Huyện Thạch Thất: Phát triển trên nền tảng truyền thống

Huyện Thạch Thất: Phát triển trên nền tảng truyền thống
11 giờ trướcBài gốc
Đây cũng là một trong những địa phương hội tụ nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc của Thủ đô, không chỉ mang giá trị về văn hóa của quê hương, mà còn có giá trị to lớn về phát triển kinh tế, du lịch trong thời kỳ mới.
Làng nghề làm quạt giấy tại thôn Chàng Sơn, xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất).
Vùng đất đa nghề
Chúng tôi tìm về thôn Chàng Sơn, xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Tây, để được “mục sở thị” ngôi làng có tuổi đời hàng nghìn năm nổi tiếng với nghề mộc truyền thống.
Theo bà Chu Thị Liên, Trưởng thôn 1, Chàng Sơn là một trong những làng nghề lâu đời nhất nước ta; trải qua hàng nghìn năm, người dân nơi đây vẫn giữ nghề và đưa nghề ngày càng phát triển. Hiện sản phẩm của làng nghề đã chiếm lĩnh các thị trường lớn trên địa bàn cả nước. Sự tài hoa, khéo léo của người thợ Chàng Sơn đã để lại dấu ấn đậm nét ở nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng của nước ta.
Từ xa xưa, người Chàng Sơn đã tham gia xây dựng đền thờ thánh Tản Viên và sau nữa là làm chùa Tây Phương - Di tích quốc gia đặc biệt, với hơn 70 pho tượng, trong đó có 18 pho tượng La Hán. Thợ Chàng Sơn còn sang Bắc Kinh xây dựng Thiên An Môn cùng với thợ Trung Quốc. Cách đây khoảng 20 năm, thợ Chàng Sơn đã phục chế một số công trình văn hóa tiêu biểu của Hà Nội, như Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Hà, chùa Bạch Mã và rất nhiều ngôi chùa cổ khác...
Rời Chàng Sơn, chúng tôi đến làng nghề truyền thống chè kho Đại Đồng. Đây là món bánh đặc sản dân dã, thơm ngon nức tiếng, được các thế hệ người dân xã Đại Đồng gìn giữ. Đến nay, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, những thợ nghề làm bánh của Đại Đồng đã đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ để nâng tầm sản phẩm chè kho Đại Đồng, cho ra thị trường sản phẩm vừa kết hợp được tinh hoa cổ truyền, vừa có mẫu mã mới mẻ, bắt mắt.
Sinh ra và lớn lên tại làng nghề, chị Kiều Thị Thu Hà, thành viên sáng lập Cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống Bằng An chia sẻ, để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, cơ sở đã đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 22.000:2018, theo quy trình khép kín từ nguyên liệu đến khâu đóng gói sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, vừa giữ được hương vị truyền thống, vừa đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trên địa bàn huyện Thạch Thất hiện có 59 làng với 50 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống, như làng nghề cơ kim khí Phùng Xá; mộc, may Hữu Bằng; mây, tre giang đan Bình Phú; bánh chè lam Thạch Xá; chè kho Đại Đồng; mộc Chàng Sơn, Canh Nậu, Dị Nậu; làm nhà gỗ cổ truyền Hương Ngải... Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, huyện đã hỗ trợ các hộ dân, doanh nghiệp tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đến nay có 162 sản phẩm OCOP, trong đó có 116 sản phẩm đạt 4 sao, 46 sản phẩm 3 sao. Các làng nghề đã tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn, đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; tạo nhiều công ăn, việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống làng nghề.
Phát triển làng nghề gắn với văn hóa, du lịch
Với sự phong phú, đa dạng, độc đáo, các làng nghề truyền thống của Thạch Thất còn được bảo tồn, phát huy các giá trị gắn với phát triển du lịch. Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) đã cấp công nhận nhãn hiệu tập thể cho 5 sản phẩm làng nghề (chè lam Thạch Xá; mộc Chàng Sơn; chè kho Đại Đồng; cơ, kim khí Phùng Xá; mộc, xây dựng nhà kẻ truyền xã Hương Ngải).
Ngoài ra, Thạch Thất còn là vùng đất cổ, mang đậm nét văn hóa xứ Đoài, có tiềm năng du lịch phong phú, với 209 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có 34 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 66 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố... Trên địa bàn huyện cũng đang bảo tồn 92 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 27 lễ hội, 13 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 15 nghề thủ công, 22 tri thức dân gian, 13 tập quán xã hội và 2 ngữ văn dân gian, 18 di sản được ưu tiên bảo vệ. Hiện tại, trên địa bàn huyện Thạch Thất đã hình thành một số điểm du lịch sinh thái thu hút du khách như Khu du lịch sinh thái Quang Huy, Hoàng Long; Khu sinh thái du lịch nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh...
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, huyện đang tập trung chỉ đạo duy trì sản xuất công nghiệp tại các cụm công nghiệp làng nghề và các làng nghề; giải quyết, tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc tại 7 cụm công nghiệp đang hoạt động và Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá (giai đoạn 2). Ngoài ra, để nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống, huyện còn phối hợp với các sở, ngành thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan, môi trường, nhất là tại các làng nghề; nâng cao kỹ năng ứng xử văn minh ở các làng nghề kết hợp với du lịch.
Huyện cũng có cơ chế hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề, sáng tạo những sản phẩm mới, có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá thành hạ, nhằm tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống của người lao động tại địa phương có ngành nghề truyền thống phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp làng nghề cần tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề; đầu tư cải tiến máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm, thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển du lịch làng nghề gắn với Chương trình OCOP. Việc phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, trên nền tảng làng nghề truyền thống và các sản phẩm OCOP đã góp phần tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao đời sống cho người dân; đồng thời, phát huy giá trị di sản, văn hóa, lịch sử, sản phẩm làng nghề. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 trên địa bàn huyện đạt 100 triệu đồng; toàn huyện chỉ còn 22 hộ nghèo và hộ cận nghèo còn 1.680 hộ...
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), huyện Thạch Thất tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước; tiếp tục ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu học tập, lao động và công tác, quyết tâm, chung sức, chung lòng xây dựng Thủ đô nói chung và huyện Thạch Thất nói riêng ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Ngọc Quỳnh
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/huyen-thach-that-phat-trien-tren-nen-tang-truyen-thong-680637.html