Một tuần của Bí thư Đảng ủy xã - Bài 1: Việc gì có lợi cho dân thì làm

Một tuần của Bí thư Đảng ủy xã - Bài 1: Việc gì có lợi cho dân thì làm
3 giờ trướcBài gốc
LTS: Cả nước hiện có gần 11 nghìn Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn. Họ là người trực tiếp hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở cơ sở; đồng thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với cấp trên. Chỉ thị, nghị quyết của Đảng có đi vào cuộc sống, có tới được với người dân hay không là nhờ “cầu nối” này. Vì ở gần dân, sát dân, giải quyết những vấn đề hằng ngày của nhân dân nên có việc có tên, có việc không tên; có việc làm trong giờ, có việc làm ngoài giờ, ngày nghỉ; thậm chí cả đêm hôm, mưa bão.
Phóng viên Báo Bắc Giang đã có một tuần rong ruổi, quan sát và “ba cùng” với một nữ Bí thư Đảng ủy xã ở huyện vùng cao Sơn Động, nơi có 95% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nơi đi nửa ngày đường mới tới một hộ dân để cảm nhận, chia sẻ và thấm đẫm sự vất vả, nỗ lực vượt khó của họ. Vượt lên trên hết, họ luôn kiên trì, nhẫn nại, sống trong lòng dân để trở thành điểm tựa vững chắc của Đảng.
Bài 1: Việc gì có lợi cho dân thì làm
“Khi được điều động, luân chuyển từ huyện về cơ sở, lại là địa bàn khó khăn như xã Hữu Sản, số hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 50%; tôi luôn trăn trở làm gì để người dân có cuộc sống tốt hơn. Không có trường lớp nào dạy làm Bí thư Đảng ủy xã cả, tôi nghĩ mình cứ thật tâm, làm việc hết mình, việc gì có lợi cho dân thì làm, chắc chắn bà con sẽ tin và làm theo”. Bí thư Đảng ủy xã Hữu Sản Hoàng Thị Ngân tâm sự như vậy! Chị là một trong số cán bộ luân chuyển trẻ nhất, là nữ duy nhất, đi xã xa nhất và cũng khó khăn nhất của huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang).
Đến với dân để lo cho dân
Sáng nay, Bí thư Đảng ủy xã Hữu Sản Hoàng Thị Ngân không có lịch làm việc ở cơ quan. Qua điện thoại, chị bảo: “Em đang ở rừng Pò Chùa, kiểm tra thiệt hại của cây rừng sau bão số 3 Yagi. Nhiều nhà mất trắng cả rừng keo, sốt ruột quá chị ạ! Chắc phải quá trưa em mới về xã được”.
Bí thư Đảng ủy xã Hữu Sản Hoàng Thị Ngân đi thăm đồng.
Thấy tôi loay hoay, anh cán bộ văn phòng đảng ủy xã đon đả: Chị muốn đi bản thì em chở xe máy đi luôn chứ ô tô không vào được đâu. Đường khó đi lắm!
Từ thành phố Bắc Giang lên huyện Sơn Động 80 km. Từ huyện tới trung tâm xã Hữu Sản thêm 20 km nữa, toàn đường đèo, khúc khuỷu. Đi vào thôn Sản, nơi có rừng Pò Chùa, đường càng nhỏ hẹp, nhiều đoạn ngầm bê- tông bị xói mòn, đất đá sạt lở, xe máy phải lách khéo mới qua. Anh cán bộ xã vừa lái xe vừa kể: Trận bão vừa rồi kinh khủng quá, may Bí thư Ngân quyết liệt, đi từng xóm, chỉ từng nhà cách phòng chống bão chứ không thì không biết thiệt hại đến đâu.
Sau bão số 3 Yagi, nhiều cánh rừng của xã bị gẫy, đổ.
Gặp Ngân giữa rừng Pò Chùa, da trắng hồng, trẻ trung, không giống như những gì tôi mường tượng về cán bộ cơ sở, lại vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn… Như đoán được suy nghĩ của tôi, Ngân chủ động giới thiệu:
- Em sinh đầu năm 1987, dân tộc Kinh, quê xã Thanh Luận. Em học Đại học Sư phạm Thái Nguyên, rồi làm cô giáo, cán bộ Hội Phụ nữ, Huyện Đoàn Sơn Động. Em có 10 năm làm Phó Bí thư, Bí thư Huyện Đoàn nên “chất” thanh niên chắc vẫn còn nhưng nếu chị ở lâu, thể nào sau chị cũng chê em cứng, em đứng tuổi (cười).
Sự thân thiện, cởi mở của Ngân khiến hai chị em nhanh chóng gần nhau hơn. Tìm hiểu về Hữu Sản, xã có diện tích đất tự nhiên lớn, gần 4.000 ha, trong khi chỉ có 4 thôn, 612 hộ, 2.543 khẩu. Thu nhập chính của người dân từ trồng rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Bão Yagi tràn qua, xã bị thiệt hại nặng nề nhất về cây rừng, khoảng 600 ha cây lâm nghiệp bị gẫy, đổ, nguy cơ mất trắng. Ngoài ra, một số cây hoa màu, cây ăn quả, lúa lai cũng bị hư hỏng. “Những gì thiên tai tàn phá, không chống được thì phải chịu. Còn những gì chủ động được, như di dời dân để không bị sạt lở đất, gia cố lại mái tôn, quây kín chuồng gà, lợn không để lũ cuốn trôi, xã đã hạn chế được, ở mức thấp nhất”, Bí thư Ngân thông tin.
Xã Hữu Sản có nhiều cánh rừng tự nhiên, cây lâu năm.
Hữu Sản có 95% dân số là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Cao Lan, Sán Chí nên nhận thức, trình độ của bà con phần nào hạn chế. Trước bão, cán bộ xã chia nhau thành từng tổ đến từng thôn, từng nhà thuyết phục bà con “gọi” trâu bò, gia súc, gia cầm từ rừng về. Khảo sát thấy có gần 20 hộ dân nhà dột nát, xuống cấp, lại ở ngay chân núi, nguy cơ sạt lở cao nên cả thôn, xã tập trung thuyết phục, vận động bà con di dời.
Trời nắng chang chang, bão chưa tới nên đa số người dân chủ quan, thờ ơ. Bà con bảo: “Cán bộ nói không phải rồi, làm gì có bão. Đi thì lấy gì mà ăn, trâu bò gọi về ai chăm”. Đến một lần không được, đến lần hai, “mưa dầm thấm lâu”, thấy cán bộ nhiệt tình, cặn kẽ giải thích, đi lại vất vả, bà con mới nghe theo.
Hộ ông Vi Văn Thuật, thôn Dần là một trong 15 hộ bị sạt lở đất. Được tuyên truyền giải thích kịp thời, cả gia đình ông đã di dời an toàn, trước khi bão tới. Bão qua, chính quyền và bà con trong thôn vừa giúp ông sửa lại nhà sạch sẽ. Thấy Bí thư Đảng ủy xã tới thăm, ông lật đật chạy ra tận cửa đón: “Cám ơn Bí thư! Cô tốt quá, giúp bà con tránh được bão, không ai bị đất đá vùi. Còn người còn của, thế mà lúc trước cô đến, chúng tôi còn không cả mời cô vào nhà”.
Bà con vui mừng, thân thiết khi gặp Bí thư Đảng ủy xã.
Hộ ông Nông Văn Vượng, thôn Sản bị lũ cuốn trôi mất 15 con gà trống thiến. Tiếc của, ông bảo: “May mà nghe lời cán bộ gia cố lại chuồng gà, nhốt gà cẩn thận, chứ cứ cãi cùn, sợ gì bão thì có khi giờ mất sạch cả đàn rồi chứ không phải chỉ 15 con”.
Nhờ được tuyên truyền, người dân đã làm chuồng trại nuôi nhốt trâu bò.
Mấy chục năm nay, chưa bao giờ người dân ở đây thấy một cơn bão lũ khắc nghiệt đến thế! Có lẽ chính vì thế mà bà con lơ là, chưa chủ động.
“Cả tuần bão, em cắm chốt ở xã. Giao thông chia cắt, viễn thông gián đoạn, trong khi bố mẹ, gia đình em ở thị trấn An Châu bị ngập hết, không liên hệ được. May mà bão tan, tất cả mọi người được an toàn. Giờ cả xã lại bắt tay khôi phục sản xuất, khắc phục hậu quả”.
Không ai mong muốn bão đến nhưng trong gian khó, trong nguy nan, bà con đã hiểu sự quan tâm, lo lắng, trách nhiệm của cán bộ; thương yêu, đoàn kết đùm bọc nhau hơn. Bão lũ đi qua, tin yêu ở lại nơi này.
Lo cho dân để có phong trào
Luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã từ 1/9/2022, Ngân không tham vọng, cấp tập làm nhiều việc lớn mà cô nghĩ cần làm việc gì ra việc đó, rõ nét, thiết thực và có lợi lâu dài cho bà con, từ cái nền sẵn có ở địa phương.
Ai cũng biết huyện Sơn Động nói chung, xã Hữu Sản nói riêng có lợi thế về phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên, cây lâm nghiệp chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo, chưa phải là cây làm giàu. Để làm giàu, theo Bí thư Hoàng Thị Ngân, cần đưa giống mới vào sản xuất; vận động nhân dân liên kết, chuyển đổi, kéo dài thời gian trồng, chuyển thành trồng rừng gỗ lớn.
Những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều ở Hữu Sản.
Năm 2021, Huyện ủy Sơn Động có Nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao giá trị rừng kinh tế (giai đoạn 2021-2025). Ngay sau đó, Đảng ủy xã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Đúng thời điểm này, đồng chí Ngân được tăng cường về xã.
Cả xã nhà nhà trồng rừng. Chỉ sau hai năm thực hiện, tỷ lệ rừng trồng của Hữu Sản tăng mạnh, hơn 2.100 ha, trong đó có 400 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 78%, cao hơn mức bình quân chung của huyện 6%. Từ trồng rừng, mỗi năm xã thu hẹp khoảng cách giảm nghèo từ 5-7%, đời sống nhân dân ngày càng ổn định, phát triển.
Đặc biệt, bà con theo cán bộ đã biết liên kết trồng rừng bền vững đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật và mạnh dạn trồng thí điểm một số giống cây mới như ba kích, bồ kết… Tin vui nữa là từ tháng 4.2023, xã đã đăng ký 40 ha rừng trồng gỗ lớn, mở ra hướng phát triển mới cho phát triển kinh tế rừng ở địa phương.
Đồng chí Hoàng Thị Ngân thăm mô hình trồng cây ba kích ở thôn Sản.
Ông Đặng Quốc Cường- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt- đơn vị đang phối hợp hướng dẫn bà con trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC cho biết: Chúng tôi triển khai chương trình trồng rừng theo tiêu chuẩn ở nhiều địa phương nhưng chưa ở đâu, cán bộ thôn, xã quyết liệt; bà con nhiệt tình hưởng ứng như ở Hữu Sản. Hiện xã có 3 thôn, 182 hộ tham gia trồng rừng theo chứng chỉ FSC. Tới đây, nếu nhân ra toàn xã, mở rộng thêm diện tích lên 4- 500 ha thì chắc chắn giá trị kinh tế còn cao hơn nhiều.
Tập huấn cho bà con trồng rừng theo chứng chỉ quốc tế FSC.
Một trong những việc cũng là lần đầu tiên ở Hữu Sản, đó là xã có sản phẩm OCOP 3 sao mang tên “Gà trống thiến Hữu Sản”. Bí thư Ngân tâm sự: Gà thì bà con vẫn nuôi, gà rất ngon, thịt chắc, đậm đà, ai cũng khen nhưng để xây dựng thành thương hiệu, sản phẩm đặc trưng, bán được giá thì bà con không biết làm.
-Em tới thôn, giải thích cho bà con hiểu đơn giản là mình liên kết lại, nuôi bằng giống gà bản địa, thả trên đồi nhưng có kiểm soát, tiêm phòng đầy đủ và không nuôi thức ăn tăng trọng, đủ thời gian hơn một năm mới bán để thịt thơm ngon, ngọt vị. Còn gọi là “Ô- cốp” thì giống như cái tên của đồng bào, gọi chị A Mải, A Chải…thôi.
Bà con nghe ra, tạo thành hợp tác xã. Đảng ủy chỉ đạo UBND xã thành lập tổ giúp việc, giúp bà con khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu, đầu vào- đầu ra và mở rộng quy mô, chính thức đưa sản phẩm “Gà trống thiến Hữu Sản” trở thành sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của xã và là một thương hiệu uy tín.
Gia đình Trưởng thôn Sản Hoàng Văn Triều là một trong số hộ tiên phong nuôi gà OCOP. Gà thả trên đồi, chiều về, chỉ cần anh bấm còi xe máy “bíp, bíp” một tí là gà về đủ trước sân nhà. Anh khoe, giờ không có gà bán. Tết năm ngoái giá cao, hơn 200.000 đồng/1 kg, 1 con tầm hơn 3, 4 kg là có tiền triệu, làm gì ra, bà con mừng lắm!
Đàn gà trống thiến nhà anh Hoàng Văn Triều.
Nhìn đàn gà trống thiến béo núc ních lên chuồng, trời cũng chạng vạng tối, Ngân bảo: Ra tới xã là tối hẳn. Về tới huyện là tầm hơn 7 giờ tối. Mai, ngày kia em có hai cuộc họp quan trọng, cần phải nghiên cứu kỹ tài liệu, mình ngủ lại xã chị nhé!”. Và rồi, tôi đã ngủ ở Hữu Sản đêm đầu tiên...
(Còn nữa)
Thu Hương - Hữu Trình
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/mot-tuan-cua-bi-thu-dang-uy-xa-bai-1-viec-gi-co-loi-cho-dan-thi-lam-200831.bbg