HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU
Trên cơ sở hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), hằng năm, UBND huyện ban hành nhiều kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 07... Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung các chính sách về liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lồng ghép vào các cuộc tập huấn, hội thảo chuyên đề tại 12 xã và thị trấn.
UBND huyện cũng đã thành lập Hội đồng thẩm định, quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát chính sách hỗ trợ trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan cấp tỉnh và sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, huyện đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn và bước đầu đạt được kết quả nhất định.
Tham quan mô hình canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh thử nghiệm tại xã Yên Luông.
Cụ thể, UBND huyện Gò Công Tây đăng ký 24 dự án/kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt danh mục gồm 13 dự án, 11 kế hoạch (10 lúa, 8 rau, 5 cây ăn trái, 1 chăn nuôi). Đến nay, huyện thực hiện 20 dự án/kế hoạch được phê duyệt danh mục gồm 5 dự án, 15 kế hoạch (10 lúa, 6 rau, 4 cây ăn trái) với quy mô thực hiện trên 491 ha/838 hộ dân tham gia; trong đó, có 305,9 ha lúa, 329,406 ha rau, 144,86 ha cây ăn trái; với tổng kinh phí thực hiện trên 45,9 tỷ đồng (trong đó tổng vốn ngân sách nhà nước trên 9,5 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của hợp tác xã (HTX)/doanh nghiệp, nông dân).
Đến nay, có 7 kế hoạch liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã kết thúc, 13 dự án/kế hoạch đang thực hiện trong năm 2025.
Trong đó có thể kể đến một số mô hình liên kết điển hình hiệu quả như: Liên kết tiêu thụ rau của HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (xã Bình Tân), với quy mô 14,65 ha/60 hộ; thực hiện hỗ trợ 50% phân hữu cơ, chế phẩm sinh học cho nông dân trong 3 năm 2022 - 2024. Qua 3 năm thực hiện liên kết, HTX thực hiện được dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào cho các thành viên thêm liên kết giống rau, phân bón, chế phẩm sinh học, đặc biệt là giá giống rau thấp hơn thị trường 30.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại giống rau; thực hiện bao tiêu sản phẩm rau 100% theo giá bao tiêu của HTX (có điều chỉnh giá lên khi giá thị trường tăng); tạo việc làm cho hơn 50 lao động tại địa phương.
Nhờ tham gia các mô hình liên kết mà thành viên HTX sản xuất, tiêu thụ được ổn định, giảm chi phí sản xuất và nâng cao được thu nhập.
Hay kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ rau tại HTX Nông nghiệp Thương mại dịch vụ Phú Quới (xã Yên Luông) với quy mô liên kết 7,11 ha/27 hộ; thực hiện hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, giống rau cho nông dân tham gia liên kết trong năm 2020 và thực hiện hỗ trợ bao bì cho HTX trong 3 chu kỳ sản xuất trong 3 năm.
HTX hỗ trợ theo kế hoạch đã phê duyệt và linh hoạt trong thực hiện kết nối với công ty phân bón hỗ trợ nông dân phân bón hữu cơ, hướng dẫn cho hộ dân sản xuất rau theo hướng hữu cơ. Sau khi kết thúc liên kết, HTX mở rộng diện tích liên kết lên 12,36 ha/44 hộ, trong đó duy trì 80% hộ dân cũ tham gia liên kết và 20% hộ mới tham gia.
Tương tự, kế hoạch liên kết tiêu thụ lúa của HTX Nông nghiệp Hưng Hòa (xã Long Vĩnh) với quy mô 34,97 ha có 56 hộ tham gia theo chuỗi giá trị từ cung ứng giống, vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ lúa cho thành viên.
Theo đó, HTX triển khai liên kết Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh để cung ứng giống, liên kết với hộ kinh doanh để thực hiện cung ứng vật tư trong sản xuất; ở đầu ra, HTX liên kết với Công ty TNHH Vinh Hiển để tiêu thụ lúa ổn định cho thành viên.
Theo đánh giá của UBND huyện Gò Công Tây, việc liên kết giúp thành viên HTX sản xuất, tiêu thụ được ổn định, giảm chi phí sản xuất và nâng cao được thu nhập. Việc tham gia mô hình liên kết hạn chế được tình trạng ép giá trong tiêu thụ, sản phẩm nông nghiệp làm ra được các doanh nghiệp bao tiêu thu mua, nâng cao thu nhập cho nông dân tham gia liên kết (cây lúa từ 2,4 - 3,4 triệu đồng/ha, rau màu từ 30 - 45 triệu/ha và bưởi 25 - 40 triệu đồng/ha/năm từ việc mua chung bán chung làm giảm chi phí đầu vào như giống 500 - 1.000 đồng/kg, phân bón từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, giá bán sản phẩm cao hơn ngoài thị trường từ 200 - 300 đồng/kg lúa, rau màu 500 - 2.000 đồng/kg, bưởi 3.000 đồng/kg tùy thời điểm). Từ đó, các HTX tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng cho người tiêu dùng, tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI GIỮA NÔNG DÂN VỚI DOANH NGHIỆP
Theo UBND huyện, bên cạnh những kết quả đạt được, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn một số khó khăn như: Sự bất cập, không thống nhất trong các quy định từ Trung ương gây khó khăn trong triển khai thực hiện chính sách.
Chính sách hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết có tỷ lệ đối ứng cao (70%) nên nhiều doanh nghiệp/HTX chưa mặn mà, còn e ngại hoặc không có khả năng đối ứng. Việc đầu tư hạ tầng chủ yếu sử dụng vốn đầu tư phát triển chưa được quy định cụ thể ở Trung ương về trình tự thực hiện hỗ trợ như thế nào...
Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Minh Hiếu cho rằng, trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục bám sát kế hoạch, chỉ đạo của UBND tỉnh về liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để cho cán bộ cơ sở và người dân hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích lâu dài của việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, nâng cao nhận thức về tinh thần hợp tác.
Đối với tổ chức sản xuất, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp để nâng cao năng lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Mới đây, phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 07, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Nê đề nghị, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục tham mưu để cấp trên có sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao cho cánh đồng liên kết sản xuất, đặc biệt là thiết kế lại đồng ruộng để thuận lợi cho cơ giới hóa, hoàn thiện thủy lợi nội đồng, trạm bơm điện, nâng cấp giao thông, hỗ trợ nông dân mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho các sản phẩm có tham gia liên kết như: Trưng bày, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ tham gia hoạt động số hóa, chống giả và quảng bá sản phẩm OCOP…
Bên cạnh đó là thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả việc triển khai các dự án/kế hoạch liên kết đang thực hiện để đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn quy trình sản xuất, quản lý sâu bệnh theo hướng an toàn, sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất và tiến hành bao trái đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Đồng thời, khuyến khích mở rộng, liên kết sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh tạo vùng sản xuất cung cấp hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhập khẩu và chế biến.
QUẾ ANH - KIM LAN