AirTag là món phụ kiện giám sát được nhiều người dùng hệ sinh thái công nghệ Apple ưa thích. Ảnh: HL
Các nguồn tin cũng cho hay, khoản đầu tư sẽ được sử dụng cho việc xây dựng 2 nhà máy chuyên sản xuất AirTag - phụ kiện giám sát nằm trong hệ sinh thái công nghệ Apple. Khi đi vào hoạt động, hai nhà máy này sẽ đảm nhiệm khoảng 20% sản lượng AirTag của Apple trên toàn cầu.
Táo được cho là đã chọn Batam để thành lập một trong hai nhà máy nói trên, dự kiến sử dụng khoảng 1.000 công nhân. Đây sẽ là địa điểm mà Apple nhận được nhiều ưu đãi về thuế và chính sách xuất nhập khẩu.
Nhà máy thứ hai dự kiến đặt tại Bandung, nằm ở phía đông nam Jakarta, sẽ sản xuất nhiều loại phụ kiện Apple khác. Phần còn lại trong khoản đầu tư sẽ được dùng để thành lập một số cơ sở đào tạo.
Động thái mới diễn ra sau một thời gian căng thẳng leo thang giữa Indonesia và Apple. Chính phủ đảo quốc ASEAN cho rằng, Apple đã không đạt mức đầu tư như cam kết (chỉ đạt khoảng 94,5 triệu USD thay vì 109,6 USD đã hứa).
Mặc dù sau đó Apple đề nghị bổ sung 10 triệu USD, nhưng Indonesia đã thẳng thừng từ chối. Chuyến thăm của Giám đốc điều hành Apple Tim Cook tới Indonesia hồi tháng 4-2024 cũng không giải quyết được vấn đề.
Chuỗi tranh cãi kéo dài đã kết thúc ở lệnh cấm bán hoàn toàn iPhone 16 - thế hệ iPhone mới nhất - trên toàn lãnh thổ Indonesia.
Khoản đầu tư "khủng" mà Apple dành cho Indonesia được kỳ vọng sẽ tạo cú huých lớn đến nền kinh tế của quốc gia đông dân thứ 4 thế giới. Dù vậy, giới quan sát cho rằng, 1 tỷ USD vẫn là cái giá "khá rẻ" đối với Apple để đổi lại việc được bán các mẫu iPhone 16 ở thị trường 284 triệu dân.
Theo các kênh truyền thông Indonesia, ngoài khoản 1 tỷ USD ban đầu, Tổng thống Prabowo Subianto cũng đang kỳ vọng có thể thu hút thêm các khoản đầu tư khác của Apple trong tương lai.
Nguyễn Thúc Hoàng Linh