Máy bay chiến đấu Israel đã tấn công căn cứ không quân T4 của Syria, khiến địa điểm này tê liệt và không thể sử dụng được trong tương lai gần.
Giới quan sát cho rằng mục tiêu vụ tập kích của Israel là ngăn chặn Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng căn cứ có vị trí chiến lược quan trọng này, khi Ankara đã lên kế hoạch tiếp quản địa điểm nói trên.
Vụ việc trên trở thành diễn biến mới nhất trong cuộc đối đầu căng thẳng giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria, khiến giới quan sát đặc biệt lo ngại sẽ xảy ra tình huống giao tranh mất kiểm soát.
Căn cứ không quân T4 nằm tại tỉnh Homs, miền Trung Syria, từ lâu đã trở thành tâm điểm chú ý vì tầm quan trọng của nó đối với nhiều bên xung đột. Trước đây cả lực lượng Iran và Nga đều sử dụng sân bay này để hỗ trợ chính quyền cựu tổng thống Bashar al-Assad.
Nhưng sau khi chính quyền Damascus thay đổi vào tháng 12/2024 và chính phủ chuyển tiếp do thủ lĩnh nhóm vũ trang HTS - ông Ahmed al-Sharaa nắm quyền, Thổ Nhĩ Kỳ đã rất tích cực mở rộng ảnh hưởng của mình ở Syria.
Các phương tiện truyền thông khu vực đưa tin, vào đầu năm 2025, Ankara đã đàm phán với chính quyền mới của Syria về việc thành lập các căn cứ quân sự của họ, bao gồm cả T4, để triển khai hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu.
Israel rất lo ngại và coi bản kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa đến an ninh của mình, khi giữa hai nước còn nhiều mâu thuẫn, cho nên Tel Aviv đã quyết định phòng ngừa từ xa bằng cuộc tấn công chớp nhoáng.
Theo nguồn tin quân sự Syria, tiêm kích Israel đã bắn tên lửa từ không phận Lebanon, tránh tiến vào bầu trời Syria. Cuộc không kích nhắm vào các cơ sở quan trọng tại căn cứ T4 bao gồm đường băng, kho vũ khí và sở chỉ huy.
Phòng không Syria đã cố gắng đẩy lùi cuộc tấn công, nhưng phần lớn hạ tầng đã bị phá hủy hoặc hư hại nặng nề. Damascus sau đó lên án hành động của Tel Aviv khi gọi đây là sự vi phạm chủ quyền đất nước, nhưng không công bố kế hoạch thực hiện các bước đi trả đũa.
Sau đó đại diện Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã lên tiếng nhận trách nhiệm và tuyên bố rằng mục đích của họ là vô hiệu hóa "năng lực quân sự chiến lược còn lại của Syria" để tránh rơi vào tay các đối thủ tiềm tàng.
Những gì diễn ra phản ánh tình hình hỗn loạn tại Syria kể từ khi Tổng thống al-Assad bị lật đổ. Thổ Nhĩ Kỳ vốn được biết đến như nhà tài trợ chính cho lực lượng HTS đang tìm cách củng cố sự hiện diện của mình ở các khu vực miền Trung và miền Bắc Cộng hòa Ả Rập.
Trong khi đó vào đầu tháng 3 năm 2025, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu gửi thiết bị và binh lính đến địa bàn phía Tây Bắc Syria, họ đã tiến hành khôi phục sân bay ở Minege để tạo ra một trung tâm phòng không tại đây.
Động thái này khiến Tel Aviv lo ngại, bởi hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được coi là nỗ lực từ phía Ankara nhằm thiết lập chỗ đứng và có thể đe dọa đến lợi ích của Israel ở miền Nam Syria cũng như Cao nguyên Golan.
Trong thời gian gần đây, căng thẳng giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng chóng mặt, điển hình như cuối tháng 3/2025, Không quân Israel đã thực hiện một loạt cuộc không kích khác vào mục tiêu ở khu vực Palmyra, bao gồm cả sân bay T4.
Giới chuyên gia nhận xét đây là một hành động cực kỳ quyết liệt của Israel, cho thấy rõ quyết tâm ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ giành được chỗ đứng tại những địa bàn chiến lược trên đất Syria.
Sau khi diễn ra cuộc tấn công, Ankara đã bày tỏ sự phẫn nộ và cáo buộc Israel gây bất ổn khu vực đồng thời hứa sẽ hỗ trợ chính phủ Syria bảo vệ vững chắc chủ quyền.
Mặc dù vậy nhiều chuyên gia phương Tây nhận xét Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có đủ nguồn lực để đối đầu trực tiếp với không quân Israel, khi IAF vẫn giữ được ưu thế vượt trội trong khu vực nhờ sự hỗ trợ từ phía Mỹ và nắm trong tay nhiều công nghệ quân sự tiên tiến.
Căng thẳng với Israel một lần nữa giáng đòn mạnh vào hy vọng có được tiêm kích F-35 cũng như F-16 nâng cấp của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi Washington đã cam kết sẽ luôn giúp Tel Aviv giữ ưu thế về công nghệ quân sự tiên tiến so với các đối thủ trong khu vực.
Việt Dũng
Theo Reporter/Avia-pro