Hàng trăm trận động đất nhỏ ở Santorini đã làm dấy lên lo ngại về một vụ phun trào núi lửa.
Hàng trăm người đã rời Santorini trên phà và máy bay vào thứ Ba để đến nơi an toàn ở Athens sau khi xảy ra một loạt trận động đất liên tục.
Các cơn địa chấn đã làm rung chuyển hòn đảo du lịch nổi tiếng xinh đẹp của Hy Lạp bên bờ biển Aegean.
Hàng trăm trận động đất đã được ghi nhận cứ sau vài phút ở vùng biển giữa các đảo núi lửa Santorini và Amorgos, trên Biển Aegean, trong những ngày gần đây.
Diễn biến này khiến chính quyền phải đóng cửa các trường học ở Santorini và các đảo nhỏ lân cận là Ios, Amorgos và Anafi cho đến cuối tuần này.
Chính quyền địa phương đã hạn chế tiếp cận một số khu vực có nguy cơ cao, trong khi lực lượng ứng cứu đầu tiên, tàu thuyền và trực thăng đã trong tình trạng báo động đề phòng trường hợp khẩn cấp.
"Toàn bộ cơ chế nhà nước đã được kích hoạt... để chúng tôi sẵn sàng cho mọi khả năng với hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn và hiện tượng này sẽ giảm bớt cường độ", Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết hôm thứ Tư.
Các nhà địa chấn học ước tính rằng hoạt động địa chấn mạnh có thể mất nhiều ngày hoặc nhiều tuần mới giảm bớt.
Một trạm địa chấn trên đảo Santorini do Đại học Aristotle ở Thessaloniki điều hành đã phát hiện ít nhất 39 trận động đất nhỏ, chủ yếu có cường độ 3,5 độ richter trở xuống, vào thứ sáu (ngày 31 tháng 1).
Hy Lạp là một trong những quốc gia dễ xảy ra động đất nhất ở châu Âu vì nằm trên ranh giới của các mảng kiến tạo châu Phi và Á-Âu, sự tương tác liên tục của chúng gây ra động đất thường xuyên.
Santorini có hình dạng như hiện tại sau một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong lịch sử, vào khoảng năm 1600 trước Công nguyên. Vụ phun trào cuối cùng trong khu vực xảy ra vào năm 1950.
Vụ phun trào của Minoan vào năm 1600 trước Công nguyên — một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong lịch sử loài người, theo Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty ở New York.
Vụ phun trào này có thể đã truyền cảm hứng cho những câu chuyện về thành phố Atlantis đã mất, được cho là đã chìm dưới biển.
Núi lửa này đã trải qua những giai đoạn bất ổn tương tự trước đây mà không phun trào.
Theo Chương trình núi lửa toàn cầu của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian, từ năm 2011 đến năm 2012, đã có một giai đoạn hoạt động địa chấn liên quan đến chuyển động của magma bên dưới bề mặt.
Efthymios Lekkas - nhà địa chấn học và là người đứng đầu Ủy ban giám sát khoa học của Hellenic Volcanic Arc, cho biết: "Điều chúng ta phải nhận ra là núi lửa Santorini tạo ra những vụ nổ rất lớn sau mỗi 20.000 năm."
"Đã 3.000 năm trôi qua kể từ vụ nổ cuối cùng, vì vậy chúng ta còn rất nhiều thời gian trước khi phải đối mặt với một vụ nổ lớn", vị chuyên gia cho biết thêm.
Bạch Liên