Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC
Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục đại học cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ về học bổng, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở, cùng các chính sách ưu đãi khác cho sinh viên lĩnh vực bán dẫn.
Hỗ trợ thực tập và đầu ra
ĐH Bách khoa Hà Nội hiện có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn. PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc cho biết, có hơn 3.000 sinh viên theo học các ngành này, gồm: Điện tử viễn thông; Thiết kế vi mạch; Hệ thống nhúng; Điện/Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính/ Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/ Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và nano.
Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: Đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành Công nghiệp bán dẫn. Trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành Công nghiệp bán dẫn.
“Để thực hiện mục tiêu trên, thu hút người học lĩnh vực bán dẫn là cần thiết. Muốn vậy, cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi cho người học”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhìn nhận và cho biết, trong quá trình học tập, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ hỗ trợ sinh viên về thực hành, thực tập tại doanh nghiệp và hỗ trợ “đầu ra” cho người học; đồng thời dành những suất học bổng cho sinh viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho rằng, chính sách miễn, giảm học phí cho sinh viên theo học ngành bán dẫn sẽ khó áp dụng đại trà, nhất là với một đơn vị tự chủ và có đến hàng nghìn sinh viên theo học bán dẫn như ĐH Bách học Bách khoa Hà Nội. Vì thế, chính sách này sẽ áp dụng chung như sinh viên hệ chính quy của các ngành, chương trình đào tạo khác. Nghĩa là, sinh viên nào thuộc diện được miễn, giảm học phí theo quy định của Nhà nước, thì ĐH Bách khoa sẽ áp dụng và tạo điều kiện tối đa để các em được thụ hưởng chính sách này.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, để sinh viên theo học bán dẫn được miễn, giảm học phí, cần có hỗ trợ của Nhà nước thông qua các đề án phát triển nguồn nhân lực. Hoặc Nhà nước có thể “đặt hàng” với cơ sở đào tạo về số lượng và chất lượng sinh viên theo ngành này. “Trong bối cảnh các trường thực hiện tự chủ như hiện nay, nếu không có hỗ trợ của Nhà nước, việc miễn giảm học phí cho sinh viên học bán dẫn bằng nguồn tài chính của cơ sở đào tạo là khó khả thi”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền bày tỏ.
Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường
Cần hợp tác ba bên
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Quỳnh - Trưởng khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội trao đổi, để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Công nghiệp bán dẫn, cần có sự hợp tác đồng thuận cả ba bên: Chính phủ, nhà trường và doanh nghiệp. Chính phủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nhờ đó, mỗi cơ sở đào tạo có thể xây dựng các phương án đầu tư trang thiết bị hợp lý và điều chỉnh chương trình đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Một mình Bộ GD&ĐT không thể thực hiện được, mà rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, đồng thời đề xuất 3 nhóm chính sách.
Thứ nhất là nhóm chính sách hỗ trợ, khuyến khích người học nhằm nâng cao số lượng và chất lượng tuyển sinh đầu vào (bao gồm cả tuyển sinh học theo các chương trình đào tạo chuyên sâu, chương trình đào tạo chuyển đổi) như: Chính sách học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng ưu đãi…
Thứ hai là nhóm chính sách hỗ trợ, đầu tư đột phá để tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu. Trước hết là năng lực đội ngũ giảng viên, trang thiết bị thí nghiệm và công cụ phần mềm thực hành, thí nghiệm và mô phỏng.
Thứ ba là nhóm chính sách khuyến khích, thúc đẩy hợp tác đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là với trường đại học, doanh nghiệp đối tác của Hoa Kỳ (có tiềm năng đầu tư tại Việt Nam).
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, tín hiệu từ thị trường, doanh nghiệp, địa phương, dự báo về phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai cũng vô cùng quan trọng. Đó là thông tin thí sinh sẽ tiếp nhận để xác định ngành học và tương lai cho mình. Nếu chính sách và các tín hiệu từ thị trường về nhu cầu nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đồng bộ thì các trường không lo không thu hút được thí sinh.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch 1758/KH-BGDĐT năm 2024 triển khai Quyết định 1018/2024 phê duyệt “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” và Quyết định 1017/2024 phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.
Tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, năm 2025, Bộ tiến hành rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí và chính sách học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành Công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước. Bộ cũng nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Tài chính ủng hộ, tạo điều kiện cho chính sách trên.
Bộ GD&ĐT gửi văn bản đến các trường đại học, học viện, trường sĩ quan có đào tạo trình độ giáo dục đại học và các viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ cần xây dựng đề án đề xuất đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn. Ngoài đề xuất chính sách thu hút giảng viên, chuyên gia là người nước ngoài, Bộ GD&ĐT đề nghị, các trường chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế với cơ sở đào tạo có thế mạnh, uy tín về bán dẫn trong nước và quốc tế.
Minh Phong