Những người đánh cá tại một con sông bị ô nhiễm ở cộng đồng Bidere tại Ogoniland thuộc vùng đồng bằng châu thổ Nigeria vào ngày 20 tháng 8 năm 2011. Ảnh Reuters
Đây là sự cố thứ hai trong vòng hai tháng liên quan đến đường ống Trans Niger. Hồi tháng Ba, tuyến đường ống này đã phải đóng cửa sau một vụ nổ gây hỏa hoạn.
Ông Nnimmo Bassey, Giám đốc điều hành Tổ chức Health of Mother Earth Foundation, cho biết vụ tràn dầu này xảy ra vào ngày 6/5 và cho đến nay vẫn chưa được khắc phục, điều đó phản ánh sự thờ ơ đáng báo động đối với cuộc sống của người dân địa phương. Ông gọi tình trạng này là “không thể chấp nhận được”.
“Chúng tôi đang sống trong một vùng thảm họa, và bất kỳ tia lửa nào cũng có thể dẫn đến một tai họa mới,” ông Bassey nói. “Việc một sự cố tràn dầu xảy ra cả tuần mà vẫn chưa được ngăn chặn cho thấy rõ lý do vì sao Chính phủ nên tập trung làm sạch Ogoniland thay vì tiếp tục khai thác các giếng dầu mới. Các giếng cũ nên được đóng cửa và dỡ bỏ.”
Ogoniland – một trong những khu vực khai thác dầu thô sớm nhất của châu Phi – đã phải gánh chịu ô nhiễm dầu suốt nhiều thập kỷ, trong khi lợi nhuận chủ yếu chảy vào túi các tập đoàn dầu khí lớn và ngân khố quốc gia Nigeria. Từ lâu, người dân địa phương đã phản ánh tình trạng chất thải độc hại và việc bồi thường không thỏa đáng.
Tập đoàn dầu khí Renaissance Group của Nigeria – hiện sở hữu công ty con trước đây của Shell phụ trách vận hành đường ống này – xác nhận vụ nổ đã xảy ra và cho biết một nhóm điều tra đã được cử đến để xác định nguyên nhân của sự cố tràn dầu.
Với công suất khoảng 450.000 thùng mỗi ngày, Trans Niger Pipeline là một trong hai tuyến đường chính xuất khẩu dầu thô Bonny Light – loại dầu chiến lược của Nigeria, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi.
Hiện chưa rõ liệu đường ống TNP có bị đóng hoàn toàn hay không. Đại diện TNP cũng chưa đưa ra bình luận khi được liên hệ. Tuy nhiên, nếu đường ống bị gián đoạn trong thời gian dài, các nhà vận hành có thể buộc phải tuyên bố “bất khả kháng” đối với các lô hàng Bonny Light.
Phá hoại đường ống và nạn trộm cắp dầu thô là hai trong những nguyên nhân chính khiến các tập đoàn dầu khí lớn như Shell, Exxon Mobil, Total và Eni phải rút khỏi các mỏ dầu trên bờ và vùng nước nông của Nigeria, để tập trung vào khai thác ở vùng nước sâu xa bờ.
Renaissance Group – gồm các công ty khai thác và sản xuất dầu khí Nigeria như Aradel Energy, First E&P, Waltersmith và ND Western, cùng với tập đoàn năng lượng quốc tế Petroline – đã hoàn tất việc mua lại tài sản trên bờ của Shell vào tháng Ba vừa qua.
Yến Anh
Reuters