ITS có tính nền tảng và là một trong các trụ cột chính của thành phố thông minh
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, trong nhiều năm qua, với sự quan tâm của Chính phủ cũng như những nỗ lực vượt bậc của nhân dân, các cấp chính quyền thành phố, Hà Nội bước đầu đã xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải theo quy hoạch ứng dụng công nghệ thông tin 2 trong công tác quản lý, điều hành giao thông.
Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống giao thông vận tải hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường… là những thách thức lớn với các cơ quan quản lý giao thông thành phố. Qua kinh nghiệm thực tiễn triển khai trên thế giới cho thấy, việc hình thành phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) giữ vai trò quan trọng, có tính nền tảng và là một trong các trụ cột chính của thành phố thông minh (không thể có được thành phố thông minh nếu không phát triển được hệ thống giao thông thông minh).
Việc triển khai đề án sẽ giải quyết các tồn tại, hạn chế hiện nay; hình thành hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo các giai đoạn, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội sẽ cơ bản trở thành Thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; là công cụ quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, điều hành giao thông. "Do vậy, việc ban hành Nghị quyết thông qua Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" là hết sức cần thiết", Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhấn mạnh.
Mục tiêu định hướng phương án hình thành hệ thống giao thông thông minh cho TP. Hà Nội theo từng giai đoạn cụ thể, trong đó có việc hình thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông chung của thành phố vào năm 2025; xác định được khung kiến trúc chung cho hệ thống giao thông thông minh và các chức năng chính cơ bản của hệ thống giao thông thông minh; định hướng các cơ chế chính sách trong quản lý, đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống; phân công trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.
Nguyên tắc xây dựng đề án bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo tính khoa học và thực tế; bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện; các ứng dụng của hệ thống giao thông thông minh thành phố phải có tính mở, cho phép người sử dụng có khả năng lựa chọn, ra quyết định, đồng thời đảm bảo sẵn sàng chia sẻ, phát triển.
Tuân thủ kiến trúc chính phủ điện tử, các nền tảng số quốc gia, Kiến trúc tham chiếu cho hệ thống ITS trong nước TCVN 12836-1:2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ giao thông Vận tải, Khung kiến trúc của Thành phố thông minh.
Việc phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin theo đề án phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của ngành, của các cá nhân, tổ chức, không để lộ lọt thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước.
Hệ thống giao thông thông minh ITS của TP. Hà Nội. Ảnh: A.V
Huy động được đa dạng nguồn lực trong đầu tư hạ tầng giao thông thông minh; gắn kết hệ thống hạ tầng hiện hữu và hạ tầng đầu tư trong tương lai; đi trước đón đầu ứng dụng các công nghệ khoa học mới, hiện đại; thuận tiện trong quản lý, khai thác, vận hành.
Nghị quyết cũng thông qua khung kiến trúc chung của hệ thống giao thông thông minh với một số nội dung như: thu thập thông tin các nguồn dữ liệu về hệ thống giao thông Thành phố; chia sẻ thông tin cho các cơ quan, tổ chức; xử lý, phân tích dữ liệu; bảo mật thông tin; giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông...
Triển khai theo 3 giai đoạn cụ thể
Dự kiến, đề án sẽ triển khai qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2025 - 2027), sẽ hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố. Trung tâm có bộ phận quản lý điều hành giao thông thông minh với giai đoạn đầu khai thác 9/12 chức năng.
Về kinh phí, trong giai đoạn 1 thành phố đề xuất 2 phương án. Phương án 1 sẽ thuê toàn bộ dịch vụ với chi phí 392,9 tỷ đồng/3 năm. Phương án 2 là đầu tư hạ tầng phần cứng kết hợp thuê toàn bộ hệ thống các phần mềm và dịch vụ vận hành, bảo trì hệ thống, với kinh phí dự kiến 402,8 tỷ đồng/3 năm.
Trong giai đoạn 2 (2028-2030), sẽ mở rộng phạm vi, vùng hoạt động đối với 9 chức năng đã hình thành trong giai đoạn 1. Đồng thời, TP. Hà Nội hoàn thiện, đưa vào khai thác vận hành đủ 12/12 chức năng theo yêu cầu của hệ thống giao thông thông minh. Tích hợp toàn bộ các hoạt động liên quan đến quản lý, điều hành giao thông thành phố tại trung tâm.
Giai đoạn 2 cũng sẽ có 2 phương án kinh phí. Trong đó, phương án 1 sẽ đầu tư hạ tầng phần cứng (đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng và hệ thống thiết bị ngoại vị) kết hợp thuê toàn bộ hệ thống các phần mềm và dịch vụ vận hành, bảo trì hệ thống với kinh phí 1.195,5 tỷ đồng/3 năm. Phương án 2 là thuê toàn bộ (hạ tầng, phần cứng, phần mềm, vận hành, duy tu duy trì…) với kinh phí 1.198,3 tỷ đồng/3năm.
Giai đoạn 3 (từ sau 2030), sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giao thông thông minh thành phố; kết hợp đồng bộ cùng sự phát triển của hạ tầng giao thông, tạo nên di chuyển thông minh trong thành phố, đưa Hà Nội trở thành thành phố có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực.
Đề án nêu rõ, khung kiến trúc chung của hệ thống giao thông thông minh gồm khung kiến trúc vật lý và khung kiến trúc thông tin. Trong đó, khung kiến trúc vật lý có 4 thành phần chính, bao gồm: Người dùng ITS (người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý), phương tiện giao thông tích hợp thiết bị thông minh, cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và Trung tâm điều hành, giám sát giao thông thành phố.
Hệ thống ITS sẽ có 12 chức năng, gồm: Giám sát giao thông, cung cấp thông tin giao thông, điều khiển giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự giao thông, quản lý giao thông công chính, quản lý đỗ xe, quản lý sự cố, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông…
Về kinh phí, phương án 1 sẽ đầu tư hạ tầng phần cứng kết hợp thuê toàn bộ hệ thống các phần mềm và dịch vụ vận hành, bảo trì hệ thống với tổng kinh phí là 2.464,2 tỷ đồng/3 năm. Phương án 2 là thuê toàn bộ (hạ tầng, phần cứng, phần mềm, vận hành, duy tu duy trì...): 2.480,3 tỷ đồng/3 năm.
Để triển khai hệ thống giao thông thông minh giai đoạn 1 tại 55 nút trên các tuyến vành đai 1, 2, 3 và các trục xuyên tâm tương ứng ở TP Hà Nội, cần 600 camera giám sát tốc độ, đo đếm lưu lượng.
Văn Anh