Trung úy Hồ Viết Đen (phải) và tác giả
“Những con hổ xám đường 14”
Được sự giúp đỡ của nữ Bí thư Huyện ủy Nam Đông Trần Thị Hoài Trâm, tôi đã may mắn tiếp cận “những con hổ xám đường 14” hiện đang còn sống. Đó là ông Hồ Viết Đen ở xã Thượng Long và ông Hồ Văn Càng ở xã Thượng Lộ. Dù đã ở độ tuổi trên 80 nhưng cả hai đều còn hoạt bát, minh mẫn.
“Những con hổ xám đường 14” là biệt danh mà nguyên Thành đội trưởng Huế Thân Trọng Một dùng để tôn vinh một trung đội bộ đội địa phương Quận 4 miền Tây Thừa Thiên, do ông A Lơn chỉ huy.
Tháng 8/1968, ở khu vực động Mang Chang trong thế “tứ bề thọ địch”, để tránh bị đối phương vây bắt, Thành đội trưởng Huế Thân Trọng Một đã cho gọi Trung đội trưởng A Lơn đến và giao nhiệm vụ. Y lệnh, mấy ngày liền Trung đội A Lơn tổ chức đánh cầm chân, thu hút đối phương. Cuộc giải vây ngoạn mục này đến bây giờ vẫn được nhiều cựu chiến binh nhắc đến.
Sở dĩ Thành đội trưởng Thân Trọng Một đặt trọn niềm tin vào “những con hùm xám” là vì ông biết Trung đội A Lơn trước đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ đường 14 mà Tỉnh đội Thừa Thiên đã giao.
Trung úy Hồ Văn Càng (phải) và Thượng tá Nguyễn Văn Piu - Chính trị viên Huyện đội Nam Đông
Trung đội A Lơn là nơi tập hợp những trai tráng của con em đồng bào Cơ Tu, một tộc người sống ở đầu nguồn nước, trước Cách mạng tháng 8/1945 nổi tiếng với tập tục “săn cầm thú và đầu người”. Họ được Đảng và Bác Hồ vận động, giác ngộ từ bỏ tập tục cũ và theo cách mạng, đặc biệt là sau cuộc nổi dậy ở miền núi Thừa Thiên vào tháng 10/1960.
Nhanh nhẹn, dũng cảm và có sức chịu đựng dẻo dai là phẩm chất của người Cơ Tu và sau khi họ trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”, từ một tiểu đội được hình thành cuối năm 1960, đến năm 1963 đã phát triển thành trung đội do A Lơn làm Trung đội trưởng. Sau Hiệp định Paris 1973, Trung đội A Lơn phát triển thành Đại đội Ba Tơ hay còn gọi là Đại đội Vệ binh, gồm 45 cán bộ, chiến sĩ do Hồ Viết Đen (quê Thượng Long) làm Đại đội trưởng.
Đáng chú ý là trong đại đội này có một đơn vị mang tên Trung đội A Lơn do ông Kìm Văn Vượt làm Trung đội trưởng. Điều này cho thấy, dù cuối năm 1969, ông A Lơn đã rời đơn vị nhận nhiệm vụ mới nhưng Tỉnh đội Thừa Thiên và đồng đội vẫn quý mến ông.
Nhận xét về thủ trưởng của mình, ông Hồ Viết Đen chỉ ngắn gọn: “Dưới sự chỉ huy của đồng chí A Lơn, đơn vị đã chiến đấu dũng cảm, đánh trận nào thắng trận đó. Đồng chí A Lơn chỉ huy chiến đấu rất giỏi, không chỉ nổi tiếng trên quê hương Quận 4 (huyện Nam Đông hiện nay) mà còn nổi tiếng ở cả Quận 3 (huyện A Lưới hiện nay). Nhờ chỉ huy giỏi mà trải qua chiến tranh, cả trung đội chỉ có 10 người hy sinh, chủ yếu vì trúng bom và đạn pháo”.
Năm 1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Để ngăn chặn các lực lượng cách mạng từ miền núi A Lưới, Nam Đông xâm nhập đồng bằng, quân đội Mỹ đã rải chất độc hóa học làm trụi lá cây, tung biệt kích, thám báo lùng sục hậu cứ, kho tàng và dùng máy bay ném bom, bắn pháo đánh phá ác liệt.
Để bảo vệ hậu cứ, Tỉnh đội Thừa Thiên đã giao nhiệm vụ cho trung đội vũ trang do ông Cu Tập chỉ huy bảo vệ tuyến đường 12 và trung đội vũ trang do ông A Lơn chỉ huy bảo vệ đường 14 và sông Hai Nhánh.
Ông Hồ Viết Đen nhớ lại: Trung đội A Lơn lúc đó có 30 cán bộ, chiến sĩ và được phân thành 3 tiểu đội. Ông Kìm Văn Vượt (quê Thượng Nhật) chỉ huy Tiểu đội 1; tôi - Hồ Viết Đen (quê Thượng Long) chỉ huy Tiểu đội 2 và ông Phạm Văn Doan (quê Thượng Long) chỉ huy Tiểu đội 3. Nhờ cùng ngôn ngữ (vì có chiến sĩ không biết tiếng người Kinh) và chung tập quán nên chúng tôi coi nhau như anh em, đồng lòng làm tốt nhiệm vụ mà Trung đội trưởng A Lơn phân công.
Trong 2 năm 1966-1967, Trung đội A Lơn tập trung bảo vệ tuyến đường 14, cụ thể là từ vùng Bắc Truồi - Phú Lộc cho đến sông Hai Nhánh - Hương Thủy. Lúc này Mỹ chưa rải chất độc hóa học nên đồi núi và vùng giáp ranh nơi đây cây cối còn um tùm. Hàng ngày, chúng tôi cử những chiến sĩ leo trèo giỏi tìm những cây cao nhất và biến nó thành “đài quan sát”. Nhờ được trang bị ống nhòm nên khi phát hiện địch đổ quân ở đồi hay vạt rừng nào là anh em cấp tốc về báo cho đơn vị. Tùy theo số lượng máy bay thả quân, Trung đội trưởng A Lơn khi thì cử tổ 3 người có lúc cử cả tiểu đội bám sát, theo dõi và tập kích tấn công...
Từ sông Hai Nhánh đến sông Hữu Trạch
Kể về trận đánh Mỹ đầu tiên của Trung đội A Lơn, ông Hồ Viết Đen cho biết: Hôm đó là ngày 26/6/1966, tại phía bắc đèo La Hy, sau khi phát hiện 2 chiếc máy bay trực thăng Mỹ đổ quân xuống khu vực Vũng Vàng, đồng chí A Lơn đã cử Trung đội phó Kìm Văn Căng (năm 1969 hy sinh ở khe Lama) chỉ huy bám địch. Lợi dụng địch đang dựng lều bạt, trung đội đã bất ngờ tấn công diệt gọn toán biệt kích; trước khi rút, kịp thu được 7 súng.
Để đảm bảo đánh trận nào thắng trận đó, Trung đội trưởng A Lơn luôn nhắc nhở các tiểu đội: “Mình ít, địch nhiều. Mình chủ động, địch bị động. Muốn đánh thắng phải đợi địch dồn quân tập trung rồi bất ngờ tấn công. Có như thế mới diệt gọn. Không chắc thắng, không đánh”.
Trung úy Hồ Văn Càng, quê ở Thượng Lộ, năm 1964 gia nhập Trung đội A Lơn và trở thành lính Tiểu đội 3 do ông Phạm Văn Doan làm tiểu đội trưởng. Kể về trận đánh Mỹ đầu tiên của mình, ông Cang cho biết:
Đó là ngày 20/7/1966, hôm ấy trời có trận mưa dông rất to. Tổ 5 người gồm tôi - Hồ Văn Càng, Kìm Văn Kăn, Kìm Văn Vượt (quê Thượng Nhật), Kìm Văn Linh (quê Thượng Long) và Nguyễn Văn Phên (quê Hương Lâm) đang trên đường tuần tra thì phát hiện một trực thăng đổ quân xuống vùng Khe Sến - phía tây bắc đèo La Hy.
Chúng tôi đeo bám, qua ống nhòm thấy lính Mỹ đang căng bạt che mưa nên quyết định tấn công. Tiếp cận mục tiêu vừa lúc chúng đang nằm nghỉ trong lều. Chúng tôi chặn bốn hướng và đồng loạt nổ súng. Toán biệt kích Mỹ không tên nào sống sót. Vũ khí thu được chúng tôi ném xuống khe (sẽ về lấy sau), còn thứ gì ăn được nhặt đem về.
Từ giữa năm 1968, chiến sự trở nên ác liệt. Sau khi “bình định nông thôn”, quân đội Mỹ huy động lực lượng đánh phá vùng núi. Sau khi thả bom phạt cây dọn bãi, chúng dùng trực thăng chuyên dụng cẩu máy xúc, máy ủi lên các mỏm núi cao. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần vừa san gạt vừa đào đắp công sự phòng thủ, quân đội Mỹ đã xây xong một căn cứ hỏa lực quân sự không chỉ có mặt bằng cho trực thăng đáp, mà còn có cả trận địa pháo. Năm 1969, cả vùng Nam Đông - A Lưới có đến 30 căn cứ như thế. Đây chính là nơi xuất phát những cuộc hành quân đánh trực diện vào hậu cứ của ta.
Cục diện chiến trường thay đổi nên địa bàn hoạt động của Trung đội A Lơn ngày càng nới rộng. Từ chỉ đảm nhận bảo vệ vùng giáp ranh của tuyến đường 14, sau Xuân 1968, Trung đội A Lơn được Thành đội Huế giao đảm trách bảo vệ thêm tuyến hành lang từ sông Hai Nhánh đến giáp bờ nam sông Hữu Trạch. Trên tuyến hành lang này ít có căn cứ quân sự của Mỹ, nhưng đây là nơi biệt kích, thám báo thường xuyên xâm nhập, đặc biệt là sau trận vây bắt bất thành của đối phương ở khu vực động Mang Chang.
Ông Hồ Viết Đen đã cung cấp cho tôi bản liệt kê danh sách gồm thời gian, địa điểm diễn ra các trận đánh. Những trận đánh đó chủ yếu diễn ra ở vùng sông Hai Nhánh, dốc Công Sự, dốc Thanh Niên, dốc Chuối, chân núi Ba Xua, đồi A Pai, Khe K10, khe Vịt, khe Nghĩa, Vũng Vàng, ngã ba Trạm đường dây ông Đức (hay còn gọi là Trạm Đức)…
Ngoài độc lập tác chiến, Trung đội A Lơn còn phối hợp với đơn vị bạn chiến đấu, trong đó nổi bật nhất là trận chống càn kéo dài 5 ngày ở vùng Mụ Nú - khe Xương Voi vào cuối hè của năm 1969. Nhận lệnh của Thành đội, Trung đội A Lơn phối hợp Tiểu đoàn 1 đặc công Huế (Đại đội 3 do Lê Hữu Tòng chỉ huy và Đại đội 1 do Hà Công Lợi chỉ huy) bám địch. Nhờ có hỏa lực hỗ trợ, cộng với lối đánh táo bạo của bộ đội ta, binh sĩ Mỹ đã bỏ cuộc do thương vong nặng nề.
Cuối năm 1970, thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”, binh sĩ Mỹ đã rút khỏi miền núi và lần lượt chuyển giao các căn cứ hỏa lực cho quân đội Sài Gòn.
Thời điểm này, Trung đội A Lơn tập trung đánh địch bảo vệ tuyến đường 14 từ Bắc Truồi đến sông Hai Nhánh.
Cũng trong bản liệt kê do ông Hồ Viết Đen cung cấp, chỉ tính trong hai năm 1971-1972, Trung đội A Lơn tham gia đánh 27 trận, trong đó nhiều nhất là khu vực sông Hai Nhánh (7 trận), vùng núi Bắc Truồi (5 trận), vùng La Hy (4 trận)…
Hiệp định Paris ký kết, Mỹ rút quân. Năm 1973, Trung đội A Lơn phát triển thành đại đội vệ binh bảo vệ các cơ quan của tỉnh. Riêng Trung đội A Lơn vẫn đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường 14 và sông Hai Nhánh cho đến ngày quê hương Thừa Thiên Huế giải phóng. Và chính từ núi rừng Nam Đông - tuyến đường 14, tháng 3/1973, Quân giải phóng đã bất ngờ đánh tan tuyến phòng ngự của đối phương ở Phú Lộc, mở màn cho chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng toàn thắng.
Trở lại Nam Đông lần này, tôi thật sự mừng vui trước những thay đổi ngoạn mục của đô thị vùng núi. Từ thị trấn Khe Tre lên Thượng Long, Thượng Quảng trước đây xa xôi nhưng nay đã trở nên thuận lợi. Sự quan tâm đầu tư của Nhà nước đã hiện hữu qua từng góc phố, lối xóm, ngôi nhà. Đời sống của người dân ngày mỗi sung túc và khấm khá, nhiều gia đình đã sắm được ô tô, con em họ nhiều người trở thành kỹ sư, bác sĩ.
Nam Đông - quê hương của “những con hùm xám” năm xưa đã thật sự đổi thay; tên tuổi của những người có công bảo vệ, làm rạng danh vùng đất này đã được ghi nhận và tên đường A Lơn ở thị trấn Khe Tre là minh chứng.
Tuy vậy, tôi vẫn băn khoăn một điều: Đơn vị bảo vệ tuyến đường 12 của Quận 3 - A Lưới đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, còn Trung đội A Lơn và vị chỉ huy huyền thoại A Lơn bảo vệ tuyến đường 14 và sông Hai Nhánh của Quận 4 - Nam Đông đến nay vẫn chưa được vinh danh, trong khi tên tuổi và chiến công của ông vẫn hằn trong tâm trí nhiều người?
Phạm Hữu Thu