 năm), đều tăng lượng hấp thu CO2 gấp 03 lần (3,07 và 3,41). Qua các kết quả nghiên cứu bước đầu liên quan đến khả năng hấp thu CO2 cho thấy ở Bến Tre và Trà Vinh, có khả năng thu lợi từ cây dừa, ngoài giá trị kinh tế; các vườn dừa còn có tiềm năng lưu trữ carbon cao khi áp dụng tín chỉ carbon, nếu so sánh với dừa được trồng các nơi khác.
Cũng theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, để giảm phát thải từ sản xuất dừa, cần thực hiện quy trình kỹ thuật và duy trì diện tích trồng dừa, tạo vùng nguyên liệu dừa, trồng dừa hữu cơ, không hóa chất. Hoàn trả và làm tăng dinh dưỡng trong đất trồng dừa (bón phân dừa, đắp bùn từ mương lên gốc dừa). Trồng xen canh dưới tán dừa các loại cây chịu bóng râm hoặc các cây hoa cảnh trồng trong chậu. Bên cạnh khai thác việc chế biến sâu từ dừa, các địa phương cần hướng đến phát triển du lịch sinh thái tại các vườn dừa, tạo sinh kế thân thiện môi trường ở các làng nghề dừa.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ