Tên lửa được phóng trong cuộc tập trận Eqtedar ở Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Bất chấp những áp lực gia tăng và sự can thiệp của các cường quốc, Iran đã kiên quyết bác bỏ mọi nỗ lực nhằm áp đặt giới hạn đối với chương trình tên lửa của mình. Theo hãng thông tấn Mehr (Iran) ngày 29/6, tuyên bố cứng rắn này được đưa ra trong bối cảnh Tehran vừa trải qua những ngày giao tranh khốc liệt với Israel, cho thấy tầm quan trọng của sức mạnh quân sự trong việc định hình kết cục xung đột.
Sức mạnh tên lửa: Yếu tố quyết định dẫn đến ngừng bắn
Trong cuộc phỏng vấn với trang tin Al-Monitor, Đại sứ và Đại diện thường trực của Iran tại Liên hợp quốc Amir Saeed Iravani đã khẳng định mạnh mẽ lập trường trên của Tehran. "Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ hạn chế nào đối với các hoạt động tên lửa của mình. Cuộc xung đột gần đây đã chứng minh rõ ràng rằng, nếu không có năng lực quân sự của Iran, đối phương sẽ không bao giờ bị buộc phải yêu cầu ngừng bắn", ông Iravani nhấn mạnh.
Lời khẳng định của ông Iravani được củng cố bằng phân tích về tình hình ngừng bắn ở Gaza và Liban. Theo ông Iravani, một trong những lý do chính khiến lệnh ngừng bắn chưa được thực thi triệt để tại các khu vực này là do sức mạnh trả đũa của các nhóm vũ trang vẫn chưa đủ để gây sức ép thực sự. Ngược lại, phản ứng quân sự mạnh mẽ của Iran đã gây ra tổn thất cho Israel, buộc đối phương phải đồng ý ngừng bắn.
Đại sứ Iran cũng trích dẫn thừa nhận của Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đã đánh giá rằng thiệt hại do Iran gây ra cho Israel "thực tế là nghiêm trọng đến mức trở thành một trong những yếu tố quyết định thúc đẩy Tel Aviv đề nghị Mỹ đẩy nhanh lệnh ngừng bắn". Điều này cho thấy vai trò không thể phủ nhận của sức mạnh quân sự trong tạo ra đòn bẩy ngoại giao.
Như vậy, quan điểm của Iran là hết sức rõ ràng: Năng lực tên lửa là một "đòn bẩy chiến lược hiệu quả" không thể từ bỏ. Ông Iravani nhấn mạnh: "Do đó, Iran sẽ không bao giờ đồng ý từ bỏ đòn bẩy chiến lược hiệu quả như vậy, cũng như sẽ không cho phép mình bị giải trừ vũ khí trước các cuộc tấn công tiềm tàng trong tương lai".
Lập trường này càng được củng cố sau cuộc chiến kéo dài 12 ngày, bắt đầu từ ngày 13/6, khi Israel tiến hành cuộc tấn công vào các khu vực quân sự, hạt nhân và cơ sở hạ tầng của Iran. Cuộc tấn công leo thang khi Mỹ cũng can thiệp và tiến hành các cuộc tấn công quân sự vào ba cơ sở hạt nhân quan trọng của Iran tại Natanz, Fordow và Isfahan vào ngày 22/6.
Đáp trả lại các hành động trên, Iran đã lập tức tiến hành các cuộc phản công. Cụ thể, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giaóIran đã thực hiện 22 đợt tấn công tên lửa trả đũa nhắm vào Israel trong khuôn khổ Chiến dịch "Lời hứa Chân thật III". Các cuộc tấn công này đã gây ra tổn thất nặng nề cho nhiều thành phố ở Israel.
Iran cảnh giác với động thái của Israel
Sau những cuộc giao tranh căng thẳng, một lệnh ngừng bắn đã có hiệu lực vào ngày 24/6. Tuy nhiên, Tehran cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ bất kỳ động thái nào của Israel nhằm sử dụng lãnh thổ của các nước láng giềng để thực hiện hành động tấn công mới nhằm vào Iran.
Phát biểu với các phóng viên tại cuộc họp báo hàng tuần vào ngày 30/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei cho biết Tehran đã thông báo cho các quốc gia liên quan về các tin tức, thông tin tình báo và suy đoán liên quan đến vấn đề này.
Ông Baghaei nói thêm: "Không có ngoại lệ, tất cả các nước láng giềng đều đảm bảo với chúng tôi rằng họ sẽ không cho phép Israel sử dụng không gian hoặc lãnh thổ của họ cho các hành động tấn công nhằm vào Iran".
Người phát ngôn trên lưu ý, dựa trên luật pháp quốc tế, không quốc gia nào được phép cho quốc gia khác sử dụng lãnh thổ của mình để thực hiện hành động gây hấn nước thứ ba. Ông Baghaei nói thêm rằng tất cả các quốc gia liên quan đều "rõ ràng và kiên quyết" bác bỏ các thông tin về việc sử dụng sai lãnh thổ của họ nhằm vào Iran và đảm bảo với Tehran rằng họ sẽ không bao giờ cho phép điều này trong tương lai.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc