Người dân Iran đang sử dụng điện thoại di động. Ảnh: Truyền thông Iran
Quyết định này được đưa ra bởi Hội đồng Tối cao không gian mạng của Iran, trong một cuộc họp do Tổng thống có xu hướng cải cách Masoud Pezeshkian chủ trì.
Ông Pezeshkian cam kết sẽ từng bước loại bỏ các hạn chế trên mạng xã hội, đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong chính sách truyền thông của chính phủ.
Lệnh cấm đối với WhatsApp và Google Play được ban hành vào năm 2022 trong bối cảnh các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra trên toàn quốc sau cái chết của Mahsa Amini.
Cô gái trẻ này bị cảnh sát đạo đức bắt giữ vì bị cáo buộc vi phạm quy định nghiêm ngặt về trang phục. Sự kiện này đã châm ngòi cho làn sóng phản đối lớn, khi hàng ngàn người xuống đường lên án các chính sách hà khắc và yêu cầu cải cách chính trị.
Trong năm 2023, các cuộc biểu tình lắng xuống sau khi lực lượng an ninh tiến hành đàn áp mạnh mẽ, khiến hàng trăm người bị thương và hàng ngàn người khác bị bắt giam.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Iran, ông Sattar Heshemi, trong một bài đăng trên mạng xã hội X, đã gọi quyết định này là “bước đầu tiên” trong việc gỡ bỏ các hạn chế và ám chỉ khả năng sẽ tiếp tục mở khóa các dịch vụ khác trong tương lai.
Tuy nhiên, hiện tại, nhiều người dân ở thủ đô Tehran và các thành phố khác cho biết họ chỉ có thể truy cập WhatsApp và Google Play trên máy tính, còn trên điện thoại di động thì chưa khả dụng hoàn toàn.
WhatsApp vốn là nền tảng nhắn tin phổ biến thứ ba tại Iran, sau Instagram và Telegram. Trong nhiều năm qua, chính phủ Iran đã chặn quyền truy cập vào nhiều mạng xã hội.
Tuy nhiên, người dân vẫn tìm cách sử dụng các dịch vụ này thông qua proxy hoặc VPN (hệ thống vượt tường lửa), phản ánh mức độ phụ thuộc cao vào các nền tảng truyền thông quốc tế.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm này được cho là nằm trong chiến lược cải cách rộng lớn hơn của Tổng thống Pezeshkian nhằm mở rộng quyền tiếp cận thông tin và giảm bớt sự kiểm soát đối với không gian mạng.
Tuy nhiên, động thái này cũng gây tranh cãi khi một số người hoài nghi về mức độ cam kết thực sự của chính phủ trong việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận, trong bối cảnh chính trị nội bộ Iran vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức.
Với bước đi mới này, dư luận trong và ngoài nước sẽ tiếp tục theo dõi xem liệu Iran có thực sự nới lỏng các quy định hà khắc trên không gian mạng, hay đây chỉ là một chiến thuật tạm thời nhằm xoa dịu các áp lực quốc tế và nội bộ.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo AP/barchart)