Huyện Gò Công Tây: Hướng đến xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững

Huyện Gò Công Tây: Hướng đến xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững
6 giờ trướcBài gốc
Kinh tế của huyện Gò Công Tây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là cây trồng chủ lực với diện tích 8.229,68 ha; cây hằng năm 914,93 ha với các loại cây chủ yếu như bắp, dưa hấu; cây lâu năm 5.602,23 ha gồm dừa, bưởi, thanh long và nuôi trồng thủy sản 252,82 ha.
Thanh long xã Đồng Sơn đã được cấp MSVT xuất khẩu.
Thời gian qua, lãnh đạo huyện luôn quan tâm, chỉ đạo nâng cao giá trị nông sản, nhất là việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất, tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh cho các loại nông sản địa phương.
Đặc biệt được Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn việc thực hiện công tác về MSVT, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, UBND huyện đã ban hành các văn bản triển khai hướng dẫn quy định, danh mục hồ sơ cấp/duy trì MSVT phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, tổ chức tập huấn cấp và quản lý MSVT cho lãnh đạo, công chức nông nghiệp, HTX của các xã trên địa bàn huyện.
Cùng với đó, hằng năm, UBND huyện đều ban hành kế hoạch về thực hiện công tác đề nghị cấp, quản lý MSVT trên địa bàn huyện Gò Công Tây; xây dựng và phổ biến quy trình tạm thời về cấp, quản lý MSVT, cơ sở đóng gói và các tài liệu hướng dẫn của ngành Nông nghiệp tỉnh đến các xã, tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp MSVT, cơ sở đóng gói trên địa bàn huyện.
4 MSVT xuất khẩu đã cấp, trong đó MSVT của Công ty TNHH TMDV XNK Vina T&T đã xuất thanh long qua thị trường Hoa Kỳ với sản lượng 792 tấn; MSVT dừa tươi xã Thạnh Nhựt, đơn vị được cấp đang ký hợp đồng với HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát với sản lượng 10.644 tấn.
Đối với MSVT thanh long và dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, HTX chỉ tiêu thụ trong nước thông qua các vựa thanh long ở huyện Chợ Gạo.
Huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn tuyên truyền MSVT; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tập huấn tư vấn, hướng dẫn ghi chép nhật ký canh tác, thiết lập vùng trồng cho nông dân.
Đồng thời, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho cán bộ, HTX và nông dân tham gia vùng trồng xuất khẩu về công tác cấp, quản lý MSVT, cơ sở đóng gói tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tỉnh Bến Tre; tham gia vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu của Công ty TNHH XNK Trái cây MeKong tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Gò Công Tây Lê Thị Thanh Minh, việc thực hiện công tác về MSVT luôn được lãnh đạo huyện quan tâm, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, có sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả từ cấp huyện đến cấp xã trong công tác triển khai thực hiện đăng ký, thiết lập, kiểm tra và giám sát MSVT.
Công tác kiểm tra, giám sát đối với các MSVT được thực hiện thường xuyên. Thông qua công tác này, đơn vị chức năng đã tuyên truyền cho các HTX, nông dân hiểu mục đích, ý nghĩa của việc thiết lập MSVT cũng như các điều kiện sản xuất an toàn để phục vụ xuất khẩu. Từ đó, nông dân quan tâm phối hợp thực hiện tốt công tác này.
Tính đến tháng 4-2025, toàn huyện thực hiện được 41 MSVT, được cấp MSVT là 37/41 trong đó: Nội địa 33 MSVT được cấp mã; xuất khẩu thực hiện 8 MSVT, trong đó được cấp mã 4 MSVT, còn 4 MSVT đang chờ nước nhập khẩu cấp mã xuất khẩu.
Việc kiểm tra, giám sát MSVT được thực hiện theo quy định, 100% vùng trồng đều đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Trong năm 2025, huyện sẽ thực hiện 20 MSVT (17 MSVT nội địa và 3 MSVT xuất khẩu) với diện tích 1.099,3 ha trên cây lúa, dừa, bưởi…
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO NÔNG SẢN CÓ MSVT
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình thực hiện MSVT còn một số khó khăn như: Việc ghi chép nhật ký canh tác, sinh vật gây hại, sổ theo dõi số lượng quá lớn do diện tích canh tác nhỏ; vùng trồng sản xuất nhỏ lẻ, trồng xen nhiều loại cây trồng gây khó khăn trong công tác quản lý dịch hại, không áp dụng đồng nhất các quy trình kỹ thuật, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu…
Dừa tươi xã Thạnh Nhựt đã được cấp MSVT xuất khẩu.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những khó khăn còn tồn tại, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn, thiết lập mới và duy trì các vùng trồng đã được cấp MSVT trên địa bàn huyện; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cho hộ sản xuất trong vùng được cấp mã số, trọng tâm hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất, quản lý sâu bệnh theo hướng an toàn, sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất và tiến hành bao trái đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, thời gian tới, UBND huyện có ý kiến tham mưu để cấp trên có sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao cho cánh đồng liên kết sản xuất, đặc biệt là thiết kế lại đồng ruộng để thuận lợi cho cơ giới hóa, hoàn thiện thủy lợi nội đồng, trạm bơm điện, nâng cấp giao thông, hỗ trợ nông dân mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm cho các sản phẩm có tham gia liên kết như: Trưng bày, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP, hỗ trợ tham gia hoạt động số hóa, chống giả... Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả việc triển khai các dự án/kế hoạch liên kết đang thực hiện.
Huyện cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn cho hộ sản xuất trong vùng được cấp MSVT, trọng tâm là hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất, quản lý sâu bệnh theo hướng an toàn, sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất và tiến hành bao trái đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Tiếp đó là khuyến khích mở rộng, liên kết sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh tạo vùng sản xuất cung cấp hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhập khẩu và chế biến.
Đồng thời, khuyến khích mở rộng, liên kết sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh tạo vùng sản xuất cung cấp hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhập khẩu và chế biến. Cùng với đó là thực hiện kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp, HTX và các hộ sản xuất trong vùng trồng được cấp mã số về việc tuân thủ các biện pháp quản lý dịch hại, bao trái, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công tác nhập phần mềm điện tử.
Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ kỹ thuật về MSVT, quản lý chất lượng nông sản và truy xuất nguồn gốc. Huyện tạo điều kiện cho các vùng trồng có MSVT kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu và các kênh phân phối hiện đại.
Song song với đó là hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện có MSVT, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm, góp phần khẳng định vị thế của nông sản Gò Công Tây trên thị trường trong và ngoài nước.
HOÀI THU - KIM LAN
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/kinh-te/202505/huyen-go-cong-tay-huong-den-xay-dung-chuoi-gia-tri-nong-san-ben-vung-1042160/