Việc biết iPhone của bạn đến từ quốc gia nào giúp người dùng có thêm nhiều lựa chọn khi sửa chữa hoặc thay thế thiết bị, cũng như làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ để phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Nhìn chung, quy trình sản xuất, đóng gói và phân phối iPhone trải qua các giai đoạn:
Thiết kế tại California
Mọi câu chuyện về iPhone đều bắt đầu tại trụ sở chính của Apple ở Cupertino, California, Mỹ. Đây là nơi đội ngũ thiết kế hàng đầu của Apple làm việc để biến những ý tưởng sáng tạo thành hiện thực. Với sự lãnh đạo của các huyền thoại như Steve Jobs và hiện tại là Tim Cook, Apple luôn đặt tiêu chí thiết kế và trải nghiệm người dùng lên hàng đầu. California không chỉ là nơi khởi nguồn của iPhone, mà còn là nơi mọi quyết định quan trọng về sản phẩm được thực hiện.
Sản xuất linh kiện từ nhiều quốc gia
Nhiều linh kiện quan trọng của iPhone được sản xuất bởi các công ty quốc tế từ nhiều quốc gia khác nhau.
Màn hình: LG Display và Samsung từ Hàn Quốc là những nhà cung cấp chính của màn hình iPhone. Những công ty này nổi tiếng với công nghệ hiển thị tiên tiến, đảm bảo chất lượng hình ảnh sắc nét và sống động cho người dùng.
Chip xử lý: Apple A-series chip được thiết kế bởi Apple, nhưng sản xuất tại các nhà máy của TSMC ở Đài Loan (Trung Quốc). Đây là nơi tạo ra "bộ não quyền lực" cho mọi chiếc iPhone.
Bộ nhớ: Các chip bộ nhớ flash của iPhone thường được cung cấp bởi các công ty như SK Hynix và Toshiba, có trụ sở lần lượt tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Camera: Một số thành phần của camera trên iPhone được Sony – một gã khổng lồ công nghệ khác đến từ Nhật Bản - sản xuất.
Lắp ráp tại Trung Quốc
Khi các linh kiện đã sẵn sàng, bước tiếp theo là lắp ráp, và Trung Quốc là trung tâm sản xuất chính của quá trình này. Các nhà máy của Foxconn và Pegatron, hai hãng lắp ráp lớn nhất cho iPhone, chịu trách nhiệm ghép nối tất cả các thành phần lại với nhau để tạo ra sản phẩm cuối cùng.
Đóng gói và phân phối toàn cầu
Sau khi hoàn thành quy trình lắp ráp, iPhone được đóng gói và vận chuyển từ Trung Quốc đến các thị trường khác nhau trên toàn thế giới. Quá trình phân phối quốc tế cũng là một phần không thể thiếu trong việc đảm bảo iPhone có mặt rộng rãi, từ Mỹ ra toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
Tác động
Việc đa quốc gia tham gia vào quá trình sản xuất iPhone không chỉ tạo ra một sản phẩm chất lượng cao mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu này đều tạo ra việc làm, nâng cao kỹ năng lao động và cải thiện thu nhập cho hàng triệu người.
Cách kiểm tra iPhone của bạn đến từ quốc gia nào trên điện thoại
Khi nhắc đến việc kiểm tra iPhone của bạn đến từ quốc gia nào, điều người dùng quan tâm chủ yếu là phiên bản iPhone đó được sản xuất cho thị trường nào. Chung một quy trình nhưng tùy thuộc vào yêu cầu thị trường, iPhone cũng có thể được điều chỉnh một số tính năng. Ví dụ iPhone tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc mặc định không tắt được âm thanh camera.
Để tìm hiểu iPhone của bạn dành cho thị trường nào, người dùng có thể làm theo các bước:
Vào cài đặt (ứng dụng có hình bánh răng);
Chọn Cài đặt chung;
Chọn Giới thiệu;
Xem "Số máy" (Model Number).
Bạn cũng có thể tìm Số máy trên thiết bị. Tùy thuộc vào mẫu iPhone, số máy được in mờ ở khay SIM, khe cổng sạc hoặc đằng sau thân máy.
Nếu Số máy của bạn có dạng (Chuỗi kí tự)/A
Theo các diễn đàn công nghệ, nếu Số máy của bạn có dạng (Chuỗi kí tự)/A Thì phần các chữ cái ở trước dấu gạch chéo thể hiện phiên bản của iPhone cho các quốc gia. Ví dụ VN/A là phiên bản được sản xuất cho thị trường Việt Nam.
(Ảnh minh họa)
Khi đó, các chữ cái khác được gán cho các quốc gia và khu vực như sau (một số quốc gia, khu vực có nhiều hơn một mã):
A-Canada, AB- Ai Cập, Jordan, Ả-rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất; AE - Bahrain, Kuwait, Qatar, Ả-rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất; AH - Bahrain, Kuwait, AM - Mỹ (Lắp ráp tại Việt Nam);
B-Ireland, Vương quốc Anh (cũng sử dụng cho một số đơn vị thay thế); BR - Brazil (Lắp ráp ở Brazil), BZ-Brazil (Lắp ráp ở Trung Quốc);
C-Canada, CH-Trung Quốc, CL-Canada, CN-Slovakia, CZ-Cộng hòa Séc; D-Đức, DN- Áo, Đức, Hà Lan;
E-Mexico, EE-Estonia; F-Pháp, FB-Pháp, Luxembourg; FD- Áo, Liechtenstein, Thụy Sĩ; FS-Phần Lan;
GR-Hy Lạp; HB-Israel; HN-Ấn Độ; HU- Ukraine; IP-Italy; J-Nhật Bản; KH-Trung Quốc, Hàn Quốc; KN-Đan Mạch, Na Uy; KS-Phần Lan, Thụy Điển;
LA-Colombia, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Honduras, Peru; LE- Argentina; LL- Mỹ, Canada (cũng được sử dụng cho một số đơn vị thay thế); LP-Ba Lan; LT-Lithuania; LV- Latvia; LW- Mỹ (cho Apple Watch được bán sau ngày 18/1 năm 2024 không có chức năng Oxy trong máu); LZ- Chile, Paraguay, Uruguay;
MG- Hungary; MO- Macau, Hong Kong; MY- Malaysia; NF- Bỉ, Pháp, Luxembourg;
PK- Phần Lan, Ba Lan; PL- Ba Lan; PM- Ba Lan; PO- Bồ Đào Nha; PP- Philippines;
QL- Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha; QN- Đan Mạch , Na Uy, Thụy Điển, Iceland;
RK- Kazakhstan; RM- Nga, Kazakhstan; RO- Romania; RP- Nga; RR- Nga; RS- Nga; RU- Nga;
SA- Việt Nam (sử dụng chủ yếu trên iPad và Mac); SE- Serbia; SL- Slovakia; SO- Nam Phi; SU- Ukraine;
T- Italy; TA- Đài Loan; TH- Thái Lan; TU- Thổ Nhĩ Kỳ; TY- Italy; UA- Ukraine; VC- Canada; VN- Việt Nam;
X- Australia, New Zealand; Y- Tây Ban Nha;
ZA- Singapore; ZD- Đức, Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Áo, Pháp, Thụy Sĩ, Monaco; ZP- Hong Kong, Macau
Nếu Số máy của bạn có dạng A (4 chữ số)
iPhone của bạn đến từ quốc gia nào? (Ảnh minh họa)
Trong trường hợp số máy của bạn có dạng A (4 chữ số) như trong hình, mỗi chuỗi số này sẽ tương ứng với các quốc gia, khu vực và mẫu máy cụ thể.
Bạn có thể tra cứu các mã này tương ứng với các quốc gia/khu vực nào theo trang web của Apple.
Bạc Hà (Tổng hợp )