Đại biểu tìm hiểu giải pháp chuyển đổi số kiểm soát an ninh thông minh tại Tuần lễ Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh năm 2024. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN
Chuyển đổi trạng thái trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Theo Thiếu tướng Tráng A Tủa (Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an), để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới, giai đoạn vươn mình của dân tộc Việt Nam, công tác bảo vệ an ninh, trật tự nói chung và công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói riêng cần phải xác định rõ mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia vào công tác bảo vệ an ninh, trật tự. Công tác này trong thời gian tới cần tiếp tục kiên định kế thừa và đẩy mạnh quan điểm “lấy dân làm gốc” của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp đó, cần gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội của nhân dân, quán triệt nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhân dân nhận được các thành quả thiết thực khi tham gia các nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.
Trong thực hiện công tác xây dựng phong trào, luôn đặt yêu cầu bảo đảm, phát huy đời sống của nhân dân ở các địa bàn triển khai khi tiến hành công tác xây dựng phong trào. Đồng thời, phải phát huy được sức mạnh của toàn dân, toàn diện, tạo lập được cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao một bước ý thức tự giác, tự chủ, tự phòng của quần chúng nhân dân, sự nhiệt tình tự nguyện tham gia các mô hình xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phát triển lực lượng quần chúng nòng cốt có năng lực, có kiến thức pháp luật, chuyên môn để hỗ trợ lực lượng Công an, tham mưu cho chính quyền cơ sở các nội dung liên quan đến bảo vệ an ninh, trật tự.
Mục tiêu, yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong giai đoạn tới là xây dựng, phát triển, nhân rộng những phong trào thực chất và có hiệu quả. Phong trào phải thực sự đi vào đời sống xã hội và có giá trị cao đối với cộng đồng dân cư, bảo vệ tốt an ninh, trật tự và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tiến tới văn minh, hiện đại.
Để đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, Thiếu tướng Tráng A Tủa nhấn mạnh, cần tiếp tục và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, kết hợp xây dựng phong trào này với các phong trào khác rộng khắp cả nước, tranh thủ sự đồng tình và phát huy sự đồng thuận trong Đảng, trong nhân dân.
“Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc cần thực hiện chuyển đổi trạng thái, đổi mới theo hướng hiện đại hóa, đa dạng hóa. Tương xứng và phù hợp với trình độ phát triển khoa học - kỹ thuật của xã hội”, Thiếu tướng Tráng A Tủa nhấn mạnh. Trong đó phong trào ở nhiều địa bàn, lĩnh vực cần có những mô hình phù hợp với tình hình mới, với các tiêu chí thông minh, hiện đại, tối ưu hóa và áp dụng khoa học - công nghệ vào vận động, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật...
Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số vào xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bảo đảm tiếp cận và thực hiện tốt các chủ trương số hóa và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước nói chung, không để tụt hậu so với các lĩnh vực công tác khác. Xác định con đường tiến tới kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cần xây dựng những con đường “đi tắt, đón đầu”, số hóa, chuyển đổi số trên nền tảng tự chủ về công nghệ thông tin là điểm đột phá chiến lược. Vì vậy, cần tận dụng các tài nguyên số hóa và xây dựng các mô hình số hóa, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu, trung tâm điều khiển thông minh liên quan đến công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một tất yếu lịch sử cho tiến trình phát triển hiện đại. Xây dựng, phát triển phong trào trên không gian mạng là một tất yếu khách quan và là một nội dung quan trọng trong thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng.
Trong bối cảnh tình hình mới, cần có sự giao thoa kết nối, phối hợp các mô hình cũ và mới, sử dụng linh hoạt hệ thống mạng, ứng dụng mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Áp dụng nhiều mô hình trung tâm chỉ huy kết nối và điều hành, giám sát công cộng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc bảo vệ an ninh, trật tự
Để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc bảo vệ an ninh, trật tự trong kỷ nguyên mới, Thiếu tướng Đinh Ngọc Hoa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Bên cạnh đó là củng cố, xây dựng “thế trận lòng dân”, nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân kết hợp với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ an ninh, trật tự đến mọi cán bộ, đảng viên và mọi người dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cách mạng và khả năng “tự miễn dịch”, “tự đề kháng” của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đối với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các phần tử phản động, cơ hội chính trị, chống đối trong nước. Phát huy toàn diện, mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của nhân dân, đẩy mạnh phong trào Thi đua yêu nước, khơi dậy mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của mọi người dân. Xác định “tự bảo vệ” là nội dung cốt lõi của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân.
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Triển khai hiệu quả các đề án, dự án quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đưa nội dung quốc phòng, an ninh vào quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy, bảo đảm biên chế, xây dựng cán bộ Công an nhân dân theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Xây dựng Công an cấp xã đủ sức giải quyết tình hình an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở; làm nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự trong kỷ nguyên mới. Đẩy mạnh nghiên cứu tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bổ sung, phát triển hệ thống lý luận về an ninh, trật tự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong kỷ nguyên mới.
Bên cạnh đó là tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh; xây dựng môi trường chuẩn mực văn hóa số, phối hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa hội tụ và lan tỏa, giữ vai trò điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xuân Tùng (TTXVN)