Israel đánh chặn loạt tên lửa của Iran thế nào?

Israel đánh chặn loạt tên lửa của Iran thế nào?
7 giờ trướcBài gốc
Cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel hôm 1/10 được phía Tel Aviv khẳng định là thất bại, nhờ vào khả năng đánh chặn của nước này cũng như sự hỗ trợ từ phía Mỹ.
Tàu Mỹ giúp Israel chặn tên lửa Iran
Tổng thống Joe Biden cho hay, lực lượng hải quân Mỹ đã giúp Israel bắn hạ nhiều trong số khoảng 180 tên lửa của Iran vào tối 1/10, khiến cuộc tấn công của Tehran vào các thành phố của Israel "thất bại và không hiệu quả".
“Đừng hiểu lầm, Mỹ hoàn toàn ủng hộ Israel”, ông Biden nói với các phóng viên vài giờ sau vụ tấn công của Iran.
USS Cole là một trong hai tàu khu trục của hải quân Mỹ đã giúp bảo vệ Israel trong cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran hôm 1/10. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick S. Ryder cho hay, tàu khu trục hạm của hải quân Mỹ đóng tại phía đông Địa Trung Hải - USS Bulkeley và USS Cole, đã phóng một chục tên lửa đánh chặn chống lại các tên lửa của Iran. Không có ai trong số 40.000 quân nhân Mỹ trong khu vực bị thương trong các cuộc tấn công.
Trong khi đó, ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói có "kế hoạch chung chi tiết" giữa lực lượng Mỹ và các đối tác Israel để dự đoán hành động quân sự có thể xảy ra của Iran. Điều đó diễn ra sau cam kết ông Biden là sẽ làm mọi thứ trong khả năng để giúp bảo vệ Israel trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ các mối đe dọa.
Ông Sullivan từ chối cho biết liệu Mỹ có tham gia vào một cuộc phản công có thể xảy ra của Israel chống lại Iran hay không. Vào tháng 4, khi Mỹ giúp Israel đánh bại một cuộc tấn công tương tự của Iran, ông Biden nói với chính phủ Israel rằng ông sẽ không cho phép sử dụng lực lượng Mỹ trong một cuộc tấn công trực tiếp vào Iran.
Hệ thống "Vòm sắt"
Hệ thống phòng không "Vòm sắt" được Israel dùng để bảo vệ các địa điểm quân sự và dân sự khỏi các loạt tên lửa thường xuyên được bắn từ Gaza và Lebanon trong cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas.
Hệ thống phòng không của Israel đã hoạt động vào đêm 1/10, khi Iran bắn tên lửa vào Israel. Tổng tư lệnh quân đội Israel Herzi Halevi cho biết cuộc tấn công của Iran đã bị ngăn chặn một phần nhờ "hệ thống phòng không rất mạnh" của nước này.
Hệ thống Iron Dome (Vòm sắt) của Israel
Hệ thống "Vòm sắt" cũng đã đánh chặn hơn 200 máy bay không người lái và tên lửa do Iran phóng vào ngày 13/4.
Ban đầu, Israel tự phát triển hệ thống phòng không "Vòm sắt" sau chiến tranh Lebanon năm 2006, sau đó có sự tham gia của Mỹ. Washington đã cung cấp chuyên môn quốc phòng và hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính cho chương trình này.
Theo công ty quốc phòng Rafael của Israel - đơn vị hỗ trợ thiết kế hệ thống này, "Vòm sắt" là hệ thống phòng không uy lực, có khả năng đánh chặn thành công tới 90%.
"Vòm sắt" là một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng của Israel và được thiết kế để đánh chặn các tên lửa tầm ngắn ở khoảng cách lên tới 70 km.
Mỗi hệ thống "Vòm sắt" bao gồm ba phần chính: Hệ thống phát hiện radar, máy tính dự báo quỹ đạo của tên lửa đang bay tới và bệ phóng bắn tên lửa đánh chặn nếu tên lửa được cho là có khả năng bắn trúng khu vực chiến lược hoặc khu vực đông dân cư.
Hệ thống này được sử dụng cùng với các hệ thống phòng thủ tên lửa khác như Arrow, có khả năng chống lại tên lửa đạn đạo, và hệ thống David's Sling dùng để tấn công bằng tên lửa hoặc rocket tầm trung.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, mỗi hệ thống đánh chặn "Vòm sắt" có chi phí sản xuất từ 40.000-50.000 USD.
Nhóm nghiên cứu ước tính rằng một hệ thống hoàn chỉnh, bao gồm radar, máy tính và ba đến bốn bệ phóng - mỗi bệ chứa tới 20 tên lửa đánh chặn sẽ tốn khoảng 100 triệu USD để sản xuất.
Theo Raytheon, Israel có 10 hệ thống như vậy đang hoạt động, công ty này giúp sản xuất "Vòm sắt".
"Vòm sắt" là một trong những trụ cột chiến lược của liên minh Mỹ - Israel được các chính quyền đảng Dân chủ và Cộng hòa liên tiếp ủng hộ. Vào tháng 8/2019, quân đội Mỹ ký hợp đồng mua hai hệ thống "Vòm sắt" để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa tầm ngắn của nước này.
Phản ứng của Israel sau vụ tấn công
Sau các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran hôm 1/10, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rõ quân đội Israel sẽ phản ứng vào thời điểm họ lựa chọn. "Chế độ ở Iran không hiểu được quyết tâm của chúng tôi trong việc tự vệ và trả đũa kẻ thù", ông nói trong một thông điệp video sau các cuộc tấn công.
Trong nhiều tháng, mối quan hệ giữa ông Biden và ông Netanyahu trở nên căng thẳng khi ông Biden lên án các hành động quân sự của Israel ở Gaza. Tháng trước, các quan chức Mỹ dường như bất ngờ trước quyết định của ông Netanyahu khi thực hiện kế hoạch hạ sát Hassan Nasrallah, thủ lĩnh lâu năm của Hezbollah, một ngày sau khi Mỹ và hàng chục quốc gia khác kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Lebanon.
Căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo gia tăng khi Israel tiến hành hành động quân sự hung hăng có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện, gây bất ổn ở Trung Đông. Tuần trước, các quan chức Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng trước việc Israel bác bỏ các đề xuất ngừng bắn.
Tuy nhiên, ông Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris tập trung tại Nhà Trắng để theo dõi cuộc tấn công của Iran. Ông Sullivan sau đó nói Mỹ có cam kết Iran sẽ gánh "hậu quả, hậu quả nghiêm trọng cho cuộc tấn công này". Ông từ chối nói những hậu quả đó sẽ là gì song nhấn mạnh các thành viên của chính quyền Biden sẽ tham gia thảo luận với các đối tác Israel trong suốt 24 giờ tới.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết không có cảnh báo từ Tehran trước cuộc tấn công tên lửa. Khi được hỏi liệu Israel có kéo Mỹ vào một cuộc chiến hay không, người phát ngôn Matthew Miller nói rằng "Israel tự đưa ra quyết định" và "Mỹ phải tự đưa ra quyết định về lợi ích quốc gia của chúng tôi".
Kông Anh
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/israel-danh-chan-loat-ten-lua-cua-iran-the-nao-ar899375.html