1. Những ngày này, khi câu nói “vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” đánh động vào muôn triệu trái tim Việt, bất giác tôi nhớ đến tập thơ “Đánh thức sông Hồng” của cây bút thơ nữ miệt thứ Cà Mau - Huỳnh Thúy Kiều. Bởi tập thơ này, như một đúc rút cảm xúc của chị, khi ruổi rong khắp đất nước, ở bất kỳ nơi nào chị đi qua, chất phù sa châu thổ chín nhánh sông Cửu Long cũng quấn quyện vào những miền đất lạ. Lạ thành quen. Quen thành thương. Rồi từ đó, hòa chung hai tiếng quê hương đậm đà trong thơ chị.
Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều.
Huỳnh Thúy Kiều vào Hội Nhà văn Việt Nam cùng năm với tôi. Bận đó hai chị em ríu rít gọi nhau chia sẻ niềm vui, hẹn hò cùng nhau ra Hà Nội dạo phố mùa đông, lên cả kế hoạch ghé phố Phan Đình Phùng chụp hình. Vậy mà chị lỡ hẹn với những ngày cuối đông đất Thủ đô.
Chị bảo tiếc nuối một dịp đặc biệt để hội ngộ cùng Hà Nội, nơi chị rất thích. Chị đã làm nhiều bài thơ về mảnh đất này, có khi là lúc đang ở Hà Nội, cũng có khi đã về lại Cà Mau xa xôi nhưng lòng vẫn bâng khuâng chưa nguôi ngoai cảm xúc.
Những câu thơ của người con gái đến từ xứ đước, xứ mắm vẫn nồng nàn và da diết một niềm thương tưởng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến: “Chưa kịp cầm tiếng dạ miền Tây/ Em vội vã trở về để chiều Hà thành anh ngẩn ngơ cả trời thương nhớ…”; “Những hàng cây cổ thụ trên phố Phan Đình Phùng như đang vẫy tay chào em/ Một miền Tây thân thương qua tiếng cười giọng nói/ Cây sấu giũ lá vàng nhịp chân em đứng đợi/ Trong vắt nỗi niềm châu thổ phía cuối Hồ Gươm…” - Trích "Thư viết cho em từ sông Hồng".
Tôi hay gọi vui Huỳnh Thúy Kiều là “đại ca”. Đại ca Kiều của tôi như một người chị lớn đầy hào sảng, rổn rảng, và đa đoan. Chúng tôi gặp nhau năm 2021, trong một trại sáng tác ở Cần Thơ. Đó là một mùa mưa miền Tây buồn hiu hắt. Phần lớn các trại viên các tỉnh thành phía Bắc đều về dự trại, chỉ ít ỏi các nhà văn, nhà thơ là đến từ miền Nam.
Mỗi buổi chiều mưa ngập cả sân trạm T80 của Quân khu 9, con đường vòng theo hành lang từ các phòng ở của trại viên đến nhà ăn khá dài, thế là cả nhóm văn sĩ hò reo tắm mưa, lội nước bì bõm, băng ngang qua nhà ăn cho tiện. Đấy là lúc chúng tôi quên mất mình bao tuổi. Nghịch mưa như trẻ con. Kéo theo cả Trưởng và Phó trại sáng tác. Tiếng cười giòn át luôn tiếng mưa.
Hai người bày trò nghịch nhất là tôi và Huỳnh Thúy Kiều. Mỗi buổi đi thực tế, khi các nhà văn lên xe, thể nào cái băng ghế cuối cùng cũng dành cho tôi, Huỳnh Thúy Kiều và cây bút thơ trẻ Nguyên Như. Nhóm cuối xe luôn là nhóm “tấu hề” của trại với những màn quăng miếng đối đáp hài hước.
Rộn ràng suốt cả 15 ngày ở trại đó đến nỗi tôi bảo với mọi người chắc lần sau không trại nào dám mời 3 người chúng tôi vào chung một trại. Đọng lại trong tôi là một Huỳnh Thúy Kiều rổn rảng đầy sảng khoái đúng điệu chất lừ bản tính người Nam Bộ.
2. Mới đây thôi, thơ Huỳnh Thúy Kiều đoạt giải Nhất, một cuộc thi thơ ở đảo Trường Sa. Đoàn 100 nhà báo đã đến với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa trên con tàu Kiểm Ngư 290. Cuộc thi viết về biển đảo trên con tàu ấy như một sự chia sẻ cảm xúc, tình yêu với quê hương, với các chiến sĩ đang kiên gan ngày đêm bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
Bài thơ của chị vang lên trên tàu đã khiến biết bao người xúc động. Một cuộc thi văn chương ngắn ngày nhưng ấn tượng thì mãi đong đầy. Bài thơ chị chinh phục không chỉ các thành viên đi chung đoàn, mà còn khiến nhiều chiến sĩ thổn thức nỗi lòng: “Em mang hương đất rừng tràm/ Mặn mòi vị biển Tây Nam quyện vào/ Trường Sa nghe sóng lao xao/ Chiêm bao trăm ngả đổ vào biển Đông...” (Trường Sa anh, tình yêu gửi lại).
Có thể thấy, Huỳnh Thúy Kiều là một giọng thơ nữ rất tình của vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Những câu thơ của chị luôn khởi phát từ nguồn cội quê xứ, rồi phiêu lãng qua khắp vùng trời của dải đất hình chữ S. Từ đất liền đến hải đảo; từ tận cùng Tổ quốc đến địa đầu biên cương; từ phương Nam hai mùa mưa nắng đến miền Bắc xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa rõ rệt…
Kỳ thực, càng đọc lại càng thấy sự đan cài khéo léo hình ảnh của sóng nước Cửu Long hòa quyện vào bất cứ một nơi nào mà gót thơ Huỳnh Thúy Kiều đã đi qua. Những câu thơ thao thiết một tình yêu thể như người con gái đương độ xuân thì chạm đến cái đẹp bằng sự rung động trinh nguyên, chín phần e lệ, một phần buông lơi: “Hà Nội có đành lòng xới tung hết nếp đa đoan? Ba mươi sáu phố phường với em đều bỡ ngỡ/ Qua khỏi mùa đông/ Đi hết bờ cúc họa mi/ Mình hẹn ngày hạnh ngộ/ Chắc anh sẽ say mèm mùi châu thổ Cửu Long em…” (Gửi mùa đông Hà Nội).
Chơi với Kiều “đại ca” càng lâu, lại thấy thơ như một nét đa đoan của chị. Hầu hết các nơi chị đi qua, bạn bè văn chương rất quý chị. Cũng như cái cách mà chị quý mến, sống hết lòng, chơi hết mình với bạn bè. Chỉ cần bạn bè í ới là chị lại mang hết bụng dạ ra đối đãi. Cái tánh nết này, nói thật là rặt bản tánh của người miền Tây thứ thiệt. Có lần chị gọi điện thoại giục mau đưa địa chỉ nhà để chị gửi mắm ba khía lên cho tôi ăn. Thú thật, dân gốc miền Tây ai cũng ghiền cái món mắm này. Ăn với cơm trắng thôi, mà bắt miệng, nhắc đến là thèm thuồng.
Huỳnh Thúy Kiều làm mắm ba khía ngon “nhức nách”, nói theo kiểu người miền Tây, là ngon dữ dằn vô đối. Cả làng văn Cửu Long đều biết tay nghề, nên mỗi mùa ba khía ngon là chị lại làm mắm. Những keo mắm nho nhỏ ấy từ Cà Mau lại lan tỏa đi nhiều tỉnh thành cho bạn văn. Nhưng, không phải lúc nào Kiều cũng làm, cực lắm, lâu lâu hứng chí lên hay có ai nhắc nhớ khiến mình động lòng, thì tay chân Kiều lại động đậy. Thế là làng văn lại có mắm ba khía “Bà Kiều” mà ăn chơi. Kiều là thế, cứ dốc lòng cho bạn bè, chẳng câu nệ mình cực nhọc điều chi.
Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều (thứ 5 từ phải qua) nhận giải Nhất trong cuộc thi sáng tác ở Trường Sa năm 2025.
Thậm chí, tôi còn nghe chuyện khi biết một bạn văn mà mình rất thương quý có con bị bệnh cần số tiền để chữa trị, Kiều không tính toán, chạy xe thẳng đến nhà bạn với mớ tiền mà mình dành dụm được. Dĩ nhiên, hồi ấy số tiền đó là một con số lớn đối với dân viết lách. Cho mượn đó mà không cần biết ngày trả. Bởi với Kiều cái tình nghĩa giữa lúc ngặt nghèo mới quý trọng. Bạc tiền nào mua nổi tình nghĩa đâu. Kiều sống hào sảng nổi tiếng nhất nhì Cà Mau là thế.
3. Nhưng với văn chương, Huỳnh Thúy Kiều không rổn rảng, không hào sàng kiểu ồn ào trên các trang mạng truyền thông, hay viết dữ dội giăng mắc trên khắp các mặt báo. Kiều “đại ca” của tôi lặng thầm, không dùng mạng xã hội, thỉnh thoảng thấy thơ chị trên báo, đôi khi cả năm trời đếm lại chỉ chưa đầy 10 ngón tay. Nhưng trong lặng thầm đó, tôi biết chị vẫn viết. Viết như muôn vàn phù sa bồi vào lòng dạ xứ này để nuôi nấng chữ nghĩa chảy tràn trên trang viết chị.
Gần 20 năm đến với văn chương, Huỳnh Thúy Kiều chỉ mới ra 4 tập thơ và 2 tập tản văn. Giữa những lúc trò chuyện cùng nhau, tôi hay dụ dỗ chị in tiếp đi, bởi khi đọc những bài thơ mới của chị, tôi thấy thơ của Huỳnh Thúy Kiều đang độ chín muồi. Như chính chữ mà PGS-TS Văn Giá dành cho chị: Nồng nã.
Bẵng một thời gian, khi bất chợt đọc tập thơ “Đánh thức sông Hồng” của Huỳnh Thúy Kiều, tôi lại nghĩ đến hai chữ “đa đoan” dành cho nữ sĩ này. Bởi tôi thấy những vùng trời chị đã đi qua, gom lại vừa vặn một bầu trời Tổ quốc trong một thi tập. Dường như đó chỉ là niệm ý mà chị dành cho thơ mình. Một niệm ý trao gửi trữ lượng yêu thương của người đàn bà mang hương sắc tràm, đước, mắm, bần từ miệt thứ cuối đất Việt đến với nhiều nơi mà hữu duyên bước thơ chị đã đi qua. Chị gói ghém yêu thương vào chữ dành cho từ Thủ đô Hà Nội, đến miền cao nguyên đá Hà Giang, hay vùng đất đỏ nồng nàn gió Tây Nguyên, hoặc Cố đô Huế trầm mặc… Gom hết tất thẩy những vùng trời đó, hong đủ đầy cảm xúc, nén vào thơ, ra một Huỳnh Thúy Kiều đa đoan là thế.
Nhưng, suy cho cùng, thơ và phụ nữ đều có một điểm chung, ấy chính là sự đa đoan. Huống hồ phụ nữ làm thơ thì cái đa đoan đến tận cùng thành đa mang. Mang vào mình nhiễu nỗi niềm, mà chỉ có chữ mới biểu thị được kiệt cùng cảm xúc ấy. Với Huỳnh Thúy Kiều, duyên hạnh ngộ cùng chữ là giữ về cho mình một đa đoan rất đậm đà phong vị Cửu Long.
Tống Phước Bảo