Trung gian hòa giải tích cực
Tuần trước, Nga và Ukraine đã đồng ý ngừng bắn ở Biển Đen trong các thỏa thuận riêng biệt với Mỹ, sau ba ngày đàm phán hòa bình tại Saudi Arabia. Các phái đoàn Nga và Ukraine đã không gặp trực tiếp. Thay vào đó, các quan chức Mỹ đã gặp riêng các nhà đàm phán từ Moscow và Kiev tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia với mục đích làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên.
Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng 12/2023.
Thỏa thuận ngừng bắn này chưa xác định được ngày bắt đầu thực hiện và còn khá mong manh, nhất là khi Điện Kremlin cho biết thỏa thuận sẽ không có hiệu lực cho đến khi những lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng, nhà sản xuất và xuất khẩu của Nga tham gia vào hoạt động thương mại thực phẩm và phân bón quốc tế được dỡ bỏ.
Dù vậy, đây vẫn có thể xem như bước đà quan trọng làm tiền đề cho những thỏa thuận rộng hơn liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Và, trong góc nhìn đó, nổi lên một chi tiết không nên bị bỏ qua: Ảnh hưởng ngày càng tích cực của Saudi Arabia trong vai trò một nhà trung gian hòa giải toàn cầu.
Trước khi Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận, các phái đoàn ngoại giao cao cấp của Mỹ và Nga đã bắt đầu vòng đàm phán tại Saudi Arabia. Cuộc đàm phán này diễn ra sau cuộc họp giữa Mỹ và đại diện Ukraine cũng tại vương quốc này trước đó 1 ngày. Để tạo tiền đề cho các hoạt động kể trên, Riyadh đã thực hiện hàng loạt biện pháp ngoại giao suốt 2 năm qua, bao gồm tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình kéo dài 2 ngày về Ukraine với sự tham gia của đại diện từ hơn 40 quốc gia vào tháng 8/2023, đề nghị viện trợ 400 triệu USD cho Ukraine, hỗ trợ trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine cũng như tiếp đón Tổng thống Ukraine, Zelenskyy tới dự hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab hồi tháng 5/2023.
Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman đón tiếp Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy tại Riyadh tháng 5/2023.
Những gì Saudi Arabia thể hiện trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Ukraine không nằm ngoài một chiến lược ngoại giao ngày càng nổi bật mà vương quốc này theo đuổi trong vài năm gần đây. Năm 2023, Saudi Arabia đã gây ngạc nhiên khi khôi phục lại quan hệ ngoại giao với Syria, khi đó vẫn được lãnh đạo bởi chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad, đồng thời nỗ lực vận động để tái hòa nhập Syria vào Liên đoàn Arab.
Điều đáng nói, những động thái này của Riyadh diễn ra song song với việc duy trì quan hệ với lực lượng đối lập tại Syria. Một chiến thuật đã đem lại hiệu quả bởi sau khi ông Bashar al-Assad bị lật đổ, Saudi Arabia cũng trở thành đích đến cho chuyến công du đầu tiên của các quan chức chính quyền mới tại Damascus.
Trong chuyến thăm Riyadh ngày 1/1/2025, Ngoại trưởng Assaad al-Shibani, Bộ trưởng Quốc phòng Murhaf Abu Qasra và người đứng đầu Cơ quan Tình báo Anas Khattab của chính quyền mới tại Syria nhắc lại thông điệp mà Tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa đã đưa ra hồi tháng 12/2024, rằng Saudi Arabia sẽ đóng vai trò lớn trong tương lai của Syria.
Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan tham dự buổi đàm phán giữa phái đoàn Mỹ và Ukraine.
Hiện tại, Saudi Arbia đang nỗ lực vận động cộng đồng quốc tế dỡ bỏ lệnh cấm vận với Syria và tiếp tục làm trung gian giúp chính phủ lâm thời tại Damascus ký kết một thỏa thuận an ninh biên giới với Lebanon. Lễ ký kết diễn ra tại thành phố biển Jeddah ngày 27/3 với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arbia Khalid bin Salman, Bộ trưởng Quốc phòng Syria, Thiếu tướng Murhaf Abu Qasra, Bộ trưởng Quốc phòng Lebanon, Thiếu tướng Michel Menassa, đánh dấu việc chấm dứt xung đột vũ trang vừa bùng lên tại biên giới Syria - Lebanon khiến hơn một chục binh sĩ thiệt mạng.
Một ngày sau, Saudi Arabia lại đón tiếp nhà lãnh đạo Quân đội Chính phủ Sudan, một trong hai bên chủ chốt trong cuộc nội chiến tại quốc gia Đông Bắc Phi này. Hãng truyền thông địa phương, Al Arabia cho biết, Tổng tư lệnh quân đội Sudan, Abdel Fattah al-Burhan, đã gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Mecca vào ngày 28/3 để thảo luận về những diễn biến mới nhất tại đất nước Sudan đang bị chiến tranh tàn phá nghiêm trọng.
Saudi Arabia cũng đang tham gia sâu hơn vào các cuộc đàm phán quan trọng về Gaza, đặc biệt là về kế hoạch tái thiết vùng đất này. Mới nhất là việc Ủy ban bộ trưởng của Nhóm liên lạc Arab-Hồi giáo do Saudi Arabia làm chủ tịch đã tổ chức một cuộc họp tại Cairo (Ai Cập) vào ngày 24/3 với Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, Kaja Kallas, để thảo luận về cơ chế thực hiện kế hoạch tái thiết Gaza.
Các hoạt động đối ngoại ý nghĩa và tích cực này khiến tờ báo Mỹ Wall Street Journal, trong bài bình luận ra ngày 30/3 đã không tiếc lời khen ngợi Saudi Arabia và mô tả vương quốc dầu mỏ này đang là “thủ đô ngoại giao mới” của thế giới.
Tham vọng và động lực của Saudi Arabia
Chuyên gia Mahmoud Jabari của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng các cuộc đàm phán về chiến tranh Ukraine, với Saudi Arabia là bên trung gian, chứng minh cho hành động cân bằng tinh tế mà Riyadh phải theo đuổi trong một thực tế địa chính trị mới đầy phức tạp. Điều này dựa trên chiến lược ba mũi nhọn: Đa dạng hóa nền kinh tế để tránh phụ thuộc vào hydrocarbon; duy trì vai trò hiện tại là nhà cung cấp năng lượng quan trọng và đóng vai trò là cầu nối giữa các bên đối lập trong những cuộc xung đột toàn cầu.
Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia có mối quan hệ tốt với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Do đó, có thể khẳng định các hoạt động ngoại giao ngày càng nổi bật hơn của Saudi Arabia bắt nguồn từ sự kết hợp giữa các diễn biến trong cấu trúc quyền lực của khu vực và nhận thức rằng không thể đảm bảo an ninh và lợi ích kinh tế của mình nếu không có lập trường chính trị độc lập và chủ động hơn. Và chiến lược này trở nên hiệu quả hơn khi có sự tham gia tích cực của Thái tử Mohammed bin Salman.
Vị Thái tử trẻ của Saudi Arabia đang ở vị thế có thể đóng vai trò xây dựng trong khu vực nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tăng cường sự ổn định ở đó thay vì chỉ tạo ra tiếng vang. Ông là nhà lãnh đạo Arab được Tổng thống Trump yêu thích nhất. Hơn nữa, Thái tử Mohammed bin Salman có quan hệ tốt với Trung Quốc, Nga và cả Iran (ông thậm chí đang tìm cách làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Washington và Tehran). Cùng với Tổng thống Vladimir Putin của Nga, ông cũng có tiếng nói quyết định đối với sản lượng dầu và do đó là giá cả ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Với những yếu tố đó, không ngạc nhiên khi Tổng thống Donald Trump chọn Saudi Arabia là nơi tổ chức các cuộc đàm phán của Mỹ với Ukraine và Nga. Nhà Trắng còn ám chỉ rằng Riyadh sẽ tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai Tổng thống Trump và Putin về một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine. Và, những sự kiện ngoại giao này tiếp tục giúp hiện thực hóa quyết tâm của Thái tử Mohammed bin Salman trong việc định vị bản thân và vương quốc của ông như một nhân tố quan trọng trên toàn cầu.
Saudi Arabia cần một Vùng Vịnh an ninh để có thể dồn sức cho kế hoạch “cai nghiện” dầu mỏ.
Tất nhiên, thách thức cũng luôn sẵn có và không ít với Saudi Arabia. Đặc biệt là các chính sách trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump cũng đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho nhà lãnh đạo trẻ người Saudi Arabia. Ông Trump muốn giá dầu thấp. Saudi Arabia lại cần giá cao để tài trợ cho kế hoạch “cai nghiện” dầu mỏ của vương quốc này. Tổng thống Trump đã tiếp tục chiến dịch gây sức ép tối đa của mình đối với Iran, điều này lại làm suy yếu những nỗ lực của Thái tử Mohammed bin Salman nhằm giảm căng thẳng với Tehran.
Khu vực lân cận của Saudi Arabia cũng đang trong tình trạng hỗn loạn. Tại Syria, nhà lãnh đạo mới Ahmed al-Sharaa đang đấu tranh để giữ cho đất nước của mình không tiếp tục chia rẽ thành các lãnh địa chiến tranh. Tổng thống mới của Lebanon cũng tìm cách loại bỏ quyền lực chính trị của Hezbollah. Israel vẫn để ngỏ khả năng tấn công vào Gaza để giải cứu các con tin và tiêu diệt đến cùng các chiến binh Hamas.
Bên cạnh đó, các quan chức an ninh Israel vẫn khăng khăng rằng bây giờ là thời điểm để tấn công chương trình hạt nhân của Iran. Và, các cuộc tấn công của Mỹ vào tuần qua nhằm vào lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen cũng đang làm tăng nguy cơ rằng Iran - hoặc Houthi - có thể trả đũa các mục tiêu dầu mỏ của Saudi Arabia.
Song tất những thách thức quốc tế sát sườn này cũng chính là động lực để Saudi Arabia tham gia tích cực hơn vào hoạt động trung gian hòa giải tại các điểm nóng của khu vực và trên thế giới. Những lợi ích từ một chính sách cân bằng kết hợp với phòng ngừa rủi ro, trong đó nổi bật nhất là lợi ích an ninh giữa một Vùng Vịnh chưa bao giờ yên ả, là xứng đáng để Riyadh nỗ lực theo đuổi vai trò mới này của mình.
Quang Anh