Các đại biểu thực hiện nghi lễ khai trương IOC. Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Cà Mau
Được Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh khai trương ngày 30/12/2024, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Cà Mau chính thức góp phần vào quá trình xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh.
Đây là một trong những dự án quan trọng của “Đề án Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh giao cho Sở TT&TT làm chủ đầu tư, nhằm đưa tỉnh Cà Mau trở thành một trong những tỉnh, thành phố đi đầu và triển khai có hiệu quả về chuyển đổi số trên cả nước.
IOC là nơi tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu trên nhiều lĩnh vực, cung cấp cái nhìn tổng thể đối với các lĩnh vực, dịch vụ thông minh qua hệ thống. Dữ liệu trên hệ thống được chuẩn hóa theo thời gian thực và trực tuyến giúp quá trình chỉ đạo, điều hành diễn ra nhanh chóng, kịp thời.
Theo đại diện Sở TT&TT, IOC Cà Mau được xây dựng với 4 cấu phần chính: Trang thiết bị tại Phòng Điều hành IOC; hệ thống máy chủ vận hành (server vận hành Phần mềm lõi IOC); hệ thống camera AI; phần mềm lõi vận hành IOC và tích hợp các ứng dụng.
Các dữ liệu từ IOC được hiển thị qua đồ họa trực quan, sinh động và dễ hiểu trên nhiều lĩnh vực của tỉnh như: Y tế, giáo dục, hành chính công, văn bản điện tử, kinh tế xã hội, phản ánh kiến nghị, công chức, viên chức, môi trường, tàu cá, tài nguyên nước, nông nghiệp, hệ thống camera thông minh... Trung tâm đã cung cấp cho lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương cái nhìn toàn diện về kết quả các hoạt động kinh tế - xã hội đang diễn ra, sự tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
IOC sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data), trợ lý ảo AI hỗ trợ chỉ đạo, điều hành. Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Cà Mau
Đặc biệt, hệ thống sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data), trợ lý ảo AI bằng giọng nói trả lời nhanh thông tin cần tìm kiếm... đưa ra khuyến cáo hỗ trợ quá trình tham mưu, ra quyết định chỉ đạo, điều hành và xây dựng chính sách, thể chế.
Đáng chú ý, hệ thống còn cung cấp ứng dụng IOC trên điện thoại di động, máy tính bảng; tích hợp trợ lý ảo có thể trả lời, giải đáp số liệu các lĩnh vực mà IOC đã thu thập, hỗ trợ cho lãnh đạo tỉnh giám sát, khai thác dữ liệu mọi lúc, mọi nơi; từ đó, đưa ra quyết định chính xác, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.
Theo đại diện Sở TT&TT, Cà Mau xác định việc xây dựng trung tâm IOC là cần thiết, phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật CNTT hiện tại cũng như định hướng phát triển chung của tỉnh trong đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị tương lai. IOC là nền tảng để triển khai các dịch vụ, tiện ích về chuyển đổi số, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở TT&TT đã cử cán bộ đầu mối hướng dẫn các đơn vị rà soát, cập nhật để đảm bảo dữ liệu trên hệ thống đầy đủ, chính xác và kịp thời nhất.
Dữ liệu được xem như là “bộ não”, là tài sản quý giá nhất của IOC. Việc thu thập, chuẩn hóa, phân tích dữ liệu để tạo ra giá trị mới cùng với tăng cường kết nối và chia sẻ dữ liệu để phục vụ tốt hơn cho người dân là mục tiêu mà tỉnh luôn hướng tới.
Để phát huy hiệu quả của IOC, thời gian tới, Sở TT&TT xác định công tác phát triển dữ liệu để phục vụ cho IOC là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh việc rà soát và mở dữ liệu; dữ liệu được cung cấp đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”.
Hải Phong