Trong năm 2025, UBND huyện Thanh Bình triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số (CĐS), hướng tới xây dựng Chính quyền số (CQS) trên nhiều lĩnh vực. Công tác CĐS nhằm đổi mới trong hoạt động của bộ máy chính quyền, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình chủ trì cuộc họp đánh giá và đề xuất giải pháp để nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, chuyển đổi số năm 2025
TRIỂN KHAI NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Xác định rõ xây dựng CQS là một trong những mục tiêu then chốt, UBND huyện Thanh Bình đã tập trung đầu tư hạ tầng số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và triển khai nhiệm vụ. Những nỗ lực này hướng đến việc tạo ra bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả, minh bạch và phục vụ người dân được tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình cho biết, công tác triển khai nhiệm vụ CĐS của huyện luôn bám sát chủ trương, định hướng của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh. Huyện phát huy vai trò của từng thành viên Ban Chỉ đạo CĐS, xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong việc triển khai CĐS một cách hiệu quả. UBND huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về CĐS tại các đơn vị, địa phương.
Về thể chế số, huyện đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhằm tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho việc đẩy mạnh CĐS, gắn kết chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng công nghệ. Đồng thời, huyện phối hợp với các ngành chuyên môn xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, kết nối và chia sẻ dữ liệu của các nền tảng số, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh. Huyện ban hành, triển khai các văn bản, chính sách thúc đẩy CĐS, phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực; thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin, CĐS; nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh.
Đối với nhân lực số, huyện đã rà soát, kiện toàn các đơn vị và đội ngũ cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về CĐS ở các ban, ngành và UBND cấp xã. Các chương trình bồi dưỡng, tập huấn về CĐS được tổ chức thường xuyên cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Huyện cũng phối hợp chặt chẽ với các nhà mạng viễn thông để phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, đồng thời tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng, thông tin cần thiết cho lực lượng này.
Về an toàn thông tin mạng, huyện đặt mục tiêu đảm bảo 100% hệ thống thông tin đang vận hành được phê duyệt hồ sơ cấp độ theo quy định. Công tác kiểm tra, đôn đốc các đơn vị triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ phê duyệt được thực hiện nghiêm túc; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Việc đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ về trang thiết bị, giải pháp kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin được ưu tiên, đặc biệt là các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin theo yêu cầu của Đề án 06.
Trong lĩnh vực CQS, huyện tiếp tục khai thác hiệu quả các nền tảng số dùng chung, duy trì hiệu quả Tổng đài 1022 và triển khai các mô hình điểm của Đề án 06 theo kế hoạch đã ban hành. Huyện đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong quá trình tiếp nhận và giải quyết, đồng thời triển khai cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trong phạm vi quản lý. Việc khai thác, chia sẻ dữ liệu hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh và Quốc gia được chú trọng, đảm bảo. Huyện cũng duy trì hiệu quả các ứng dụng đã triển khai như: hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử công vụ, hệ thống thông tin giải quyết TTHC, hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống thông tin y tế, nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, phần mềm quản lý tiến độ dự án đầu tư, quản lý cán bộ, công chức.
Đội hình Bình dân học vụ số xã Bình Thành (huyện Thanh Bình) đến nhà người dân hướng dẫn cách tạo tài khoản và thực hiện một số dịch vụ công trực tuyến
CHUYỂN ĐỔI SỐ SÂU RỘNG NHIỀU LĨNH VỰC
Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong CĐS. Trong đó, đảm bảo chỉ tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức trong ngành được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cơ bản; 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực nông nghiệp quản lý. Huyện phối hợp với Công ty Cổ phần Rynan xây dựng và đưa vào sử dụng các phần mềm như: hệ thống giám sát côn trùng thông minh ứng dụng AI, thiết bị đo mực nước cho mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Việc ứng dụng thiết bị bay không người lái trong các khâu sản xuất lúa đạt khoảng 80% diện tích.
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thanh Bình, quý 1/2025, ngành nông nghiệp tích cực hướng dẫn các hợp tác xã, hội quán và nông dân ứng dụng công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm lúa, xoài, với hơn 463 tài khoản được tạo và sử dụng. Huyện có 11/33 hợp tác xã, hội quán ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc; 13 xã, thị trấn đã thực hiện báo cáo số liệu sản xuất nông nghiệp định kỳ trên nền tảng CĐS nông nghiệp (VDAPES).
Huyện Thanh Bình từng bước thực hiện lộ trình CĐS trong lĩnh vực y tế, số hóa và xây dựng dữ liệu nền, cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Danh mục dữ liệu đã được số hóa được cung cấp để tích hợp, chia sẻ cho các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước. Đến quý 1/2025, 100% cơ sở y tế trực thuộc Trung tâm Y tế huyện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ người dân được tạo hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 92%, với hơn 133.760 hồ sơ và trên 124.330 lượt khám, chữa bệnh. 100% các đơn vị trực thuộc Trung tâm Y tế triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Đặc biệt, việc triển khai mô hình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, với tỷ lệ tra cứu thành công đạt trên 62%.
Tổ công nghệ số cộng đồng ấp Tân Thuận A (xã Tân Phú, huyện Thanh Bình) ra quân hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng tiện ích trên điện thoại
Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với nhà mạng viễn thông trang bị hệ sinh thái giáo dục thông minh cho 55 đơn vị trường học, với nhiều tiện ích như: quản lý văn bằng, học bạ số, con dấu số, hồ sơ giáo dục, quản lý giáo án và thư viện số. Về hạ tầng số, huyện đã trang bị 13 phòng họp trực tuyến cho Phòng Giáo dục và Đào tạo và 12 điểm trường THCS.
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình cho biết, trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị khẩn trương đề xuất chủ trương đầu tư công nghệ thông tin theo Đề án CĐS. Huyện tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số DTI (Bộ chỉ số đánh giá CĐS), tổ chức đào tạo kiến thức, kỹ năng CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức, ưu tiên cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm về CĐS. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS, triển khai các giải pháp đẩy mạnh công dân số và tiếp tục rà soát, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.
Với sự quyết tâm cao và đầu tư cho CĐS, huyện Thanh Bình đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng CQS hiệu quả, minh bạch, góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương.
DƯƠNG ÚT - KIỀU TRANG