“Truyền lửa” cho thế hệ trẻ
Nhà nước hỗ trợ học tập, sinh hoạt trong môi trường nội trú từ những ngày bước vào lớp 1 cho đến khi hoàn thành bậc cao đẳng, đại học ở Trường đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh, anh Điểu Cân (SN 1982, dân tộc M’nông) quyết tâm trở về Bình Phước thực hiện lời hứa: về quê hương để đáp nghĩa. Thực hiện mục tiêu ấy, năm 2008, anh Điểu Cân chính thức trở thành giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Điểu Ong - nơi nuôi dưỡng giấc mơ đại học của anh.
Thầy Cân chia sẻ: Là giáo viên Tổng phụ trách Đội, tôi xây dựng sáng kiến giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức sinh hoạt đội, sinh hoạt dưới cờ và chủ điểm hằng tháng; phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí cho học sinh; giáo dục việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc cho học sinh. Đồng thời tích cực xây dựng và triển khai sáng kiến kinh nghiệm “Giải pháp giữ gìn tiếng dân tộc S’tiêng nhằm góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc cho học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Điểu Ong”. Cụ thể, tổ chức các hoạt động duy trì nói tiếng mẹ đẻ, cách đánh đồng la, dệt thổ cẩm, hát tiếng dân tộc, các trò chơi dân gian, nấu những món ăn truyền thống DTTS, sưu tầm các hiện vật tại chỗ; lồng ghép giảng dạy tiếng S’tiêng vào trò chơi em yêu trường em, sinh hoạt dưới cờ, rung chuông vàng...
Anh Ðiểu Cân tham dự Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước lần thứ IV
Với phương pháp giảng dạy sáng tạo, học sinh tham gia lớp nhạc cụ dân tộc (đồng la) ngày càng tăng. 100% học sinh mặc trang phục dân tộc trong tiết chào cờ hằng tuần, các lễ hội; duy trì tốt việc giao tiếp hằng ngày bằng tiếng S’tiêng; dệt thổ cẩm ngày càng thu hút nhiều học sinh tham gia; việc tập luyện và thi đấu trò chơi dân gian ngày một nâng lên; 100% học sinh tham gia thi nấu những món ăn truyền thống dân tộc. Các em không còn nhút nhát, rụt rè mà đã mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, ứng xử.
Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc cho học sinh trong trường thực hiện hiệu quả, từ đó góp phần giáo dục kỹ năng sống, tạo hứng thú cho học sinh khi tham gia các hoạt động. Em Hoàng Thị Thảo Nguyên, cựu học sinh của thầy Cân bày tỏ: Em cảm thấy may mắn vì thầy Cân đã tạo cơ hội cho em phát huy và khám phá những khả năng của bản thân. Em trở nên tự tin hơn trước đám đông, được thử sức với những công việc mới. Em còn nhớ những lần thầy kể câu chuyện về chính bản thân thầy để khuyến khích, động viên học sinh DTTS vươn lên. Từ đó, em có thêm động lực, kiến thức thông qua trải nghiệm của thầy.
Được thầy cô thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện phát huy năng khiếu, sở trường, nhiều học sinh DTTS đã tích cực học tập, nuôi dưỡng ước mơ. Hiện nhiều học sinh của thầy Cân đã trở thành bác sĩ, công an, nhà giáo… cống hiến cho xã hội.
Tích cực tham mưu chính sách
Đầu năm 2024, khi hạn hán kéo dài trên diện rộng ở xã Bù Gia Mập, anh Điểu Út, công chức Văn phòng - Thống kê UBND xã đã sắp xếp thời gian, không ngại vất vả đến các thôn cập nhật thông tin gia đình bị ảnh hưởng để hỗ trợ. Đến từng hộ dân, anh Điểu Út sử dụng ngôn ngữ đồng bào để người M'nông, S'tiêng hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào DTTS.
Anh Ðiểu Út (phải) tham mưu văn bản với lãnh đạo UBND xã Bù Gia Mập
Anh Điểu Út là một trong những học sinh cử tuyển được Nhà nước hỗ trợ đào tạo học tập, nay trở về địa phương công tác và đóng góp tích cực tại xã Bù Gia Mập. Với nhiệm vụ công chức Văn phòng - Thống kê UBND xã biên giới, nơi có hơn 73% số dân là đồng bào DTTS, hiểu rõ ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào tại địa phương, anh đã tham mưu nhiều văn bản, hỗ trợ tích cực trong chăm lo cuộc sống người dân xã biên giới.
Anh Điểu Út, công chức văn phòng thống kê UBND xã Bù Gia Mập luôn trách nhiệm với công việc
Anh Điểu Út cho biết: Năm 2005, sau khi học xong lớp 12 trường dân tộc nội trú, tôi được cử tuyển học tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Hoàn thành chương trình học, tôi ở lại TP. Hồ Chí Minh hơn 1 năm để trau dồi thêm kinh nghiệm. Sau đó, tôi về xã nhà phục vụ, với mong muốn góp sức xây dựng quê hương. Là người DTTS nên tôi hiểu rõ ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào mình. Do đó, trong nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS hay xóa bỏ tập tục lạc hậu của đồng bào, tôi tích cực tham mưu góp ý và trực tiếp đi vận động để người dân chung tay thực hiện, từ đó góp phần đổi thay diện mạo quê hương.
Cẩm Liên