Khách đến Huế từ đường tàu biển
Cơ hội để thu hút khách
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về việc miễn thị thực theo chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 cho công dân các nước: Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc và Liên bang Thụy Sỹ. Chính sách này sẽ được thực hiện từ ngày 1/3/2025 đến hết ngày 31/12/2025. Công dân 3 nước nói trên có thể nhập cảnh Việt Nam với mục đích du lịch mà không cần thị thực. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để thu hút khách.
Chính sách thị thực (visa) thông thoáng, cởi mở được đánh giá sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo hấp dẫn hơn đối với khách quốc tế, là đòn bẩy giúp cho du lịch nước nhà phát triển. Từ giữa tháng 8/2023, Việt Nam đã có chính sách thị thực mới khi quyết định mở rộng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và nâng thời hạn tạm trú từ 30 lên 90 ngày, với số lần xuất nhập cảnh không giới hạn. Bên cạnh đó, nâng thời hạn tạm trú của công dân 13 nước được miễn thị thực đơn phương lên 45 ngày.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết, những chính sách thị thực trên mang lại rất nhiều cơ hội để thu hút khách. Khi thủ tục thuận tiện, khách sẽ ưu tiên lựa chọn điểm đến. Chính sách thị thực hiện nay cũng giúp kéo dài thời gian lưu trú tại Việt Nam nhiều hơn. Xu hướng khách đến Việt Nam muốn đi khám phá nhiều nơi, khi chính sách thị thực thông thoáng, họ dễ dàng lựa chọn, bổ sung thêm nhiều điểm đến trong hành trình khám phá đất nước hình chữ S. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội cho du lịch Huế cùng các địa phương làm du lịch.
Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ Phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội tại Huế chia sẻ, trong du lịch, cảm xúc của khách rất quan trọng. Trong điều kiện thuận lợi, mang lại cảm xúc tốt, khách ra quyết định rất nhanh. Ngược lại, một số trường hợp cảm thấy khó khăn, hoặc phải chờ đợi, họ có thể đưa ra quyết định khác về việc lựa chọn điểm đến. Chính sách thị thực thông thoáng cũng là mong muốn của các doanh nghiệp lữ hành, bởi khi xin cấp visa, chi phí tour cũng đội lên và cần thời gian chờ đợi. Mặt khác, chính sách miễn thị thực tạo cảm giác thân thiện với khách. Khách cảm nhận được coi trọng và chào đón. Doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cũng dễ dàng hợp tác với các đối tác quốc tế trong việc giới thiệu và bán tour cho khách.
Giới thiệu nghề vẽ tranh với du khách tại cơ sở làm du lịch ở Thủy Biều
Thu hút khách đến Huế
So với các địa phương trong cả nước, tiềm năng và tài nguyên du lịch Huế đa dạng là cơ sở để phát triển nhiều loại hình du lịch. Thực tế, trung bình hàng năm, Huế đã thu hút du khách từ 120 - 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo lãnh đạo Hội Lữ hành TP. Huế, các doanh nghiệp lữ hành luôn theo dõi và bám sát của chủ trương, chính sách về du lịch để đảm bảo hoạt động. Đối với các chính sách thị thực, các doanh nghiệp cũng triển khai gửi các thông báo đến các doanh nghiệp đối tác, du khách để họ biết và đưa ra các quyết định cho hành trình du lịch đến Huế cùng các địa phương của Việt Nam.
Điều quan trọng là khi chính sách thông thoáng, việc thu hút khách đến Huế và kéo dài thời gian vẫn phải cần nhiều giải pháp. Theo ông Minh, khách rất cần các sản phẩm có tính trải nghiệm sâu về văn hóa. Điển hình như ca Huế, nhiều du khách không chỉ muốn nghe, xem biểu diễn mà còn muốn trải nghiệm học ca Huế. Hay đối với du lịch cộng đồng, khách muốn hóa thân làm người bản địa, đi sâu trải nghiệm đời sống hàng ngày của người dân.
Bà Lý cũng đánh giá, sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng. Mỗi thị trường có những yêu cầu khác nhau và việc nghiên cứu, xây dựng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách. Sản phẩm du lịch muốn hấp dẫn phải có tính khác biệt, dựa vào nét đặc trưng của điểm đến, đáp ứng đúng mong muốn của du khách thì sẽ kéo dài được thời gian lưu trú ở Huế.
Một số doanh nghiệp lữ hành mong muốn, Huế nên quan tâm có thêm các hoạt động du lịch về đêm. Đó chính là điều kiện để giữ chân khách ở lại lưu trú và cũng là cơ sở để doanh nghiệp lữ hành xây dựng, bổ sung vào tour tuyến. Huế đã hình thành được các phố đêm, phố đi bộ về đêm nhưng hoạt động chưa thực sự có điểm nhấn để hút khách. Ngành du lịch, chính quyền địa phương cần nghiên cứu để đầu tư, bổ sung thêm các chương trình, hoạt động gắn với văn hóa, ẩm thực xứ Huế, tạo thêm nhiều trải nghiệm cho khách.
Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, bên cạnh các sản phẩm du lịch văn hóa di sản, ngành du lịch cũng nghiên cứu, xây dựng và đầu tư cho các loại hình du lịch bổ trợ khác. Thời gian tới, du lịch Huế cũng sẽ bổ sung các sản phẩm du lịch thành chuỗi dịch vụ du lịch của Cố đô và liên kết các địa phương để tạo ra các sản phẩm lưu trú trải nghiệm dài ngày.
Bài, ảnh: HỮU PHÚC