Huyện Thường Tín nâng chất lượng đời sống người dân khi về đích nông thôn mới nâng cao

Huyện Thường Tín nâng chất lượng đời sống người dân khi về đích nông thôn mới nâng cao
11 giờ trướcBài gốc
Nông thôn mới tạo dựng thành điểm nhấn hút khách
Trong khoảng 1 năm trở lại đây, sau chương trình khảo sát du lịch “Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái”, lượng khách đến với điểm làng nghề Hạ Thái và Phúc Am đã đều hơn. Ông Tạ Anh Dũng, Giám đốc bán hàng tại cơ sở Sơn Mài Phúc Cường (xã Duyên Thái) cho biết, đơn vị đã tham khảo tư vấn của doanh nghiệp lữ hành, từ đó điều chỉnh một số hoạt động bán sỉ sang bán lẻ phục vụ khách du lịch.
Xe điện phục vụ du khách tham quan làng nghề. Ảnh: HP
"Trước đây cơ sở tập trung xuất khẩu, tuy nhiên khi xã kết hợp với doanh nghiệp lữ khách đưa khách về trải nghiệm, đón khách du lịch, chúng tôi đã điều chỉnh sản phẩm sao cho nhỏ gọn, phù hợp để khách mang về. Đó là những bức tranh nhỏ đặc trưng về Hà Nội hay khung cảnh làng quê Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi hướng dẫn khách tìm hiểu, trải nghiệm về sơn mài ngay tại cơ sở. Các công ty lữ hành có sự tổ chức bài bản, giúp cơ sở chuẩn bị chu đáo hơn, lượng khách đều hơn, từ đó du khách được phục vụ tốt hơn và ấn tượng hơn", ông Tạ Anh Dũng chia sẻ.
Cũng theo ông Tạ Anh Dũng, thúc đẩy du lịch làng nghề mang lại lợi ích cho cả cộng đồng, tất cả cơ sở sản xuất và tạo ra sự bền vững lâu dài, giúp sản phẩm có đầu ra ổn định, tăng thêm thu nhập cho cả cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, phát triển du lịch giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, có chỗ đứng trên thị trường, tạo dựng những sản phẩm OCOP đặc trưng và góp phần giữ gìn nét văn hóa cũng như nghề truyền thống.
Còn theo bà Hồng Liên, thôn Hạ Thái, từ khi phát triển du lịch làng nghề, nguồn thu nhập đã ổn định hơn. Người dân trong thôn đã quan tâm hơn bảo vệ môi trường cảnh quan. Làm dịch vụ cũng đòi hỏi người tham gia phải chi tiết, tinh tế hơn.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, việc xây dựng nông thôn mới với nhiều tiêu chí về hạ tầng giao thông, xây dựng đời sống văn hóa là những chất xúc tác tạo nền tảng để xây dựng các dịch vụ du lịch. Theo định hướng từ địa phương và liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, thôn Phúc Am và Hạ Thái là điểm đón khách quốc tế nên các dịch vụ đòi hỏi cao cấp hơn từ liên quan đến bãi đỗ xe, cảnh qua, nhân lực, cửa hàng lưu niệm… Việc phát triển du lịch tại xã Duyên Thái không chỉ là dịp để các làng nghề quảng bá sản phẩm, mà còn là cơ hội để thắt chặt thêm tình đoàn kết, phát triển kinh tế bền vững dựa trên các giá trị văn hóa và nghệ thuật.
Xã Duyên Thái đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, nông thôn mới nâng cao năm 2023. Từ năm 2024, xã Duyên Thái được huyện Thường Tín kết hợp với Sở Du lịch triển khai sát, kết nối tour tuyến từ nội đô và mang lại những kết quả ban đầu. Thông tin từ UBND huyện Thường Tín, hiện trên địa bàn huyện được UBND TP công nhận 4 điểm du lịch gồm: Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề sừng Thụy Ứng và điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm. Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Các điểm du lịch này đang được Sở phối hợp với các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ tiến hành khảo sát, kết nối cải thiện dịch vụ để đưa khách đến nhiều hơn, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, việc xây dựng nông thôn mới, sản phẩm OCOP đang là điều kiện thuận lợi phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn”.
Theo UBND huyện Thường Tín, bên cạnh tăng trưởng sản xuất – xây dựng, giá trị thương mại - dịch vụ năm 2024, đạt 22.115 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm trước. Nhờ đó, năm 2024 là năm thứ 4 liên tiếp huyện Thường Tín có mức thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng. Năm 2025, tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện trên 1.436 tỷ đồng.
Về văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, đạt nhiều thành tích cao của thành phố. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, chăm lo, đời sống nhân dân tiếp tục được đảm bảo. Năm 2024, huyện Thường Tín triển khai đồng bộ có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, hết năm 2024 huyện không còn hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo xuống còn 472 hộ, chiếm tỷ lệ 0,61%. Bình quân thu nhập đầu người ước đạt 76,48 triệu đồng/năm.
Người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao
Năm 2020, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín vui mừng đón Bằng công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới”. Kể từ đó đến nay, địa phương không ngừng củng cố và nâng cao các tiêu chí tại các xã nông thôn mới.
Quy trình làm sơn mài Hạ Thái bằng tay thể hiện lòng kiên nhẫn của người thợ. Ảnh: HP
Theo Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, năm 2020, huyện Thường Tín được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2024, toàn huyện có 28/28 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 60,7%). Thị trấn Thường Tín được công nhận là đô thị văn minh, đáp ứng tiêu chí phát triển đô thị trong lòng huyện nông thôn mới. Huyện Thường đã hoàn thành đủ 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, bao gồm: Quy hoạch; giao thông; thủy lợi và phòng, chống thiên tai; điện; giáo dục - y tế - văn hóa; sản xuất - việc làm - thu nhập; môi trường; an ninh trật tự và chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác là trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hàng năm, huyện Thường Tín đều xây dựng kế hoạch cụ thể, cân đối nguồn vốn và các điều kiện để thực hiện. Nhờ đó, huyện không nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Thường Tín cũng là huyện có tỷ lệ hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới rất cao. Theo khảo sát do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội thực hiện, tỷ lệ này lên tới 99,92%, điều đó cho thấy người dân thực sự được hưởng lợi từ thành quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn tới, phát huy thế mạnh của vùng ven đô, truyền thống “đất danh hương, huyện anh hùng”, Thường Tín sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới nâng cao của 17 xã; xây dựng kế hoạch, lộ trình xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tổ chức đánh giá, rà soát, đối chiếu tiêu chí nông thôn mới đối với 11 xã còn lại; triển khai các khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ - văn minh - hiện đại; phát triển du lịch làng nghề gắn với nền tảng văn hóa, lịch sử, trở thành điểm đến hấp dẫn phía Nam Thủ đô
Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, vừa qua đơn vị đã nhận được báo cáo thẩm định của các sở, ngành. Tất cả các đơn vị đều thống nhất cao với kết quả thực hiện của huyện Thường Tín và đồng ý đề nghị cấp có thẩm quyền xét, công nhận huyện Thường Tín đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị bỏ phiếu đề nghị xét, công nhận huyện Thường Tín đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với tỷ lệ 100% thành viên tán thành.
Thường Tín dự kiến là huyện thứ 6 của Hà Nội cán đích, sau các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Oai.
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội
Xuân Lâm/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ha-noi/huyen-thuong-tin-nang-chat-luong-doi-song-nguoi-dan-khi-ve-dich-nong-thon-moi-nang-cao-20250522161939715.htm