Hoạt động huấn luyện quân sự cho những người đàn ông Druse của Lữ đoàn Sơn cước gần Sweida, Syria vào tháng 1. Ảnh: NYTimes.
Trên một vùng đất gồ ghề ở miền Tây Nam Syria, những tiếng súng vang lên giữa buổi sáng se lạnh. Một nhóm tân binh lao qua các rào chắn làm từ lốp xe cũ, mồ hôi đầm đìa dưới sự giám sát nghiêm khắc của người huấn luyện.
“Phải luyện tập như thể đây là trận chiến thực sự!”, Fadi Azam, người hướng dẫn, gằn giọng. “Hay các cậu muốn tôi bắn vào các cậu để cảm nhận rõ hơn?”. Anh ta giương súng lên, nổ vài phát ra xa nhóm tân binh, tiếng đạn vang vọng khắp thung lũng.
“Các cậu là sư tử, là chiến binh!”, Azam hét lớn, khích lệ một nhóm tân binh – một phần trong hàng chục nghìn chiến binh thuộc cộng đồng thiểu số Druse. Họ là những người đang nắm quyền kiểm soát tỉnh Sweida, một vùng đất chiến lược nằm giáp Jordan và gần biên giới Israel. Giữa những biến động chính trị ở Syria, họ có thể chỉ là một mảnh ghép nhỏ nhưng đóng vai trò không thể xem nhẹ trong việc định hình tương lai của đất nước.
Từ sau khi chế độ Bashar al-Assad sụp đổ vào tháng 12 năm ngoái, chính phủ lâm thời của Syria đang nỗ lực thống nhất hàng loạt lực lượng dân quân, vốn hình thành trong suốt gần 14 năm nội chiến, vào một quân đội quốc gia duy nhất. Một quân đội hợp nhất là điều kiện tiên quyết để giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước và tái lập trật tự. Nhưng với các dân quân Druse, viễn cảnh đó không dễ dàng chấp nhận.
Những người đàn ông Druse có vũ trang đang hát và nhảy bên ngoài văn phòng của Lữ đoàn Sơn cước ở tỉnh Sweida, Syria. Ảnh: NYTimes.
Từ tháng 1, một số nhóm dân quân mạnh nhất của Druse đã tiến hành đàm phán với chính phủ về điều kiện gia nhập quân đội. Tuy nhiên, họ hoài nghi về những cam kết của Tổng thống lâm thời Ahmed al-Shara trong việc bảo vệ quyền lợi của các nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số.
Những cuộc đàm phán này đã đổ vỡ vào tháng trước sau khi xảy ra làn sóng bạo lực nhằm vào một cộng đồng tôn giáo khác. Vụ việc bắt đầu khi tàn dư của chế độ cũ tấn công lực lượng an ninh chính phủ tại một khu vực do cộng đồng Alawite kiểm soát. Gia tộc Assad vốn thuộc dòng dõi Alawite, một nhánh của Hồi giáo Shiite, và suốt nhiều thập kỷ cầm quyền, họ luôn ưu ái những người Alawite trong bộ máy an ninh và quân đội.
Chính phủ mới lập tức đáp trả bằng cách huy động lực lượng an ninh, kéo theo sự tham gia của nhiều nhóm vũ trang khác. Theo nhân chứng và các tổ chức nhân quyền, những tay súng này – một số thuộc biên chế chính phủ, số khác thì không – đã sát hại hàng trăm thường dân Alawite trong những vụ tấn công mang động cơ giáo phái.
Một khu chợ ở thủ phủ tỉnh Sweida. Tỉnh này, phía tây nam Damascus, là trung tâm của người Druse và là một khu vực có tầm quan trọng chiến lược. Ảnh: NYTimes.
Các lãnh đạo dân quân Druse không chỉ lo ngại về tình trạng bạo lực giáo phái mà còn cáo buộc ông al-Shara đang tập trung quyền lực vào tay mình. Xuất thân từ một nhóm phiến quân Hồi giáo có gốc rễ từ cộng đồng Sunni, lực lượng của ông từng có liên hệ với Al-Qaeda. Ngay từ đầu, họ đã tỏ ra không sẵn sàng chia sẻ quyền lực với các nhóm thiểu số.
Dẫu vậy, khi công bố nội các lâm thời vào cuối tuần qua, ông al-Shara đã phần nào thể hiện áp lực buộc ông phải xây dựng một chính phủ đa dạng hơn. Một bộ trưởng giáo dục người Kurd, một nữ bộ trưởng Thiên Chúa giáo, một bộ trưởng Druse – tất cả đều có mặt trong nội các. Nhưng các bộ quan trọng như quốc phòng, ngoại giao và nội vụ vẫn do các đồng minh thân cận của ông nắm giữ.
Một trong những lực lượng dân quân lớn nhất của Syria – lực lượng do người Kurd lãnh đạo và được Mỹ hậu thuẫn – cũng đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ để gia nhập quân đội quốc gia. Tuy nhiên, giống như người Druse, họ vẫn chần chừ trước khi chính thức sáp nhập.
Nếu không thể thuyết phục các nhóm dân quân Druse và lực lượng vũ trang khác, ông al-Shara sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: hoặc nhượng bộ, đồng ý một chính quyền phi tập trung, hoặc chấp nhận việc chỉ kiểm soát một phần đất nước – tình thế mà chính quyền Assad từng rơi vào trong giai đoạn nội chiến.
“Ông al-Shara đang rơi vào thế bế tắc chính trị với cả người Druse và người Kurd, và ông ấy không có nhiều đòn bẩy để mặc cả”, Mohammad al-Abdallah, một nhà phân tích chính trị Syria, nhận định.
Trong khi các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc, các dân quân Druse tiếp tục củng cố lực lượng, lấp đầy khoảng trống an ninh do sự sụp đổ của chế độ Assad để lại. Những tân binh đang huấn luyện ở Sweida chính là một phần của Lữ đoàn Sơn cước – một trong nhiều nhóm dân quân Druse nổi lên từ cuộc nội chiến.
Quân số của lực lượng này đã tăng từ 2.000 lên hơn 7.000 tay súng chỉ trong vài tháng, theo các chỉ huy. Trước tình hình chính trị đầy bất trắc, người dân địa phương tìm đến các lực lượng này như một phương án bảo vệ duy nhất.
“Chúng tôi không thể đặt cược vào một chính phủ chưa có gì đảm bảo”, Rakan Kahool, 28 tuổi, người gia nhập lực lượng dân quân từ tháng 1, nói. “Người dân Sweida phải tự bảo vệ Sweida”.
Người Druse tham gia tuyển dụng để được đào tạo, phục vụ trong lực lượng dân quân Druse. Ảnh: NYTimes.
Những chiến binh như Kahool không chỉ là quân lính; họ đã trở thành lực lượng cảnh sát và an ninh thực tế của tỉnh, kiểm soát các chốt gác và tuần tra dọc biên giới với Jordan.
Sheqib Azam, chỉ huy của Lữ đoàn Sơn cước, cho biết các lãnh đạo Druse vẫn sẵn sàng cho chính phủ mới một cơ hội.
“Nếu chính phủ mới hoạt động đúng đắn, chúng tôi sẽ tham gia”, ông Azam nói. “Nhưng nếu không, chúng tôi sẽ chiến đấu chống lại họ”.
Chính ông Azam từng tham gia các cuộc đàm phán với chính quyền lâm thời về việc gia nhập quân đội quốc gia, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được kết quả.
“Chúng tôi muốn là một phần của đất nước, muốn có tiếng nói trong các quyết định chính trị”, ông nói. Nhưng rồi ông nhấn mạnh: “Còn quá sớm để buông vũ khí”.
Công nhân đang sửa chữa một căn phòng bên trong tòa nhà tỉnh Sweida. Ảnh: NYTimes.
Nếu các nhóm dân quân Druse đạt được thỏa thuận với chính phủ lâm thời, họ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh khu vực Tây Nam Syria, đối phó với những mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), tàn quân của chế độ Assad, các nhóm tội phạm có vũ trang và cả những cuộc xâm nhập từ Israel dọc biên giới phía nam. Bất kỳ sự xáo trộn nào cũng có thể đẩy Syria vào một vòng xoáy bạo lực và chia rẽ mới.
Những động thái của Israel trong bối cảnh Syria hậu Assad đang làm gia tăng sự bất ổn tại khu vực Tây Nam. Tel Aviv muốn đảm bảo rằng không có lực lượng thù địch nào bám trụ ở những khu vực gần biên giới nước này – nơi có thể trở thành bàn đạp để phát động các cuộc tấn công nhằm vào miền bắc Israel, giống như cách Hezbollah, nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn, đã làm suốt nhiều năm từ lãnh thổ Lebanon.
Kể từ khi chế độ Assad sụp đổ, Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu quân sự trên đất Syria. Theo giới chức Tel Aviv, mục tiêu của những đợt tấn công này là tiêu hủy các kho vũ khí và cơ sở quân sự còn sót lại của chế độ cũ, ngăn chúng rơi vào tay các lực lượng thù địch.
Không chỉ vậy, Israel còn cảnh báo chính quyền lâm thời Syria rằng nước này sẽ can thiệp quân sự nếu chính phủ mới tìm cách đàn áp cộng đồng Druse. Động thái này phản ánh mối quan hệ bền chặt giữa Tel Aviv với cộng đồng Druse thiểu số ở Israel. Druse là một nhánh tôn giáo có nguồn gốc từ Hồi giáo dòng Shiite, với cộng đồng sinh sống chủ yếu tại Syria, Lebanon và Jordan.
Bất chấp những lời đề nghị từ Israel, các nhóm dân quân Druse lớn tại Syria vẫn kiên quyết từ chối mọi sự can thiệp từ bên ngoài.
Dù chưa chính thức sáp nhập vào quân đội quốc gia, các lãnh đạo quân sự và tôn giáo của cộng đồng Druse đã thiết lập một cơ chế hợp tác không chính thức với chính quyền lâm thời, theo đó họ vẫn nhận viện trợ nhưng tiếp tục duy trì quyền kiểm soát quân sự đối với Sweida.
Những tân binh của Lữ đoàn Sơn cước đang tập hợp đội hình. Ảnh: NYTimes.
Theo ông Sheqib Azam, vào tháng 1 vừa qua, ông đã chấp thuận để một quan chức từ nhóm phiến quân cũ của al-Shara đảm nhận vị trí thống đốc lâm thời tỉnh Sweida, với điều kiện quân đội chính phủ không được triển khai vào khu vực này.
Kể từ khi Thống đốc lâm thời Mustafa Yasin Baquer nhậm chức, mỗi ngày có hàng trăm người dân kéo đến văn phòng ông để tìm kiếm sự hỗ trợ. Người dân địa phương cho biết điện chỉ có một giờ mỗi ngày, nguồn cung cấp nước thiếu ổn định. Một số người yêu cầu chính quyền hoàn trả đất đai từng bị chế độ Assad tịch thu, trong khi những người khác – vốn từng sống nhờ vào nguồn bánh mì trợ cấp dưới thời Assad – nay mong muốn được nhận hỗ trợ tương tự.
Mặc dù tình hình chính trị vẫn còn đầy bất ổn, nhiều người dân ở Sweida tin rằng tương lai sẽ tươi sáng hơn.
Một buổi chiều gần đây, bà Janat Abu al-Fadl, 55 tuổi, cùng con gái dạo bước trên những con phố lát đá trong khu chợ trung tâm Sweida. Dù vẫn hoài nghi về chính quyền mới, nhưng đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, bà cảm thấy có hy vọng.
“Sẽ mất thời gian, giai đoạn đầu chắc chắn rất khó khăn, nhưng tôi tin mọi thứ sẽ dần cải thiện”, bà chia sẻ. “Trước khi chế độ cũ sụp đổ, chúng tôi không có lấy một tia hy vọng. Còn bây giờ, ít nhất chúng tôi đã có điều gì đó để mong đợi”.
Theo New York Times
Nhật Anh