Các doanh nghiệp du lịch khảo sát mô hình du lịch làng nghề, làng di sản tại xã Đại Đồng
Để tạo bước chuyển đưa du lịch Hưng Yên bứt phá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những giải pháp quan trọng đầu tiên là tỉnh chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, bao gồm: Phát triển mạng lưới các điểm du lịch từ hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu; tập trung khai thác có hiệu quả những nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu như: Du lịch văn hóa tâm linh (Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, Khu di tích quốc gia đặc biệt Đa Hòa - Dạ Trạch, Di tích đền Phù Ủng, Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chùa Nôm, làng Nôm, Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm cây đa và đền La Tiến, đền Tống Trân...); du lịch đường sông (Hà Nội - Hưng Yên); du lịch làng nghề; du lịch nông nghiệp, nông thôn... Tỉnh mở rộng hợp tác liên kết du lịch Hưng Yên với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước là giải pháp hiệu quả giúp việc chia sẻ khách du lịch giữa các địa phương được thuận lợi và ở chiều ngược lại, khách du lịch cũng có thêm nhiều lựa chọn tốt hơn cho những hành trình trải nghiệm... Từ năm 2022, Hưng Yên đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố vùng khu vực Đồng bằng sông Hồng mở rộng (Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An). Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp du lịch trong việc quảng bá hình ảnh, xây dựng sản phẩm, đào tạo nhân lực và thu hút du khách về với Hưng Yên.
Nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo đơn vị chuyên môn tổ chức biên soạn, phát hành ấn phẩm truyền thông du lịch về Hưng Yên, trong đó nhấn mạnh những sản phẩm du lịch đặc thù, điểm đến độc đáo của tỉnh; phối hợp tổ chức các hoạt động du lịch trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống tại một số điểm du lịch phục vụ Nhân dân và du khách; tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP tại các điểm di tích, lễ hội và các chương trình xúc tiến du lịch trong, ngoài tỉnh. Việc ứng dụng mã quét QR được thiết kế, lắp đặt tại các di tích lịch sử - văn hóa cũng giúp quảng bá sâu rộng hình ảnh các điểm đến... Nhờ đó, hình ảnh du lịch Hưng Yên được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Thị Sen, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hưng Yên cho biết: Với chủ đề xuyên suốt “Về miền di sản”, du lịch Hưng Yên đã tạo được thông điệp rõ ràng trong hoạt động xúc tiến, quảng bá. Điều này giúp du khách định vị được sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Năm 2024, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hưng Yên đã phối hợp tổ chức một số hoạt động chủ đạo như: Liên hoan ẩm thực tỉnh Hưng Yên lần thứ I năm 2024; Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hưng Yên năm 2024; Tuần lễ Tôn vinh nhãn lồng; Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024; Triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam” hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên năm 2024; Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024; hỗ trợ các đơn vị truyền thông làm phóng sự, phim tư liệu quảng bá vẻ đẹp văn hóa, con người và du lịch Hưng Yên trên Đài Truyền hình Việt Nam… Các hoạt động này tạo cơ hội cho du khách trong nước và quốc tế được trải nghiệm, thưởng thức “đặc sản” văn hóa, đồng thời tìm hiểu, tiếp cận những tour du lịch chất lượng và điểm đến hấp dẫn của Hưng Yên.
Du khách Hà Lan tham quan vườn nhãn ở thành phố Hưng Yên
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng lượt du khách đến với Hưng Yên trong năm 2024 ước đạt hơn 1,5 triệu lượt, tăng khoảng 187% so với năm 2023, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng chí Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Kết quả hoạt động du lịch trong năm 2024 đã phản ánh rõ nét sự cố gắng, nỗ lực của tỉnh trong quá trình triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch trong tình hình mới. Trong thời gian tới, cùng với các cấp, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, lựa chọn và xây dựng các sản phẩm du lịch mới, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch. Trong đó, các sản phẩm cần được xây dựng theo định hướng “du lịch xanh” và bền vững. Phấn đấu hoàn thành xuất sắc mục tiêu phát triển du lịch năm 2025, đưa Hưng Yên trở thành nhóm các địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước.
Lê Hiếu