Hướng tới xuất khẩu tinh chứ không xuất khẩu thô

Hướng tới xuất khẩu tinh chứ không xuất khẩu thô
10 giờ trướcBài gốc
Ông Bùi Kiến Thành.
PV: Thưa ông, hai đoàn đàm phán của Việt Nam và Mỹ đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam – Mỹ về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Ông Bùi Kiến Thành: Tôi cho rằng cần làm rõ và chi tiết khái niệm “transshipping” trong các nội dung được đưa ra từ thông báo của Tổng thống Mỹ (áp thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển – PV). Transshipping có nghĩa là trung chuyển, và trung chuyển với nghĩa thông thường là hàng hóa từ một nơi nào đó đến Việt Nam, dỡ xuống rồi lại bốc lên một tàu khác để đi tiếp hoàn toàn không qua chế biến. Hay như tàu chở dầu đến hải phận Việt Nam rồi bơm dầu từ tàu này sang tàu kia để đi tiếp. Đó gọi là trung chuyển. Còn trong trường hợp thuế quan này, tôi nghĩ là có cách hiểu khác và hiểu như thế nào cũng cần phải làm rõ.
Thưa ông, trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu, việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là vô cùng quan trọng?
Có trường hợp hàng hóa nước thứ ba sản xuất và được dán lại nhãn “Made in Vietnam” rồi đem đi xuất khẩu. Đây là gian lận xuất xứ. Nhưng cũng có những lô hàng được đưa vào Việt Nam để sản xuất thêm, gia công đáng kể, lắp ráp, sản xuất lại thành một sản phẩm mới hoàn toàn, rồi mới xuất sang Mỹ, đây là hoạt động sản xuất thực chất và hoàn toàn hợp pháp.
Song không chỉ xuất khẩu sang Mỹ, mà với “cuộc chơi” thương mại hóa toàn cầu, việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là một bước quan trọng trong quy trình xuất khẩu và nhập khẩu. Nó không chỉ giúp đảm bảo hàng hóa tuân thủ các quy định của pháp luật mà còn ảnh hưởng đến mức thuế suất, quyền lợi thương mại và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Nhiều ý kiến lo ngại mức thuế này sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu, đặc biệt với các ngành như dệt may, điện tử, da giày và có thể khiến các nhà đầu tư FDI xem xét lại chiến lược ở Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?
Hiện nay, phần lớn hàng xuất khẩu của chúng ta đều phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Dệt may có thể nhập đến 70-80%, da giày có khi nhập tới 90% nguyên liệu.
Nếu trước đây chúng ta xuất khẩu chỉ chịu thuế 10% mà bây giờ bị áp thuế lên mức cao hơn thì việc xuất khẩu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Nếu các doanh nghiệp FDI thấy rằng lợi thế về lao động giá rẻ của Việt Nam không còn đủ để bù đắp cho mức thuế quá cao, họ sẽ không vào nữa. Vấn đề đặt ra là, nếu muốn phát triển, chúng ta phải dựa vào nội lực của chính mình. Việc giải quyết bài toán nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ được đặt lên hàng đầu.
Chúng ta sẽ phải nâng cao năng lực tự chủ sản xuất, phát triển công nghiệp phụ trợ để giảm phụ thuộc, thưa ông?
Câu chuyện này đã được bàn luận hàng chục năm nay và giờ là phải làm thực sự, làm một cách mạnh mẽ. Thực tế hiện nay, ngay cả những doanh nghiệp lớn như Trường Hải hay VinFast, tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn thấp. Bao nhiêu phần trăm linh kiện là do chúng ta tự sản xuất, bao nhiêu phần trăm phải nhập từ nước ngoài?
Hay như đất hiếm, bô xít, chúng ta có trữ lượng nhưng chủ yếu là khai thác rồi bán thô, chứ chưa có công nghệ để chế biến sâu thành thành phẩm có giá trị gia tăng cao. Nông sản cũng vậy, nông dân Việt Nam trồng được rất nhiều loại trái cây như vải, thơm (dứa), sầu riêng... nhưng chủ yếu bán tươi chứ chưa có nhiều nhà máy chế biến thành hàng đóng hộp để xuất khẩu với giá cao hơn như các nước khác.
Khâu chế biến của chúng ta còn rất yếu. Vì vậy, khi bị áp thuế cao lên phần nguyên liệu nhập khẩu, chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Do vậy, doanh nghiệp nên hướng đến xuất khẩu tinh thay vì xuất khẩu thô.
Trân trọng cảm ơn ông!
T.Hằng (thực hiện)
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/huong-toi-xuat-khau-tinh-chu-khong-xuat-khau-tho-10309801.html