Trong nỗ lực tìm hiểu về Sao Hỏa - hành tinh đang được "chăm sóc" cẩn thận bởi nhiều tàu NASA - các nhà khoa học đã xác định 123 hố va chạm mới chỉ được hình thành trong khoảng thời gian từ tháng 12-2018 đến tháng 12-2022.
49 cái trong số đó có thể đã khiến các nhà khoa học "lạc lối" khi phân tích dữ liệu từ tàu đổ bộ InSight.
Cảnh quan kỳ ảo của khu vực Cerberus Fossae - Ảnh: NASA
Tàu đổ bộ InSight của NASA là một tàu cố định, được sử dụng để đo địa chấn trên hành tinh đỏ. Sau lần liên lạc cuối cùng vào ngày 25-12-2022, InSight đã "chết" do bị bụi Sao Hỏa vùi lấp các tấm pin Mặt Trời.
Thế nhưng trong hơn 2 năm hoạt động, InSight đã kịp phát hiện hơn 1.300 trận động đất trên hành tinh láng giềng của chúng ta.
Các dữ liệu này đã cung cấp nền tảng cho nhiều nghiên cứu đột phá về Sao Hỏa, bao gồm tìm hiểu cấu trúc bên trong của hành tinh này, cũng là hiểu rõ hơn về cách hình thành của tất cả các thế giới đá, bao gồm cả Trái Đất và Mặt Trăng.
Nhưng 2 nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Geophysical Research Letters, dẫn đầu bởi NASA, cho thấy bên trong hành tinh đỏ còn ẩn chứa những điều chưa thể giải thích.
Nổi bật nhất là các dữ liệu về một hố va chạm có đường kính 21,5 m ở Cerberus Fossae, một khu vực đặc biệt dễ xảy ra động đất trên Sao Hỏa, cách InSight 1.640 km.
Hố va chạm này xa hơn nhiều so với dự kiến của InSight dựa trên năng lượng địa chấn của trận động đất.
Lớp vỏ Sao Hỏa có những đặc tính độc đáo được cho là có thể làm giảm sóng địa chấn do va chạm tạo ra. Phân tích mới về các tác động tại Cerberus Fossae cho thấy những con sóng mà nó tạo ra có đường đi trực tiếp hơn qua lớp phủ của hành tinh.
TS Constantinos Charalambous từ Đại học Hoàng gia London (Anh), thành viên nhóm InSight của NASA, cho biết họ từng nghĩ rằng năng lượng phát hiện được từ phần lớn các sự kiện địa chấn bị kẹt lại trong lớp vỏ Sao Hỏa.
Nhưng phân tích mới về hố va chạm ở Cerberus Fossae cho thấy một con đường sâu hơn, nhanh hơn mà họ gọi là "đường cao tốc địa chấn" xuyên qua lớp phủ, cho phép sóng địa chấn lan tới những vùng xa hơn trên hành tinh.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm kiếm các hố va chạm trong bán kính khoảng 3.000 km tính từ vị trí của InSight, với hy vọng tìm thấy một số hố hình thành trong lúc máy tàu này hoạt động.
Bằng cách so sánh các hình ảnh từ Camera Context trên Tàu thăm dò Sao Hỏa (MRO) của NASA, họ đã tìm thấy 123 miệng hố mới, 49 trong số đó có khả năng trùng khớp với các trận động đất được máy đo địa chấn của tàu đổ bộ phát hiện.
"Chúng tôi nghĩ rằng Cerberus Fossae tạo ra nhiều tín hiệu địa chấn tần số cao liên quan đến các trận động đất bên trong, nhưng điều này cho thấy một số hoạt động không bắt nguồn từ đó mà thực sự có thể đến từ các tác động" - TS Charalambous cho hay.
Mặc dù điều này khiến các nhà khoa học phải điều chỉnh lại một số mô hình liên quan đến cấu trúc bên trong Sao Hỏa, nhưng cũng mở ra cánh cửa mới trong nghiên cứu địa chất các hành tinh đá.
Anh Thư