Là huyện thuần nông của tỉnh Cà Mau, thời gian qua Huyện ủy, chính quyền và nhân dân huyện Trần Văn Thời không ngừng phấn đấu, nỗ lực, tranh thủ nguồn lực để xây dựng hạ tầng ở nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đến nay, diện mạo của địa phương từ thành thị đến nông thôn đều khởi sắc, đường sá khang trang, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.
Hạ tầng giao thông ở huyện Trần Văn Thời được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang
Theo UBND huyện Trần Văn Thời, năm 2024 địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, hạn hán. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, chính quyền huyện đã chỉ đạo phát triển sản xuất ngày càng có hiệu quả, chất lượng lúa từng bước được nâng lên. Kết quả, thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm với diện tích 2.941ha, sản lượng 13.264 tấn (năng suất trung bình đạt 4,2 tấn/ha); thu hoạch vụ lúa hè thu với diện tích 28.665/28.954ha, sản lượng 14.838 tấn (năng suất bình quân 5,1 tấn/ha). Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân địa phương thực hiện đăng ký kê khai sản xuất ban đầu, nhằm đảm bảo các điều kiện người dân được hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.
Người dân xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời chăm sóc đường hoa trước nhà
Trong năm 2024, toàn huyện xuất chuồng 2.220.000 con gia cầm, đạt 103% kế hoạch. Đàn heo xuất chuồng là 76.000 con, đạt 109,29% kế hoạch. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, bệnh dại trên chó, mèo và công tác kiểm soát giết mổ được thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo chính quyền các địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra công tác ngăn mặn, chống tràn; kịp thời đầu tư, nâng cấp, khắc phục khi có sự cố xảy ra. Kết quả, địa phương đã triển khai thi công 38 công trình, đã nghiệm thu đưa vào sử dụng vào cuối tháng 12.2024.
Bên cạnh đó, hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất được địa phương triển khai thực hiện khá tốt. Công tác quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt trên địa bàn huyện được tập trung chỉ đạo quyết liệt, ngăn chặn, xử lý kịp thời việc đánh bắt, vận chuyển, mua bán cá non.
Tuyến đường hoa trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Trần Văn Thời
Công tác phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp được tăng cường. Toàn huyện Trần Văn Thời có 2.057 phương tiện khai thác và dịch vụ hậu cần thủy sản. Trong đó, có 992/992 tàu thuộc diện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 100%. Các hoạt động phục vụ công tác phòng chống khai thác IUU được tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Cà Mau. Kết quả, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản của địa phương đạt 161.500 tấn (đạt 100,31% kế hoạch).
Người dân huyện Trần Văn Thời tận dụng lợi thế để phát triển du lịch sinh thái
Lĩnh vực phòng chống hạn hán, sạt lở, sụt lún, thiên tai luôn được quan tâm. Theo chính quyền huyện Trần Văn Thời, mùa khô năm 2024 trong điều kiện khô hạn, thiếu nước sinh hoạt, địa phương đã được nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ nhiều dụng cụ chứa nước, khoan giếng nước, đầu tư mở rộng hệ thống nước nối mạng. Qua đó, kịp thời phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân địa phương.
Trên địa bàn huyện Trần Văn Thời hiện có 26 công trình nước sạch nông thôn, với tổng chiều dài đường ống trên 307km. Ngoài ra, địa phương được Công ty dầu khí Vũng Tàu hỗ trợ cho nhân dân ấp Cơi 5B (khu dân cư tập trung) 1 giếng nước với 18 hộ dân được hưởng lợi; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau hỗ trợ xây dựng 2 điểm dự trữ nước mưa (mỗi điểm 2 bồn chứa nước, loại 7.000 lít). Cùng với đó, công tác phòng, chống sạt lở, sụt lún được Huyện ủy, UBND huyện Trần Văn Thời tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Du khách trải nghiệm hoạt động đặt lợp trong rừng tràm
Việc triển khai, thực hiện kế hoạch về kinh tế tập thể được chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt. Theo đó, huyện lựa chọn 2 hợp tác xã (HTX) điểm và 6 HTX vệ tinh đưa vào đề án giai đoạn 2024 - 2030 để thực hiện theo kế hoạch. Các HTX điểm và HTX vệ tinh từng bước thích nghi với cơ chế thị trường, hội đồng quản trị các HTX linh động trong quản lý điều hành, đã ký kết hợp đồng với các đối tác, tiếp thị quảng bá sản phẩm liên doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo được công ăn việc làm cho thành viên HTX.
Toàn huyện Trần Văn Thời hiện có l7 sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 10 sản phẩm xếp hạng 3 sao; có 4 nhãn hiệu tập thể và 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biêu cấp tỉnh. Các sản phẩm từng bước được quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì, mở rộng sản xuất và đã khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Công tác xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành của huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến ở cơ sở để các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng nông thôn mới để tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả; lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời phối hợp chặt chế giữa các cấp, các ngành để hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tô chức thực hiện. Đến nay, toàn huyện Trần Văn Thời đạt tổng số 199 tiêu chí nông thôn mới, tăng 14 tiêu chí so với đầu năm 2024, bình quân mỗi xã đạt 18,09 tiêu chí. Toàn huyện hiện có 10/11 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện đã chọn xã Khánh Bình và Khánh Lộc xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Ngoài ra, các lĩnh vực tài nguyên – môi trương; quy hoạch, xây dựng và giao thông; công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính; văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch; y tế, giáo dục, đào tạo; lao động, thương binh và xã hội; quốc phòng – an ninh; trật tự, an toàn xã hội và an toàn giao thông; thanh tra, tiếp dân và tư pháp; nội vụ; cải cách hành chính, chuyển đổi số, dân tộc, tôn giáo… luôn được địa phương thực hiện đồng bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Mục tiêu của huyện Trần Văn Thời trong năm 2025 là phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hợp lý, tạo bước đột phá phát triển nhanh và bền vững về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển những ngành sản xuất và dịch vụ có tiềm năng lợi thế, có giá trị gia tăng cao; giải quyết tốt các vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục; ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở; chủ động ứng phó với tác động xấu của thiên tai và biến đôi khí hậu; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, chuyển đôi số; tập trung mọi nguồn lực thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh.
Trần Khải