Israel đe dọa chấm dứt 2 thập kỷ thống trị của Iran ở Trung Đông

Israel đe dọa chấm dứt 2 thập kỷ thống trị của Iran ở Trung Đông
2 giờ trướcBài gốc
Tàu chiến Bulkeley của Hải quân Mỹ chặn tên lửa đạn đạo của Iran bắn vào Israel, ngày 1/10. (Ảnh: US Navy)
Tại Washington, Tel Aviv, Jerusalem và các thủ đô Ả-rập, những người phản đối và ủng hộ chiến dịch tấn công của Israel đang nghĩ đến chuyện Mỹ nên làm gì tiếp theo, sau khi đồng minh của Mỹ đạt được những thành công về chiến thuật từ những cuộc tấn công lực lượng Hezbollah ở Li-băng và Houthi ở Yemen, trong khi tiếp tục chiến dịch quân sự nhằm đè bẹp lực lượng Hamas ở Dải Gaza.
Military Times dẫn lời ông Richard Goldberg, cố vấn cấp cao tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ có khuynh hướng bảo thủ ở Washington, cho rằng Israel nên nhận được mọi hỗ trợ cần thiết từ Mỹ cho đến khi Chính phủ Iran “trở thành lịch sử”.
Yoel Guzansky, cựu quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, kêu gọi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia cùng Israel để tấn công trực tiếp vào Iran. Điều đó sẽ gửi "thông điệp đúng đắn đến người Iran: Đừng gây rối với chúng tôi'', ông Guzansky nói.
Tuy nhiên, phe phản đối nhắc lại những bài học từ chiến dịch quân sự của Mỹ tại Iraq và tác dụng ngược của việc lật đổ Tổng thống Saddam Hussein. Khi đó, Tổng thống Mỹ George W. Bush phớt lờ cảnh báo của người Ả-rập, rằng nhà lãnh đạo độc tài Iraq là đối trọng không thể thiếu ở khu vực để kiềm chế ảnh hưởng của Iran.
Phe phản đối cho rằng không nên quyết giành chiến thắng quân sự mà không cân nhắc đầy đủ rủi ro và hậu quả không mong muốn. Cuối cùng, Israel "sẽ rơi vào tình huống mà họ chỉ có thể tự bảo vệ mình bằng chiến tranh liên miên", Vali Nasr, cố vấn của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết.
Nasr hiện là giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins (SAIS), chuyên ghi chép về sự gia tăng ảnh hưởng của Iran trong khu vực kể từ khi Mỹ xâm lược Iraq.
Khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bỏ ngoài tai lời kêu gọi của chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc phải kiềm chế, Mỹ và các đối tác của họ ở Trung Đông "chỉ còn biết chờ xem ông Netanyahu sẽ làm tới mức nào”, ông Nasr nói.
"Như thể chúng ta chưa rút ra được gì từ những bài học, hoặc sự điên rồ của cuộc thử nghiệm ở Iraq năm 2003 về việc định hình lại trật tự Trung Đông", Randa Slim, một thành viên của SAIS và là nhà nghiên cứu tại Viện Trung Đông ở Washington, nhận xét.
Phe ủng hộ Israel muốn chiến dịch quân sự của nước này sẽ làm suy yếu Iran và các lực lượng ủy nhiệm, khiến Tehran không còn có thể hợp tác với Nga hay các đối thủ khác của phương Tây. Phe phản đối cảnh báo chỉ dùng hành động quân sự mà không giải quyết được nỗi bất bình của người Palestine thì sẽ chỉ gây ra các chu kỳ chiến tranh và bất ổn, khiến Iran quyết chế tạo vũ khí hạt nhân để đảm bảo sự tồn tại của họ.
Trước khi Israel tấn công Hezbollah, các nhà lãnh đạo Iran bày tỏ quan tâm đến việc quay lại đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân và việc cải thiện quan hệ nói chung.
Chỉ trong vài tuần qua, các cuộc không kích của Israel đã giáng những đòn nặng nề vào lực lượng và hàng ngũ lãnh đạo của Hezbollah, một trong những lực lượng quân sự hùng mạnh nhất ở Trung Đông – cùng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu khí của Houthi ở Yemen.
Một năm tấn công của Israel vào Dải Gaza dường như đã làm suy yếu nghiêm trọng lực lượng Hamas, buộc những người còn sống sót phải trú ẩn dưới hầm.
Việc Israel tấn công để đáp trả vụ Iran bắn hàng trăm tên lửa đạn đạo có thể đẩy nhanh những chuyển dịch sức mạnh ở khu vực, dẫn đến một cuộc chiến tranh tổng lực mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và các chính quyền tiền nhiệm đã nỗ lực ngăn chặn.
Khó dự đoán
Các cuộc không kích mở rộng của Israel khiến phe ủng hộ nước này nghĩ đến viễn cảnh làm suy yếu liên minh chống phương Tây, chống Israel của Iran cùng các nhóm vũ trang thân thiết ở Li-băng, Iraq, Syria và Yemen, từ đó làm giảm hợp tác với Nga và Triều Tiên.
Người Houthi giương cờ Hezbollah trong cuộc tuần hành phản đối Israel và Mỹ ở Sanaa, ngày 27/9. (Ảnh: AP)
Liên minh quân sự mang tên "trục kháng chiến" của Iran trỗi dậy sau chiến dịch xâm lược của Mỹ ở Iraq để lật đổ Tổng thống Saddam, người đã duy trì cuộc chiến kéo dài 8 năm để chống lại chế độ giáo sĩ ở Iran.
Những tác động không mong muốn đối với Mỹ từ chiến dịch can thiệp vào Iraq còn là sự trỗi dậy của các nhóm cực đoan, trong đó có tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Quân đội Mỹ rút ra bài học, rằng Iran có vẻ là “bên chiến thắng duy nhất” trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003.
“Hai thập kỷ trước, ai có thể hình dung một ngày Iran hỗ trợ Nga bằng vũ khí? Lý do là vì ảnh hưởng của họ (Iran) ngày càng lớn sau khi Mỹ lật đổ ông Saddam", ông Ihsan Alshimary, giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Baghdad, đánh giá.
GS. Mehran Kamrava, một chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Georgetown ở Qatar, cho rằng cuộc xung đột hiện nay có thể kết thúc bằng việc Israel sa lầy vào cuộc chiến tranh trên bộ ở Li-băng.
Sau 4 thập kỷ thù địch sâu sắc giữa Israel và Iran, "cuộc chiến tranh lạnh giữa họ đã biến thành chiến tranh nóng. Và điều này đang thay đổi đáng kể bối cảnh chiến lược ở Trung Đông", ông Kamrava nhận định.
"Chúng ta chắc chắn đang ở bên bờ vực của sự thay đổi, nhưng hướng đi và bản chất của sự thay đổi đó rất khó dự đoán ở giai đoạn này", GS. Kamrava cho biết.
Thu Loan
Theo Military Times
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/israel-de-doa-cham-dut-2-thap-ky-thong-tri-cua-iran-o-trung-dong-post1680655.tpo