Người dân chờ phà để tới thành phố Piraeus (Hy Lạp) trong quá trình sơ tán khỏi đảo Santorini sau các trận động đất liên tiếp ngày 4/2/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Bộ Khủng hoảng Khí hậu và Bảo vệ Dân sự ở Athens, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nêu rõ chính phủ đã huy động mọi nguồn lực để ứng phó với mọi kịch bản có thể xảy ra. Tất cả các kế hoạch dự phòng có liên quan đã được triển khai tại Santorini và các đảo lân cận.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Khủng hoảng Khí hậu và Bảo vệ Dân sự, ông Vassilis Kikilias cho biết 1 tàu bảo vệ bờ biển và 1 tàu đổ bộ đã có mặt tại vùng biển rộng lớn để sẵn sàng cho phương án sơ tán người dân.
Để đảm bảo an toàn, nhà chức trách đã cấm người dân đến một số khu vực ven biển, hạn chế một số điểm thu hút khách du lịch và ra lệnh đóng cửa các trường học trên một số đảo trong tuần này. Các sự kiện công cộng ở Santorini cũng không được phép tổ chức.
Theo Ủy ban liên ngành về xử lý các mối đe dọa và khủng hoảng của Đại học Athens, tổng cộng 6.400 trận động đất đã được ghi nhận ở các đảo Santorini và Amorgos trong khoảng thời gian từ ngày 26/1 đến ngày 3/2. Ủy ban cũng không loại trừ nguy cơ xảy ra một trận động đất mạnh hơn trong thời gian tới, tương tự cảnh báo của một số nhà địa chấn học Hy Lạp trong tuần qua. Đến nay, nhà chức trách chưa ghi nhận báo cáo thương vong trong loạt động đất vừa xảy ra.
Santorini là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của Hy Lạp. Hòn đảo này chỉ có 15.500 cư dân nhưng đón tới 3,4 triệu lượt du khách trong năm 2023. Santorini nằm trên đỉnh một ngọn núi lửa phun trào lần cuối vào năm 1950. Ngày 3/2, các chuyên gia khẳng định các trận động đất liên tiếp "không liên quan đến hoạt động núi lửa". Chính quyền Hy Lạp ước tính khoảng 11.000 người đã rời khỏi Santorini kể từ khi hoạt động địa chấn gia tăng trong tuần qua.
Nguyễn Hằng (TTXVN)