Chuyên gia Nguyễn Hồng Quân, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, nhận định, với tình trạng bùng nổ dân số như hiện nay, khi 66% dân số toàn cầu sẽ sống tại các đô thị vào năm 2050, các thành phố sẽ ngày càng đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường. Hơn nữa, các đô thị đóng góp chính vào biến đổi khí hậu, chịu trách nhiệm cho 60-80% lượng phát thải khí nhà kính, chiếm 75% lượng tiêu thụ tài nguyên và phát sinh 50% chất thải rắn toàn cầu (EMF). Tại các thành phố lớn, nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng, lợi thế để tạo ra sự thay đổi tích cực, mô hình KTTH đã nhận được sự quan tâm và áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, các thành phố và vùng đô thị có quy mô lớn phù hợp nhất để thực hiện các hoạt động chuyển dịch sang KTTH.
Theo Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên (IER), TP. Hồ Chí Minh đang trong quá trình trở thành một siêu đô thị hiện đại, tầm cỡ. Tuy nhiên, trước áp lực đô thị hóa nhanh chóng, kết quả xếp hạng Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022 cho thấy TP. Hồ Chí Minh chỉ xếp hạng 49 với 13,99 điểm. Hiện nay, thành phố đang phải đối mặt với áp lực môi trường và xã hội, đòi hỏi áp dụng chiến lược phát triển kinh tế xanh, KTTH. Thành phố đang trải qua quá trình bứt phá với dân số ngày càng tăng, cùng với nhu cầu cấp thiết về cơ sở hạ tầng, nhà ở và dịch vụ.
Ông Phạm Phú Trường cũng nhấn mạnh rằng tiềm năng KTTH trong năng lượng đô thị là rất lớn, vì hầu hết sản xuất và tiêu dùng năng lượng ở đô thị vẫn đang theo mô hình kinh tế tuyến tính. Hệ thống năng lượng tái tạo cần được tối ưu trong các quy trình sản xuất, tái chế, tái sử dụng vật liệu và thiết bị. Việc này không chỉ giảm nhu cầu về tài nguyên và phát thải khí nhà kính mà còn tăng hiệu quả kinh tế và tạo thêm việc làm. Bên cạnh đó, việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả cũng góp phần giảm phát thải, tăng hiệu quả kinh tế.
Quá trình chuyển đổi sang nền KTTH gắn với năng lượng tái tạo không chỉ giải quyết vấn đề phát thải khí nhà kính mà còn đóng góp vào nền kinh tế đất nước. Điều này bao gồm ba khía cạnh chính: tái chế các vật liệu quý hiếm sử dụng trong sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo; sử dụng vật liệu carbon thấp và tuần hoàn; và thiết kế hệ thống tuần hoàn. Do đó, cốt lõi của quá trình chuyển đổi năng lượng không chỉ nằm ở việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch mà còn đảm bảo sử dụng tài nguyên và môi trường một cách bền vững.
Trên thực tế, nhiều công ty đang áp dụng các giải pháp phân hủy sinh học, phân hủy compost hoặc tái sử dụng để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Bao bì bền vững nhằm giảm chất thải, bảo vệ tài nguyên và giảm tác động môi trường. Việc giảm sự phụ thuộc vào nhựa dùng một lần, hợp tác với nhà cung cấp, nhà bán lẻ và cơ sở tái chế đã giúp cải thiện cơ sở hạ tầng tái chế và đóng góp vào phát triển xanh.
Ông Trần Văn Sơn, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Gia Bảo, cho biết, bên cạnh lợi ích kinh tế, doanh nghiệp còn chú trọng yếu tố xã hội, xem đây là một phần không thể thiếu của một doanh nghiệp bền vững. Doanh nghiệp đang mở rộng thị trường không chỉ ở Việt Nam mà còn ra quốc tế, với các đối tác lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Đài Loan (Trung Quốc).
“Doanh nghiệp nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm bền vững, minh bạch và thân thiện với môi trường. Với sự hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài và các chương trình quốc tế, sản phẩm của doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu. Mới đây, Dự án Hạt điều xanh - Green Cashew, do Doanh nghiệp xã hội Green Journey cùng Tập đoàn Gia Bảo sáng lập và triển khai, đã chính thức ra mắt, với mục tiêu phát triển chuỗi giá trị bền vững”, ông Sơn chia sẻ.
Chuyển đổi sang nền KTTH không chỉ giải quyết vấn đề phát thải khí nhà kính mà còn đóng góp vào nền kinh tế đất nước
Để dịch chuyển nền kinh tế theo hướng bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh thực chất và hiệu quả, TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng khung chiến lược và chính sách toàn diện, phù hợp với đặc thù của thành phố, đảm bảo tính kết nối giữa các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Các nhiệm vụ này có thể được xây dựng dựa trên các văn bản như Quyết định 450/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 4589/QĐ-UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh về Kế hoạch tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững; và Quyết định 4645/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch phát triển KTTH trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh sẽ có thêm nhiều công cụ chính sách từ Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Những cơ chế này bao gồm việc tháo gỡ các vướng mắc trong phát triển, thu hút nguồn lực cho quá trình chuyển đổi xanh như thí điểm cơ chế tài chính giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, thúc đẩy hệ thống điện áp mái, điện mặt trời, kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, và thu hút đầu tư vào kinh tế xanh.
Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, để phát triển kinh tế bền vững thông qua KTTH, cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, kéo dài giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ trong chuỗi cung ứng. Hoạt động mua sắm công, đặc biệt tại khu đô thị, có thể thúc đẩy phát triển bền vững bằng cách tạo động lực từ phía cầu trên thị trường.
“KTTH có thể tạo nền tảng thúc đẩy thị trường hàng hóa xanh và tiêu dùng xanh. Đặc biệt, đầu tư công trong sử dụng các sản phẩm KTTH sẽ tạo đà phát triển cho những sản phẩm này. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp xanh của Chính phủ sẽ giúp xây dựng các doanh nghiệp Việt Nam theo mô hình KTTH, hướng đến tương lai bền vững, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, TS. Tú Anh nhấn mạnh.
Thanh Tuyết