Mai Châu - cái tên gợi nhớ những thung lũng xanh mướt, những nếp nhà sàn ẩn mình trong sương sớm. Mảnh đất này không chỉ có cảnh đẹp làm say lòng người, mà đang rục rịch chuyển mình, đánh thức những tiềm năng còn ngủ yên. Không phải bằng phép màu nào xa xôi, mà bằng chính nội lực từ đất, từ thiên nhiên xinh đẹp và sự đoàn kết, ý chí vươn lên của người dân nơi đây. "Chìa khóa" như những cán bộ tâm huyết của huyện vẫn thường trăn trở nằm ở việc làm sao để "đón" được nhà đầu tư và khơi dậy sức mạnh của kinh tế tập thể - những mảnh ghép tưởng chừng như đơn sơ nhưng lại mang trong mình sức bật mạnh mẽ.
Thành viên Hợp tác xã Hương Xuân, xã Mai Hịch (Mai Châu) phân loại dược liệu trước khi sơ chế.
Công cuộc "trải thảm" đón nhà đầu tư ở Mai Châu không chỉ nằm trên giấy tờ, mà là những bước chân thực địa đầy quyết tâm. Những vướng mắc dần được tháo gỡ, mặt bằng được bàn giao, tạo điều kiện để những dự án "cắm mốc" trên đất Mai Châu. Từ năm 2024 đến nay, nhìn vào con số 23 dự án đã được giải phóng mặt bằng với tổng diện tích trên 1,7 triệu m2, trong đó có 2 dự án đã hoàn thành, cảm nhận rõ sự chuyển động. Con số này không chỉ là những m2 đất, mà là không gian cho những công trình trọng điểm, khu du lịch, những mô hình sản xuất sắp hình thành, hứa hẹn mang đến sinh kế mới cho bà con.
Song song với đó, bộ mặt đô thị thị trấn Mai Châu cũng dần thay đổi. Những dự án phát triển đô thị được đẩy nhanh tiến độ, từng bước hiện thực hóa mục tiêu biến Mai Châu thành đô thị loại IV vào năm 2030. Đó là tầm nhìn xa, nhưng cũng là động lực để mỗi người dân ý thức hơn về sự phát triển của quê hương mình.
Ngoài đánh thức tiềm năng từ nguồn đầu tư bên ngoài, những hợp tác xã (HTX) tại các địa bàn lần lượt ra đời, trở thành những "hạt nhân" kết nối người nông dân với doanh nghiệp, thị trường. Mô hình liên kết "nông dân - HTX - doanh nghiệp" không còn là lý thuyết suông, mà đang chứng minh hiệu quả bằng việc giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập và mở rộng đầu ra cho nông sản địa phương. Ở Mai Châu, nhắc đến kinh tế tập thể là nhắc đến những sản phẩm mang đậm hồn cốt văn hóa dân tộc như: rau hữu cơ tươi ngon, thổ cẩm rực rỡ sắc màu, đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo… Những sản phẩm này được chú trọng về chất lượng, mẫu mã và được kết nối chặt chẽ với ngành du lịch - thế mạnh của Mai Châu. Giá trị sản phẩm được nâng cao, tạo việc làm ổn định, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Điển hình như HTX Hương Xuân ở xã Mai Hịch. Chị Hà Thị Lệ, Giám đốc HTX chia sẻ về hành trình đưa những sản phẩm từ dược liệu địa phương ra thị trường. Từ bột đắp đa năng, trà dược liệu đến dầu gội, xà phòng… đến đưa sản phẩm trà Thành Ngạnh đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đó là câu chuyện về sự sáng tạo, về việc biến những gì sẵn có trên mảnh đất quê hương thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tạo sinh kế bền vững cho những người dân sống dựa vào rừng.
Đồng chí Hà Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu trăn trở khi nhìn nhận xuất phát điểm kinh tế của huyện còn thấp, nguồn lực đầu tư hạn chế. Nhu cầu về vốn để đầu tư hạ tầng là rất lớn, trong khi việc huy động từ các nguồn lực khác còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, Mai Châu đang dồn lực đầu tư vào hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai được siết chặt để đảm bảo sự đồng bộ trong phát triển. Tiểu thủ công nghiệp được định hướng phát triển bền vững, đặc biệt là chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và khôi phục các ngành nghề truyền thống. Những công trình đầu tư công đang được triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Đó là những "viên gạch" vững chắc tiếp theo đặt nền móng cho tương lai của Mai Châu.
Hải Đăng