Núi Chí Linh hùng vĩ đã che chở nghĩa quân Lam Sơn và nay là địa điểm du lịch không thể thiếu khi du khách về với Lang Chánh.
Sử sách xưa ghi lại, đây là một trong số những địa bàn hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn trong chuỗi ngày “nằm gai, nếm mật” ở rừng núi miền Tây xứ Thanh để củng cố, bảo tồn lực lượng, chờ thời cơ tấn công giặc Minh khi điều kiện cho phép. Những ngày ấy, khắp rừng cây, thác nước, suối khe, bản làng của Mường Giao Lão, Mường Bơ, Mường Mọt... không chỗ nào là không in dấu chân của Bình Định vương Lê Lợi và các tướng sĩ trung thành. Đi khắp vùng núi Pù Rinh này, chỗ nào cũng được nghe kể những truyền thuyết về vua Lê và nghĩa quân Lam Sơn một cách thật sinh động và ý nghĩa. Để giúp vua Lê và nghĩa quân thoát khỏi sự truy đuổi và vây ráp của kẻ thù, đồng bào Thái Lang Chánh mà trực tiếp nhất là đồng bào ở Mường Giao Lão và Mường Bơ (nay thuộc xã Trí Nang và Giao An) đã hết lòng che chở, giúp đỡ lương thực, thực phẩm. Nhờ đó mà Bộ chỉ huy tối cao của cuộc khởi nghĩa, đứng đầu là Bình Định vương Lê Lợi đã được bảo toàn nguyên vẹn, để sau “Mười năm nằm gai nếm mật” ở nơi núi rừng hiểm trở tiến xuống đánh tan bọn giặc Minh, mở ra nền thái bình cho đất nước suốt gần 4 thế kỷ (từ XV đến XVIII).
Giờ đây, đến thăm thác Ma Hao, chúng ta sẽ được thấy một thác nước khổng lồ, nên thơ, nên nhạc ở giữa một vùng rừng núi đại ngàn nguyên thủy Pù Rinh. Chúng ta sẽ được ghé thăm và nghỉ lại ở bản Năng Cát - một bản của đồng bào Thái còn nguyên sơ với những nhà sàn đặc trưng rất đẹp, được nghe những người già trong bản tự hào kể chuyện say sưa về truyền thuyết của thác Ma Hao, về sự tích tên gọi bản Năng Cát, về vườn cam mà Lê Lợi trồng, rồi đến sự tích Pù Rinh, sự tích Chiềng Lẹn, sự tích bản Húng, bản Hiên, sự tích Huối Lấu (suối rượu) - nơi Lê Lợi đã “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” để tỏ rõ sự đồng cam cộng khổ với binh lính và tướng sĩ trong những ngày trốn tránh sự truy đuổi của địch ở núi Chí Linh...
Thác Ma Hao nói riêng và hệ thống núi Pù Rinh nói chung nằm ở vùng địa hình đồi núi phía Tây của tỉnh Thanh. Đây là miền đồi núi rộng lớn nhất tỉnh bao gồm toàn bộ diện tích huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân và lấn xuống một số diện tích của các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Triệu Sơn.
Riêng ở huyện Lang Chánh, dãy Pù Rinh có độ cao trên 1.200m so với mực nước biển. Cấu tạo địa chất ở vùng này bao gồm các núi đá có nguồn gốc macma và các núi đá granit, riolit, porphirit cùng các loại đá trầm tích bị biến chất như đá hoa, quarzit chiếm tỷ lệ rất lớn trong toàn vùng.
Thuộc địa hình vùng cao, nên khí hậu ở vùng núi Pù Rinh hầu như quanh năm mát lạnh. Vì vậy, hệ thống cây rừng nguyên sinh ở đây phát triển rất xanh tốt và từ trước đến nay, Pù Rinh vẫn được xếp là một trong số những vùng có nguồn lâm sản lớn nhất tỉnh.
Cũng do có địa hình núi cao và có cấu tạo địa chất như vừa nêu, nên sông suối ở đây đã tạo ra những thung lũng khá hiểm trở với nhiều vách đá dựng đứng và thác nước có giá trị cả về thủy điện và cảnh quan.
Đến chân thác Ma Hao, nhìn ngắm một cách bao quát, chúng ta mới cảm nhận một cách đầy đủ về sự bao la, hùng vĩ của một vùng cảnh quan đặc biệt, nên thơ do thiên nhiên ban tặng. Từ chân đến đỉnh của tầng thác này cao tới hơn một trăm mét và rộng cũng khoảng hai trăm mét. Trèo lên “cửa gió” ở lưng chừng thác để nhìn ngọn thác và cảnh trí xung quanh, chúng ta có cảm tưởng như lạc vào vùng tiên cảnh. Phía trên thác Ma Hao là đỉnh Pù Rinh cao vút có mây mù che phủ, còn xung quanh là núi rừng đại ngàn, xanh biếc bao trùm. Ở dưới chân thác là hồ nước trong xanh rất rộng và sâu. Mùa hè, nếu được tắm mình và bơi lội trên hồ nước chảy đặc biệt này thì thú vị vô cùng.
Đứng ở “cửa gió” chân thác, chúng ta sẽ được nghe đầy đủ âm thanh của nhạc rừng, đó là tiếng ào ào, róc rách của thác nước, tiếng hót của chim rừng và tiếng rì rào của gió, tất cả hòa tấu và cộng hưởng thành một âm thanh đặc biệt. Đồng thời chúng ta thêm thấm thía về sự tích “chó ngáp”. Bởi, với sự rộng lớn, bao la của thác nước, “tu ma” nào mà chẳng “háo” (chó nào mà chẳng sợ)... “Cửa gió” chính là một hốc đá thông nhau ở phía trên chân thác khoảng hai chục mét. Nếu trời oi bức, ngồi ở phía chân cửa gió thì sẽ được “quạt” mát bằng một hệ thống gió kèm bụi nước vô cùng khoan khoái.
Thác Ma Hao (Lang Chánh).
Thác Ma Hao rất cao, vừa cheo leo, vừa dốc đứng, chỉ có người địa phương sành sỏi, khỏe mạnh mới có thể leo trèo lên đỉnh được, còn hầu hết mọi người đến đây chỉ được nhìn, được ngắm đã có thể thỏa chí tang bồng và đắm say hết cỡ. Cho nên, trong cuộc hành trình du lịch thác Ma Hao, leo được đến “cửa gió”, du khách đã có thể mãn nguyện.
Sau khi đi thăm thác và chơi thác xong, chúng ta sẽ đi du lịch xung quanh khu vực rừng núi nguyên sinh (mà bây giờ gọi là rừng phòng hộ) ở chân núi Pù Rinh thì sẽ thấy nơi “rừng vàng” này vẫn còn tồn giữ được vô số loài gỗ quý hiếm (như lim, lát, dổi, vàng tâm, pơ mu, sến, táu...) và đặc biệt, ở đây còn có nhiều loại cây dược liệu rất quý như cây quế mà sử sách đã chép đến, cây lá khôi chữa dạ dày rất hiệu nghiệm. Về thú xưa kia có đủ loại thú lớn, thú bé. Hiện tại vẫn còn hổ, báo, hoẵng, hươu, nai, chồn, sóc, nhím...
Chỉ trong bán kính năm cây số, chúng ta có thể đến thăm núi và hòn đá Lê Lợi nằm nghỉ, làm việc thời “nằm gai nếm mật” ở Pù Rinh (hòn đá này chỉ rộng bằng hai cái chiếu và cao 7m mà Nhân dân vẫn gọi là hòn đá Vua Lê), và đặc biệt là đến thăm Huối Lấu (tức suối Rượu) - nơi mà theo truyền thuyết địa phương, Lê Lợi đã cùng tướng sĩ và binh lính thề nguyền sẽ sống chết cùng nhau...
Có một điều rất may, khi đi tham quan thác Ma Hao, cả lúc đi và lúc về, chúng ta đều được dừng chân ở bản làng Năng Cát của đồng bào Thái. Nếu nghỉ lại qua đêm để tiếp tục cuộc hành trình du lịch vùng rừng núi Pù Rinh thì du khách sẽ được thưởng thức và chiêm ngưỡng nhiều điều thú vị khác. Có thể nói, do ở vào vùng địa hình cao và cũng khá hiểm trở, nên bản làng người Thái ở Năng Cát còn rất nguyên sơ.
Nếu ở lại Năng Cát, chúng ta sẽ được đến khu đất “Vườn cam của Lê Lợi” trồng trong những ngày ẩn náu tại đây. Sau khi Lê Lợi mất, đồng bào Thái ở bản Năng Cát đã dựng lên một ngôi đền thờ Lê Thái Tổ để tỏ lòng biết ơn. Cũng tại đây, để hồi tưởng về cảnh sinh hoạt của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn ngày ấy, chúng ta sẽ được thưởng thức món “cơm lam, gà thui” đặc sắc. Bên ánh lửa nhà sàn, du khách vừa uống rượu cần, vừa được nghe người Thái Năng Cát hát khắp và khua luống một cách thật say sưa, nồng ấm...
Từ thác Ma Hao đến rừng núi, bản làng Năng Cát - Pù Rinh (Trí Nang - Lang Chánh), không những có giá trị về mặt cảnh quan môi trường mà còn có giá trị cả về mặt lịch sử văn hóa. Nơi đây đã là địa chỉ du lịch cảnh quan, sinh thái hấp dẫn mọi người.
PHẠM TẤN