Ẩm thực là một trong những thành tố phản ánh bản sắc, văn hóa mỗi dân tộc, cộng đồng. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguyên liệu, phương thức chế biến, cách thưởng thức khác nhau tạo nên những món ăn đặc trưng mang tính vùng miền. Đó cũng là một trong những yếu tố tạo sức hút cho du lịch bởi khi sản phẩm ẩm thực hấp dẫn, độc đáo sẽ “níu chân” du khách. Khi du khách đến một địa điểm tham quan, bên cạnh tìm hiểu lịch sử, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên thì còn có nhu cầu thưởng thức những món ăn đặc sản, đặc trưng của địa phương đó. Thông qua bữa ăn ngon miệng, du khách được trải nghiệm, tìm hiểu những khía cạnh văn hóa truyền thống đặc sắc.
Đồng bào DTTS huyện Lục Ngạn giới thiệu các món bánh đặc sản.
Những năm gần đây, khách du lịch đến Bắc Giang ngày càng tăng, bình quân mỗi năm thu hút khoảng 2 triệu lượt du khách. Bên cạnh các yếu tố như cảnh quan thiên nhiên, nét sinh hoạt văn hóa, dịch vụ phục vụ du lịch thì ẩm thực của các dân tộc trong tỉnh đã làm tăng giá trị cũng như tạo dựng hình ảnh tốt đẹp đối với du khách về điểm đến. Tại đây có những món ăn mang hương vị truyền thống của mảnh đất trung du miền núi, thể hiện nét văn hóa, phong tục tập quán, nếp sống của cộng đồng các DTTS đang sinh sống.
Khảo sát sơ bộ, hiện có khoảng 40 món ăn đặc sản của các dân tộc có hương vị độc đáo thường xuyên được giới thiệu đến du khách tại những di tích, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đó là các món ăn, đồ uống đặc trưng sử dụng hằng ngày, dịp lễ, Tết hoặc được giới thiệu trong cuộc thi ẩm thực, giao lưu văn hóa truyền thống như: Lợn quay của các dân tộc, xôi trứng kiến của người Cao Lan - Sán Chí, bánh vắt vai của người Tày - Nùng, khau nhục, bánh bìa, xôi nhiều màu… Thống kê sơ bộ có khoảng 40 món ăn đặc sản của các dân tộc mang hương vị độc đáo, trình bày đẹp mắt thường xuyên được giới thiệu đến du khách tại những di tích, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Nhiều món ăn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan ở các huyện: Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế được du khách yêu thích, đánh giá cao. Tiêu biểu như món xôi ngũ sắc của người Tày với 5 màu: Trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím hoặc đen. Để tạo màu, người Tày sẽ dùng các loại lá cây ngoài tự nhiên để nhuộm gạo nếp, đem nấu chín. Theo quan niệm, 5 màu xôi tượng trưng cho ngũ hành - những yếu tố cấu thành nên đất trời, vạn vật. Ngoài ra, màu sắc tươi đẹp của món xôi ngũ sắc cũng chính là lời nguyện ước về cuộc sống an lành, may mắn, mùa màng bội thu.
Món cơm lam của người Dao được nấu từ gạo nếp căng tròn trồng trên những thửa ruộng vùng cao cùng nước dừa, thịt lợn trong gióng nứa khi bóc ra còn dính lớp màng trắng, mỏng, ăn sẽ thấy dẻo, thơm từng hạt. Món xôi trứng kiến cũng được chế biến cầu kỳ với việc làm sạch trứng kiến, xào chín với hành khô; nếp cái hoa vàng đồ chín, trộn với phần trứng kiến đã xào. Xôi dẻo mềm, vị béo ngậy của trứng kiến và hành phi thơm phức khiến ai ăn một lần nhớ mãi. Món khau nhục của người Tày, Nùng cũng có hương vị đặc trưng riêng của vùng đất miền núi Bắc Giang.
Các món ăn của đồng bào DTTS tại huyện Yên Thế.
Các loại bánh của người Nùng như: Bánh chưng, bánh vắt vai, bánh dày, bánh gio, bánh trôi, bánh gai... cũng được nhiều du khách yêu thích. Mỗi món ăn tạo cảm giác ngon miệng cho thực khách du lịch, đồng thời để lại ấn tượng tốt đẹp về vùng đất có sản phẩm ẩm thực ấy. Một số món ăn của người Dao ở Sơn Động, người Cao Lan ở Lục Nam, Yên Thế không chỉ đơn thuần để ăn no bụng mà còn được chế biến từ nguyên liệu quý, những vị thuốc tốt cho sức khỏe. Đồng bào dân tộc đã quan tâm cải tiến bao bì, nhãn hiệu sản phẩm và trưng bày, giới thiệu tại các khu, điểm du lịch cộng đồng. Sau khi thưởng thức, nhiều du khách yêu thích mua về làm quà cho người thân và bạn bè, đồng nghiệp.
Bà Cao Thanh Hải ở tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Vừa qua, tôi cùng một số người bạn đi chơi tại huyện Lục Ngạn. Tôi rất ấn tượng khi ngồi thuyền trên hồ Cấm Sơn ngắm cảnh đẹp và thưởng thức nhiều món ăn lạ miệng, độc đáo như: Xôi ngũ sắc, gà rừng nướng, tôm bay rang, cá suối... Tôi đã mua một số sản phẩm về để người thân thưởng thức”. Thông qua những món quà ẩm thực, những người chưa đến cũng sẽ biết và cảm nhận phần nào đó về mảnh đất và con người Bắc Giang. Đó cũng chính là một trong những phương thức quảng bá du lịch hiệu quả.
Để phát huy hơn nữa giá trị độc đáo của văn hóa ẩm thực vùng đồng bào DTTS, góp phần thu hút khách du lịch, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng tiếp tục quan tâm về cơ chế, chính sách cho việc khai thác, bảo tồn văn hóa nhằm khuyến khích người dân xây dựng những sản phẩm có thương hiệu. Tăng cường quản lý chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm các món ăn truyền thống dân tộc trong quá trình phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào DTTS tại địa phương đến với du khách.
Khánh Chi